Thứ sáu, 22/11/2024 09:23 (GMT+7)
Chủ nhật, 05/12/2021 11:00 (GMT+7)

Quản lý rác thải nhựa đại dương để hướng đến nền kinh tế biển xanh

Theo dõi KTMT trên

Theo đánh giá, rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa trên biển, đang là vấn đề nổi cộm trên toàn cầu cần sự chung tay vào cuộc của nhiều quốc gia.

Vấn nạn rác thải nhựa đại dương

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố đầu tháng 8/2021, rác thải nhựa, trong đó có rác thải nhựa trên biển, đang là vấn đề nổi cộm trên toàn cầu. Ước tính, hơn 70% - 80% rác thải nhựa trên biển có nguồn gốc từ đất liền.

Phần còn lại là nhựa thải trực tiếp ra biển, chủ yếu từ các hoạt động đánh bắt hải sản như ngư cụ bị bỏ lại trên biển, đặc biệt nguy hiểm với sinh vật biển và là nguồn chủ yếu gây ô nhiễm nhựa trên đại dương. Chỉ tính riêng tại cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, 100% tàu cá không có thiết bị thu gom rác thải và 100% tàu cá không đưa rác thải vào bờ.

Quản lý rác thải nhựa đại dương để hướng đến nền kinh tế biển xanh - Ảnh 1
Rác thải nhựa trong quá trình sản xuất thuỷ sản cũng là một trong những nguồn thải ra biển và đại dương. (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản (VIFEP) chia sẻ: “Trong quá trình sản xuất, ngành thuỷ sản cần sử dụng các vật liệu bằng nhựa. Rác thải nhựa trong quá trình sản xuất thuỷ sản cũng là một trong những nguồn thải ra biển và đại dương.  Do vậy, rác thải nhựa từ ngành thuỷ sản cần phải được thu gom và có giải pháp xem như một dạng tài nguyên cần tái chế, tái sử dụng ”.

Theo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương và 100% ngư cụ bị mất hoặc bị vứt bỏ. 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú và các dịch vụ du lịch ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. 100% các khu bảo tồn biển không có rác thải nhựa. Để giảm lượng rác thải nhựa từ ngành thủy sản và hướng tới nền kinh tế xanh, điều cần thiết là phải áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường, UNDP Việt Nam nhấn mạnh: “Để giảm thiểu chất thải nhựa đại dương, phát triển kinh tế biển xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế, tăng cường, chuyển giao công nghệ, đồng thời huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế.” 

Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Ông Phạm Mạnh Hoài, Quản lý hợp phần quan hệ đối tác và chính sách về nhựa  thuộc WWF - Việt Nam: Như chúng ta đã biết, tình trạng chất thải nhựa phát thải vào đại dương trên thế giới đang ở mức báo động. Rác thải nhựa và hạt vi nhựa được ghi nhận xuất hiện mọi nơi trong môi trường biển của trái đất. Vì vậy vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại dương có liên qua đặc biệt đến tất cả các quốc gia, Việt Nam với nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ cũng không ngoại lệ.

Quản lý rác thải nhựa đại dương để hướng đến nền kinh tế biển xanh - Ảnh 2
Việc sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa không bền vững đã trở thành một mối đe dọa to lớn đối với hệ sinh thái và môi trường trên đất liền, ven biển cũng như đại dương. (Ảnh minh họa)

Tại Hội nghị Các giải pháp về nhựa khu vực các Biển Đông Á 2020 với Chủ đề "Giảm thiểu lãng phí nhựa và giữ sạch đại dương - Các hành động đến nay,” Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhận định việc sản xuất và tiêu dùng sản phẩm nhựa không bền vững đã trở thành một mối đe dọa to lớn đối với hệ sinh thái và môi trường trên đất liền, ven biển cũng như đại dương.

Để vượt qua thách thức này, điều quan trọng là phải làm sao để tất cả các bên, bao gồm cả những người hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các doanh nhân và người tiêu dùng phải cùng chung tay thay đổi một cách hệ thống cách thức sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nhựa.

Để làm được điều này, những sáng kiến và mô hình hợp tác hiện tại cần phát huy vai trò lớn hơn trong việc tạo điều kiện trao đổi cách thức tối ưu và kinh nghiệm về xây dựng chính sách, phát triển và chuyển giao công nghệ, xây dựng năng lực, trong từng quốc gia cũng như giữa các quốc gia.

Một trong những sáng kiến đó là mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tập trung vào tái sử dụng rác thải để sản xuất sản phẩm khác, qua đó tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý và giúp giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.

Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, ô nhiễm nhựa không bị hạn chế bởi các ranh giới địa lý và chế độ chính trị nên hợp tác quốc tế là cần thiết, đặc biệt là việc chia sẻ kiến thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính.

Khu vực ASEAN đã có một số các chương trình, dự án quốc tế về rác thải nhựa đại dương được triển khai thông qua các thỏa thuận song phương, đa phương. Nhưng thực tế cho thấy còn những khó khăn, tồn tại mà các thỏa thuận song phương, đa phương của mỗi quốc gia, khu vực chưa thể giải quyết triệt để được vấn đề này.

Việt Nam khẳng định sự ủng hộ và sẵn sàng tham gia vào việc xây dựng một thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương được khởi xướng và chủ trì bởi Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) trên nguyên tắc tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về luật biển và trong khuôn khổ của Liên hợp quốc.

Các vấn đề nêu trong thỏa thuận toàn cầu phải phù hợp với các ưu tiên của ASEAN và Việt Nam.

Làm sao xử lý rác thải nhựa hiệu quả từ các tàu thuyền ra khơi?

Ths. Vũ Thị Hồng Ngân, Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản đã cập nhật về kết quả khảo sát, đánh giá phát sinh rác thải nhựa từ ngành thủy sản. Theo đó trong ngành hải sản, rác thải nhựa phát sinh từ ngư lưới cụ, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và sinh hoạt.

Chất thải nhựa trong sinh hoạt trên tàu cá gồm: chai nhựa, túi nilong, vỏ gói mỳ tôm, vỏ hộp sữa, chai dầu ăn… với lượng thải ra khoảng 4-6 kg cho tàu từ 7-10 người trong mỗi chuyến đi biển dài 10-12 ngày.

Cả nước có hơn 35 nghìn tàu cá chiều dài trên 15 m, lượng rác thải nhựa sinh hoạt vào khoảng 5 nghìn tấn/năm. Cùng với đó là hơn 66 nghìn tàu cá có chiều dài dưới 15 m, tính toán lượng rác thải nhựa sinh hoạt từ nhóm tàu này vào khoảng 6-9 nghìn tấn/năm.

Đề cập về vật dụng bằng nhựa bảo quản hải sản trên tàu cá, bà Ngân cho hay, bình quân 1 tàu lưới kéo (giã cào) sử dụng từ 10-20 kg túi nilon trong mỗi chuyến biển; tàu dịch vụ sử dụng khoảng 50kg túi nilon trong 1 chuyến biển; tàu khai tác xa bờ sử dụng từ 1.000-20.000 khay nhựa (1,2kg/1khay) để bảo quản hải sản.

Ngư lưới cụ trong tàu cá khai thác thuỷ sản xa bờ (trên 15m dài) trung bình từ 600-1.500kg/tàu (đặc biệt nghề lưới rê (xù) lên tới 2 tấn). Tỷ lệ thất lạc ngư lưới cụ của các tàu cá vào khoảng 3-5%/năm, tương đương với 1-3 ngàn tấn/năm.

Xuân Hòa (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Quản lý rác thải nhựa đại dương để hướng đến nền kinh tế biển xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.