Thứ sáu, 29/03/2024 19:57 (GMT+7)
Thứ ba, 07/12/2021 07:00 (GMT+7)

Giảm thiểu rác thải nhựa từ đại dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Đại dịch Covid-19 ập đến không chỉ gây ra những thiệt hại lớn về sức khỏe, kinh tế, mà còn phá hủy những nỗ lực chống rác thải nhựa ở Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung.

Hạn chế sử dụng túi nylon khó phân huỷ trong cơ sở y tế

Mới đây, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế. Theo đó, cơ sở y tế phải thực hiện các biện pháp hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, túi nylon khó phân huỷ nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/1/2022.

Cụ thể, các cơ sở y tế phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải y tế sau: Mua sắm, lắp đặt, sử dụng vật tư, thiết bị, dụng cụ, thuốc, hóa chất và các nguyên, vật liệu phù hợp với nhu cầu sử dụng; đổi mới thiết bị, quy trình trong hoạt động chuyên môn y tế và các biện pháp khác để giảm thiểu phát sinh chất thải y tế; có biện pháp, lộ trình và thực hiện hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nylon khó phân huỷ nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa.

Chất thải y tế phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh. Bên cạnh đó, phải tiến hành phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm.

Giảm thiểu rác thải nhựa từ đại dịch Covid-19 - Ảnh 1
Các cơ sở y tế phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải y tế, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nylon khó phân huỷ. (Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết)

Trong đó, chất thải lây nhiễm sắc nhọn bỏ vào trong thùng hoặc hộp kháng thủng có màu vàng; chất thải lây nhiễm không sắc nhọn bỏ vào trong thùng có lót túi và có màu vàng; chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao bỏ vào trong thùng có lót túi và có màu vàng; chất thải giải phẫu bỏ vào trong 2 lần túi hoặc trong thùng có lót túi và có màu vàng; chất thải lây nhiễm dạng lỏng chứa trong túi kín hoặc dụng cụ lưu chứa chất lỏng có nắp đậy kín.

Cơ sở y tế quy định luồng đi và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế; dụng cụ thu gom chất thải phải bảo đảm kín, không rò rỉ dịch thải; chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải tạm thời trong cơ sở y tế. Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín miệng, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín.

Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế tối thiểu một lần một ngày. Đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 5 kg trong một ngày, chất thải lây nhiễm được thu gom với tần suất tối thiểu một lần một ngày, chất thải lây nhiễm sắc nhọn được thu gom tối thiểu là một lần một tháng.

Rác thải nhựa tăng đột biến trong đại dịch

Đại dịch Covid-19 ập đến không chỉ kéo theo những thiệt hại lớn về sức khỏe, kinh tế, mà còn âm ỉ phá vỡ những nỗ lực chung của toàn xã hội để giảm thiểu gánh nặng của rác thải nhựa với môi trường sống.

Theo đó, có khoảng 26.000 tấn rác nhựa xuất phát từ dịch Covid-19 đã tràn vào các đại dương trên thế giới, làm trầm trọng hơn vấn nạn vốn đã khó giải quyết trên bình diện toàn cầu.

Khủng hoảng dịch bệnh đã làm bùng lên cuộc chạy đua sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân. Không thể phủ nhận, vai trò của nhựa sử dụng một lần đã là cứu cánh trong cuộc chiến chống lại Covid-19, nhất là các thiết bị bảo hộ y tế cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trong cuộc khủng hoảng từ đại dịch Covid-19, ý thức, trách nhiệm chống rác thải nhựa đã không được người dân tuân thủ nghiêm ngặt trước đó.

Giảm thiểu rác thải nhựa từ đại dịch Covid-19 - Ảnh 2
Khoảng 26.000 tấn rác nhựa xuất phát từ dịch Covid-19 đã tràn vào các đại dương trên thế giới, làm trầm trọng tình trạng ô nhiễm nhựa toàn cầu. (Ảnh minh họa)

Mặt khác, dịch Covid-19 đã “giải phóng” hàng loạt các loại rác thải nhựa theo những cách khác nhau. Các công ty không còn chú trọng đến việc sử dụng các công cụ tái chế, nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt và các nhà máy phải ngừng hoạt động vì lo ngại lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, nỗi lo về việc lây nhiễm virus cũng khiến một số người thu gom và phân loại rác gặp khó khăn.

Giới chuyên gia nhận định tình trạng này có nguy cơ tạo nên một thảm họa môi trường ở khu vực, làm suy yếu những nỗ lực tái chế đã đạt được trong suốt thời gian dài.

Trước khi đại dịch bùng phát, các nhà bảo vệ môi trường đã cảnh báo về mối đe dọa đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người do ô nhiễm nhựa gây ra. Giờ đây, vấn đề càng trở nên khó khăn khi ưu tiên cho sức khỏe và an toàn được đặt lên hàng đầu khiến cho lượng nhựa dùng một lần ngày càng gia tăng.

Một phân tích mới đây chỉ rõ, từ đầu dịch cho tới tháng 8 vừa qua, 193 quốc gia đã sản xuất khoảng 8,4 triệu tấn rác thải nhựa. Bệnh viện là nơi đóng góp phần lớn rác nhựa - khoảng 87,4%, trong khi 7,6% đến từ các cá nhân.

Bao bì và dụng cụ xét nghiệm chiếm lần lượt là khoảng 4,7% và 0,3% lượng rác thải. Cho tới tháng 8, hàng nghìn tấn nhựa đã trôi theo dòng chảy của 369 con sông lớn ra tới đại dương. Trong 3 năm tới, phần lớn mảnh vụn nhựa sẽ từ bề mặt đại dương chìm xuống đáy biển hoặc trôi dạt vào các bờ biển.

Được biết, Việt Nam đứng thứ 4 trong top 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới. Trung bình mỗi ngày, chúng ta thải ra 2.500 tấn rác thải nhựa, trong đó, chỉ một phần nhỏ được tiêu hủy, xử lý, còn lại vương vãi ra môi trường. 

Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, rác thải nhựa là mối nguy hại đối với môi trường và con người, phải mất hàng trăm năm mới có thể tiêu hủy hết. Khi xử lý rác thải nhựa bằng các phương pháp đốt hay chôn xuống đất như hiện nay, các vi nhựa sẽ lẫn vào nước, đất, không khí, làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gây ra hệ lụy đối với sức khỏe. Đặc biệt, trong mùa dịch Covid-19, lượng rác thải tăng cao khiến việc xử lý rác thải nhựa càng khó khăn hơn. 

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Giảm thiểu rác thải nhựa từ đại dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.