Thứ sáu, 29/03/2024 22:06 (GMT+7)
Thứ hai, 04/11/2019 07:00 (GMT+7)

Giải ngân chậm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế

Theo dõi KTMT trên

Thực trạng giải ngân chậm trong nhiều năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đóng góp vào giá trị của GDP.

Tuần qua, Quốc hội đã kết thúc tuần làm việc thứ hai với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, đáng chú ý Quốc hội đã dành trọn 2 ngày để thảo luận ở Hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Những phiên thảo luận sôi nổi, những câu chuyện từ Nghị trường và cả bên hành lang Quốc hội đã trở thành tâm điểm chú ý của cử tri cả nước.

Được truyền hình và phát thanh trực tiếp trong 2 ngày về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách đã có 95 Đại biểu quốc hội phát biểu, cùng với 6 Bộ trưởng tham gia giải trình đưa ra các giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điểm sáng trong bức tranh kinh tế được các đại biểu Quốc hội ghi nhận là cả 12 chỉ tiêu kinh tế xã hội đã hoàn thành. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế dưới 3%; thất nghiệp dưới 4%; tăng trưởng ước đạt 6,8% cho cả năm.

Giải ngân chậm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - Ảnh 1
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Tỉ trọng xuất khẩu và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng tăng lên… Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á...

Nhiều đại biểu khẳng định đó là những thành quả rất quan trọng và đạt được những thành quả đó không dễ dàng. Tuy nhiên, về tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo, nhiều đại biểu bày tỏ chưa thể yên tâm với những con số này. Bởi mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Thái Bình nhấn mạnh, mức tăng trưởng 6,8% của một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và vào xuất khẩu như nước ta liệu có khả thi? Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị các phương án chủ động để ứng phó với tình trạng này. Ngành chế biến, chế tạo, khu vực đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm, nhưng đằng sau sản lượng ấn tượng, chỉ số hàng tồn kho của ngành này cũng đạt mức kỷ lục là 17,2%. Vậy tăng trưởng ngành này có bền vững không khi các doanh nghiệp đưa chỉ số hàng tồn kho về mức bình thường?

Không khí nghị trường qua hai ngày thảo luận cũng ghi nhận nhiều đại biểu băn khoăn, đặt câu hỏi vì sao câu chuyện giải ngân chậm? Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) thì đây là câu chuyện “biết rồi, nói mãi” vì năm nào cũng được đề cập trong báo cáo của Chính phủ ở phần hạn chế, yếu kém.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đóng góp vào giá trị của GDP. Do đó, theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn TP.HCM, việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư sẽ lan tỏa đến các nguồn vốn của các khu vực khác, kể cả khu vực tư nhân và giải bài toán chống lãng phí.

“Nguồn vốn đầu tư công được giải ngân sẽ hỗ trợ về tăng trưởng. Nhưng điều quan trọng là giải toán chống lãng phí, nếu làm chậm sẽ làm tăng chi phí trong đầu tư xây dựng và làm hiệu quả hơn quá trình sử dụng vốn trong đầu tư công hiện nay. Điều quan trọng hơn là rà soát các quy định của Luật liên quan đến xây dựng, đấu thầu để hoàn thiện thể chế, để từ đó không phải lặp lại tình trạng này cho những năm sau”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân lưu ý.

Thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, nhiều đại biểu đánh giá với 118 chính sách hiện có, đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực kinh tế xã hội, đặc biệt chính sách tín dụng cho hộ nghèo thực sự là bà đỡ có hiệu quả. Tuy nhiên, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm tới 25% tổng số hộ nghèo của cả nước, còn 222.000 hộ thiếu đất sản xuất, gần 81.000 hộ thiếu đất ở, hơn 370.000 hộ chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Nêu rõ thực trạng "bội thực" chính sách dẫn đến chồng chéo, phân tán, đại biểu Đinh Duy Vượt, đoàn Gia Lai cho rằng, Đề án đã nêu rõ nguyên nhân, tồn tại nhưng có thể khái quát tình trạng bội thực chính sách dẫn đến chồng chéo phân tán, thậm chí chính sách này suy giảm, triệt tiêu hiệu quả chính sách khác; lại có chính sách “quan cần nhưng dân chưa vội”; lại có chính sách “quan có vội, quan lội quan sang”.

“Tình trạng mất rừng, thiếu đất, sa mạc hóa đã và đang thu hẹp không gian sống, không gian văn hóa ngay trên nơi chôn rau cắt rốn ngàn đời. Đây là vấn đề lớn, cận kề nghiêm trọng phải kịp thời giải quyết”, đại biểu Đinh Duy Vượt đề nghị.

Giải ngân chậm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - Ảnh 2
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn ĐBQH TP.HCM.

Bên hành lang Quốc hội trong tuần qua cũng đã rất “nóng” câu chuyện liên quan đến vụ việc 39 người tử vong trong container ở Anh, trao đổi với các cơ quan báo chí, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các gia đình có thân nhân tử nạn. Cho rằng, qua vụ việc cho thấy việc quản lý nhân khẩu ở các địa phương còn lỏng lẻo, người dân chưa hiểu hết mức độ nguy hiểm tính mạng và hình phạt phải chịu theo quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam.

Đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau đề nghị: “Giải pháp căn bản nhất là tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động vùng nông thôn, miền núi. Đồng thời, phải tuyên truyền giải thích và cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân để nhận thức môi trường lao động và những nguy hiểm có thể đe dạo tính mạng và thiệt hại tài sản của người lao động. Đặc biệt là trách nhiệm cơ quan bảo vệ pháp luật kịp thời phát hiện và ngăn chặn biểu hiện của các đường dây xuyên quốc gia và trừng trị đích đáng người đứng ra dụ dỗ, lôi kéo người dân không hiểu biết, không đủ thông tin tham gia đường dây đó".

Cũng trong tuần làm việc, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung của các Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội và Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước.

Bạn đang đọc bài viết Giải ngân chậm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.