An Phát Holdings và cuộc chiến chống rác thải nhựa tại Việt Nam
Thông qua các hoạt động của tập đoàn, An Phát Holdings mong muốn góp phần vào việc giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đối với môi trường, đồng thời thúc đẩy nỗ lực chuyển đổi xanh và thực tế hóa nền kinh tế tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn hướng đến môi trường
Ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đã và đang trở thành vấn đề môi trường cấp bách toàn cầu, bởi những ảnh hưởng tiêu cực và tiềm ẩn nhiều nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người.
Việt Nam là một trong các quốc gia tiên phong trên toàn cầu áp dụng thay đổi hệ thống để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn về nhựa… Để có thể xây dựng thành công nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu ô nhiễm chất thải nhựa, Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, người dân của Việt Nam cũng như trên thế giới cần tích cực hưởng ứng các hoạt động triển khai chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng bền vững.
Thực tế, cuộc chiến chống rác thải nhựa còn nhận được sự đóng góp của các cơ quan, tổ chức, các tập đoàn doanh nghiệp, trong đó không thể không kể đến Tập đoàn An Phát Holdings.
Phát biểu tại sự kiện “Nâng cao năng lực truyền thông báo chí trong quản lý rác thải nhựa”, Phó TGĐ Tập đoàn An Phát Holdings Nguyễn Lê Thăng Long cho rằng: “Đối với mô hình kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm phân hủy sinh học hoàn toàn đóng vai trò như mắt xích quan trọng trong mô hình này thông qua việc cắt giảm và thay thế các sản phẩm từ nhựa truyền thống – vốn gây ra các vấn đề về ô nhiễm rác thải nhựa và vi nhựa.
Thông qua các nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn, Tập đoàn An Phát Holdings mong muốn góp phần vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực của rác thải nhựa lên môi trường sống, đặc biệt là môi trường biển, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp Việt trong nỗ lực chuyển đổi xanh và thực tế hóa nền kinh tế tuần hoàn”.
Bên cạnh đó, tiếp nối thành công của kỳ triển lãm trước, triển lãm quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2021 do Bộ Công Thương chủ trì chính thức được tổ chức lần thứ 2 từ ngày 15 – 17/12/2021. Theo đó, CTCP Nhựa Hà Nội (HOSE: NHH), thành viên Tập đoàn An Phát Holdings vinh dự là đại diện nổi bật trực tiếp tham gia triển lãm.
Tại triển lãm lần này, CTCP Nhựa Hà Nội đã trưng bày các sản phẩm linh kiện, phụ tùng ngành ô tô – xe máy cũng như linh kiện điện tử, thiết bị phụ trợ công nghiệp, khuôn mẫu chế tác… Đây là những sản phẩm thế mạnh của doanh nghiệp trong nhiều năm qua, được các đối tác tên tuổi trên toàn cầu tin tưởng lựa chọn hợp tác như Honda, Toyota, Samsung, LG, Panasonic, Piaggio…
Theo nhận định của ông Bùi Minh Hải – Chủ tịch CTCP Nhựa Hà Nội, “Triển lãm sẽ tạo nên một 'cuộc hội ngộ' đa dạng và đầy sáng tạo. Tại triển lãm lần này, CTCP Nhựa Hà Nội nói riêng và tập đoàn An Phát Holdings nói chung có cơ hội khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nhựa kỹ thuật cao và thân thiện môi trường. Đây là một sân chơi công bằng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam, cũng là nơi các doanh nghiệp được học hỏi, trau dồi và tìm kiếm các đối tác, các nhà đầu tư tiềm năng trong lĩnh vực này. Chúng tôi hi vọng sẽ đẩy mạnh kết nối giao thương với các khách hàng tham quan và đạt được những bước tiến đáng kể sau triển lãm VIMEXPO 2021”.
Sản phẩm sinh học thân thiện môi trường
Mới đây, TP.Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2022, 100% siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy để bảo vệ môi trường. Thay vào đó, sẽ sử dụng các sản phẩm thân thiện, gần gũi với tự nhiên.
Đáng chú ý, trong bối cảnh đó, An Phát Holdings đã công bố đầu tư theo một hướng khác biệt. Theo đó, doanh nghiệp đã sản xuất thành công dòng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn AnEco gồm túi, dao, thìa, dĩa, ống hút,... thay thế cho túi nilon và các sản phẩm nhựa truyền thống.
Theo An Phát Holdings, điều khác biệt của những chiếc túi AnEco là không tạo ra vi nhựa, có mức độ phân hủy 100% thành mùn, nước và CO2 trong vòng 6 tháng - 1 năm (tùy thuộc vào điều kiện chôn lấp), khác hẳn với các sản phẩm khác khi mức độ phân hủy chỉ ở mức 30 - 40%. Điều này cũng được chứng minh khi AnEco là dòng sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thế giới.
“Một trong những giải pháp tiên quyết, cũng là chiến lược của An Phát Holdings là tự chủ về nguyên liệu sản xuất sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn. Đây là con đường nhanh nhất giúp giảm giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp không bị phụ thuộc vào đối tác cung ứng nguyên liệu cũng như các tác động của thị trường như giá nguyên liệu đầu vào, giá cước vận tải biển tăng cao…”, ông Long cho biết thêm.
Trước đó, An Phát Holdings đã bắt tay với một đối tác Hàn Quốc có kinh nghiệm trên 20 năm và chuyển giao công nghệ lõi độc quyền sản xuất nguyên liệu PBAT về Việt Nam. Song song, doanh nghiệp bắt tay với Technip Zimmer, nhà thầu công nghệ hàng đầu thế giới của Đức để cải tiến quy trình công nghệ và đưa ra một giải pháp công nghệ tốt nhất thế giới để thiết kế Nhà máy sản xuất chất dẻo sinh học phân hủy hoàn toàn PBAT An Phát.
Hiện tại, An Phát Holdings đã đưa ra thị trường các sản phẩm AnEco như: Túi, màng bọc thực phẩm, dao, thìa, dĩa, ống hút sinh học, ống hút bột gỗ, găng tay sinh học, túi đựng rác, khăn trải bàn… Các sản phẩm này được bày bán tại các siêu thị, các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon của Mỹ và các sàn trong nước như Shopee, Tiki…
An Phát Holdings lọt Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2021
Theo công bố của CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) năm 2021, An Phát Holdings lọt vào top 147/500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và top 74/100 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Điều này ghi nhận những nỗ lực không ngừng và kết quả kinh doanh khả quan của An Phát Holdings, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Xác định mục tiêu trở thành Tập đoàn nhựa công nghệ cao và thân thiện môi trường hàng đầu Đông Nam Á, APH đang sở hữu hệ sinh thái doanh nghiệp ngành nhựa với 15 CTTV, hơn 5.000 CBNV, các chi nhánh tại Mỹ, Hàn Quốc, Singapore… Riêng trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu bao bì màng mỏng APH đang là tên tuổi lớn nhất khu vực Đông Nam Á, chiếm 20% thị phần xuất khẩu bao bì màng mỏng của Việt Nam.
Hiện tại APH đang đẩy nhanh tiến độ hai dự án trọng điểm là dự án xây dựng Nhà máy sản xuất chất dẻo sinh học phân hủy hoàn toàn PBAT hàng đầu Đông Nam Á và dự án Khu công nghiệp An Phát 1 với diện tích 180 ha (giai đoạn 1); đồng thời duy trì tăng trưởng ổn định tại các lĩnh vực cốt lõi như bao bì, công nghiệp hỗ trợ…
PV