Thứ sáu, 19/04/2024 11:54 (GMT+7)
Thứ năm, 09/12/2021 15:00 (GMT+7)

Bài toán quản lý rác thải nhựa trong ngành thủy sản

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng. Để giảm lượng rác thải nhựa từ ngành thủy sản và hướng tới nền kinh tế xanh, điều cần thiết là phải áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.

Rác thải nhựa gia tăng gánh nặng cho môi trường biển

Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài, có tiềm năng phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, Việt Nam cũng được coi là một trong những quốc gia có lượng lớn rác nhựa thải ra biển hàng năm.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), năm 2018, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới, với khối lượng dao động từ 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển và đứng thứ 4/20 quốc gia cao nhất.

TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản (VIFEP) nhận định, trong quá trình sản xuất, ngành thuỷ sản cần sử dụng các vật liệu bằng nhựa. Rác thải nhựa trong quá trình sản xuất thuỷ sản cũng là một trong những nguồn thải ra biển và đại dương. Do vậy, rác thải nhựa từ ngành thuỷ sản cần phải được thu gom và có giải pháp xem như một dạng tài nguyên cần tái chế, tái sử dụng.

Bài toán quản lý rác thải nhựa trong ngành thủy sản - Ảnh 1
Ngư lưới cụ, rác thải nhựa được thu gom tại các bãi biển Việt Nam. (Ảnh: Báo TN&MT)

Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ TN&MT công bố đầu tháng 8/2021 cho thấy, rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa trên biển đang là vấn đề nổi cộm trên toàn cầu. Ước tính, hơn 70% - 80% rác thải nhựa trên biển có nguồn gốc từ đất liền.

Phần còn lại là nhựa thải trực tiếp ra biển, chủ yếu từ các hoạt động đánh bắt hải sản như ngư cụ bị bỏ lại trên biển, đặc biệt nguy hiểm với sinh vật biển và là nguồn chủ yếu gây ô nhiễm nhựa trên đại dương. Chỉ tính riêng tại cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, 100% tàu cá không có thiết bị thu gom rác thải và 100% tàu cá không đưa rác thải vào bờ.

Đáng lo ngại, trong rác thải nhựa, loại chiếm tỉ trọng nhiều nhất về số lượng là phao xốp và dây thừng, lưới nhỏ. Tổng số lượng các sản phẩm này chiếm đến 47% về số lượng rác và 46% về khối lượng rác thải, tiếp đến là các loại rác thải nhựa dùng một lần như hộp xốp đựng thức ăn, túi nylon.

Những nơi có mức ô nhiễm nhựa cao, phần lớn có vị trí hoặc nằm cạnh bến tàu, khu dân cư như bãi cửa sông Cái, bãi Vĩnh Hòa - Nha Trang hoặc tập trung nhiều hoạt động du lịch như bãi Tây, bãi Hang Câu trên và Hang Câu dưới -Lý Sơn, Hòn Mun - Nha Trang. Đặc biệt, tại khu vực đảo xa bờ, ít hoạt động du lịch như Côn Đảo, Hòn Cau, Bái Tử Long cũng bị ô nhiễm rác thải nhựa với số lượng và khối lượng rác cao hơn so với các bãi nằm trên đất liền (Ninh Thuận, Quảng Trị) hoặc đảo ven bờ (Cát Bà, Cù Lao Chàm).

Theo ông Đào Xuân Lai, Trưởng Phòng Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNDP Việt Nam, khảo sát ở riêng cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) có hơn 10.000 chiếc tàu hàng ngày đi ra biển, mang lượng rác thải gồm vỏ chai nhựa đựng nước uống, vỏ lon nước ngọt, túi nilon đựng thức ăn rất lớn. Toàn bộ lượng rác thải này đem thả ra biển, đến nay chưa có một tàu nào đem số rác thải này về.

“Rác thải đó để lại dưới lòng biển. Những vụn nhựa khi cá ăn vào sẽ không chỉ gây nguy hiểm cho cá, mà sẽ nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho chúng ta khi ăn những hải sản này. Chúng tôi nhìn thách thức đó rất nghiêm trọng”.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp kinh tế tuần hoàn

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến biển Việt Nam đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, nguồn gây ô nhiễm chính là nguồn thải trên đất liền và các nguồn thải trên biển (hoạt động vận tải trên biển, đánh bắt, sự cố thiên nhiên, chất thải trôi nổi trên biển và các hoạt động khác)… Cùng với đó, các quy định pháp lý, công tác giám sát việc thực thi các quy định về bảo vệ môi trường biển hiện nay còn hạn chế; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong ứng phó với sự cố môi trường biển chưa tạo được mối liên hệ chặt chẽ; ý thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường biển của người dân chưa cao…

Bài toán quản lý rác thải nhựa trong ngành thủy sản - Ảnh 2
Việt Nam quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng. (Ảnh minh họa)

Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng, thể hiện rõ nhất tại Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đặt mục tiêu “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.

Theo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương và 100% ngư cụ bị mất hoặc bị vứt bỏ. Để giảm lượng rác thải nhựa từ ngành thủy sản và hướng tới nền kinh tế xanh, điều cần thiết là phải áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.

Hiện nay phát triển kinh tế tuần hoàn, gắn với tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên tái tạo trong vòng tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt.

Vì vậy, rác thải nhựa cần phải được thu gom coi là nguồn tài nguyên cần tái tạo để sử dụng. Ngăn chặn tác động của rác thải nhựa cần sự chung ta từ trung ương đến các địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là các tập thể cá nhân đang tham gia sản xuất thủy sản.

Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng: “Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương nói chung và rác thải nhựa thủy sản nói riêng đang ngày càng ở mức báo động, thậm chí có những nơi trở thành vấn nạn”. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng. Tổng cục Thủy sản sẽ đồng hành cùng với ngư dân, tuyên truyền trên 28 tỉnh, thành ven biển, để chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, chung tay vì một nghề cá phát triển bền vững.

Từ năm 2019, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng đã liên hệ và hợp tác triển khai “Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì một cộng đồng khỏe mạnh và thành phố xanh” thuộc Dự án “Đại dương không nhựa”.

Kết quả từ chương trình, rác thải tàu cá mang về bờ chủ yếu là rác thải nhựa gồm chai lọ, bao nylon, xốp thải… với số lượng khoảng 2-3 kg/tàu chiếm khoảng 20% lượng sản phẩm nhựa có phát sinh rác thải khi mang đi biển. Nguyên nhân ngư dân không mang hết rác thải về bờ là do lượng rác phát sinh lớn, cồng kềnh nên trên tàu không có đủ diện tích để chứa.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới khởi động Chương trình “Đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, những vấn nạn về rác thải nhựa đối với môi trường hiện nay không phải lỗi của các sản phẩm nhựa. Lỗi thuộc về cách thức chúng ta sử dụng, thải bỏ không đúng cách.

Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách ứng xử với nhựa thông qua việc quản lý một cách khoa học, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Chỉ như vậy, chúng ta mới phát huy được hết các tính năng của sản phẩm nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Bài toán quản lý rác thải nhựa trong ngành thủy sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .