Cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, hiệu quả
Chi tiêu ngân sách nhà nước (NSNN) là một trong hai thành phần cấu tạo nên tổng thể NSNN, đóng vai trò quan trọng, trực tiếp thúc đẩy, điều hành mọi hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.
Toàn tuyến đường bao núi Bài Thơ giai đoạn 2, từ đường Trần Quốc Nghiễn đoạn Vincom - cảng Bến Đoan (tỉnh Quảng Ninh), được đưa vào sử dụng |
Cơ cấu lại hoạt động này tập trung vào điều chỉnh lại quy mô chi NSNN, tương quan giữa các cấu phần chi NSNN nhằm phân bổ nguồn lực khan hiếm của nền kinh tế vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển. Cùng với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, việc cơ cấu lại chi NSNN thích ứng với yêu cầu của thực tế là một bài toán phức tạp, đòi hỏi có giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Bài 1: Dịch chuyển cơ cấu, tỉ trọng chi ngân sách
NSNN đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các khâu tài chính bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Với yêu cầu phát triển xã hội hiện đại vốn đòi hỏi phải có phương thức quản lý mới, quản lý chi NSNN phải bảo đảm kỷ luật tài chính, trong nguồn lực cho phép; gắn với chính sách kinh tế và mục tiêu phát triển kinh tế trung hạn và dài hạn; đồng thời phải tạo ra được cơ chế tác động đòn bẩy để thúc đẩy các thành phần tham gia cung cấp dịch vụ công.
Lựa chọn đúng nhiệm vụ chi cấp bách
Nằm trong trục kinh tế trọng điểm vùng Đông Bắc Bộ, trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế theo hướng trọng tâm là công nghiệp khai khoáng. Tuy nhiên, với nguồn lực khoáng sản ngày càng cạn kiệt, tỉnh quyết định “xoay trục”, phát triển kinh tế theo hướng lấy du lịch, dịch vụ làm mũi nhọn. Có mặt tại TP Hạ Long vào những ngày này, những công trường xây dựng đường vành đai lấn biển thuộc dự án hầm đường bộ xuyên vịnh Cửa Lục đang vào giai đoạn thi công gấp rút, chạy đua với thời gian để bảo đảm tiến độ và mục tiêu đề ra. Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Ninh Lê Thị Hồng Vân cho biết, đây là dự án có tổng dự toán 10.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, chủ yếu từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, đã được đưa vào danh mục ưu tiên trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Người dân Quảng Ninh đồng thuận rất cao khi thực hiện dự án này, bởi khi hoàn thành sẽ giúp danh thắng vịnh Hạ Long có một diện mạo mới. Không những phục vụ kinh tế du lịch, giảm tải giao thông qua khu vực nội thị TP Hạ Long, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân được thuận lợi, an toàn mà công trình còn kết nối, phát huy hiệu quả chuỗi sản phẩm du lịch giữa khu vực phía đông và tây TP Hạ Long.
Bên cạnh đó, dự án mở rộng đường bao biển núi Bài Thơ cũng đang được thi công khẩn trương. Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng thành phố Hạ Long Nguyễn Công Huy cho biết, ngay trong tháng 10, hạng mục cơ bản của dự án sẽ hoàn thành gần 80% khối lượng, dự kiến kết thúc vào đầu tháng 11. Như vậy, chỉ trong hơn hai tháng thi công, hình hài cơ bản của dự án đã hình thành, bảo đảm cơ bản hoàn thành hạng mục nền đường mở rộng trong năm 2019 để làm cơ sở chuyển sang thi công các hạng mục, phấn đấu hoàn thành tổng thể dự án theo kế hoạch vào tháng 8-2020. Đây là dự án có tổng mức đầu tư 350 tỉ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, kế hoạch vốn năm 2019 là 178 tỉ đồng, hiện đã giải ngân được gần 90%. “Vì sử dụng nguồn vốn từ ngân sách cho nên công trình đưa vào sử dụng sớm, sẽ giúp thúc đẩy kinh tế - xã hội, phát huy đồng vốn đầu tư nhà nước”, Giám đốc Nguyễn Công Huy nói.
Để có được các công trình trọng điểm mang tính đột phá này, Quảng Ninh sử dụng vốn ngân sách để thực hiện. Điều đáng nói là không trông chờ vào nguồn vốn cấp phát từ Trung ương, tỉnh xin được tự cân đối nguồn ngân sách địa phương mỗi năm 2.000 tỉ đồng để xây dựng công trình quan trọng này. Việc dành được vốn đầu tư cho công trình trọng điểm là kết quả của công tác cơ cấu lại chi NSNN của tỉnh. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng, bắt đầu từ tiến trình ngân sách năm 2017, cũng là năm đầu triển khai Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, sau khi HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về dự toán thu, chi ngân sách, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đồng thời xác định rõ cơ chế và biện pháp điều hành NSNN. Trong đó, nhận thấy nguồn chi thường xuyên có những nhiệm vụ chi có thể cải cách, lồng ghép, tiết kiệm được, cho nên ngay từ khâu xây dựng dự toán, tỉnh đã đặt rõ mục tiêu thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên để bổ sung 3.421 tỉ đồng cho chi đầu tư phát triển trong điều kiện vẫn bảo đảm các nhiệm vụ chi thường xuyên.
Để thực hiện được điều này, Quảng Ninh thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách địa phương, yêu cầu các đơn vị thụ hưởng ngân sách thực hiện chủ động rà soát, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên; kiên quyết rà soát các nhiệm vụ chi có sự chồng chéo, tổ chức điều hành chi ngân sách dựa trên khả năng nguồn thu, qua đó tiết kiệm tối đa chi thường xuyên để dành nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. “Cho tới nay, ngân sách các cấp của Quảng Ninh đã tiết kiệm được hàng nghìn tỉ đồng nhờ cách làm thống nhất này”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Trong giai đoạn hiện nay, những công trình, dự án đạt được tiến độ và mục tiêu đề ra như ở tỉnh Quảng Ninh không nhiều, nhưng đủ làm điểm sáng trong bức tranh về đầu tư công nói chung, về giải ngân vốn đầu tư từ NSNN nói riêng. Câu chuyện cơ cấu lại chi NSNN ở Quảng Ninh cho thấy, trong điều kiện huy động NSNN còn nhiều khó khăn, cách làm đúng của cấp ủy địa phương đã tạo động lực, khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Hơn nữa, cách lựa chọn dự án trọng điểm, có tác dụng thúc đẩy phát triển trực tiếp cũng như lựa chọn đúng nhiệm vụ chi cấp bách đã giúp Quảng Ninh vượt qua sự eo hẹp của quy mô ngân sách, vừa bảo đảm kỷ luật tài chính, đúng định hướng, vừa đạt được mục tiêu đã đề ra.
Chênh lệch tỉ trọng
Quảng Ninh chỉ là một trong số nhiều địa phương đang tích cực đổi mới chi tiêu ngân sách. Trong những năm gần đây, quá trình cơ cấu lại chi NSNN có nhiều chuyển biến, nhất là tỉ trọng chi NSNN đã thật sự thay đổi theo hướng tích cực, toàn diện, bền vững. Giai đoạn 2016 - 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện cơ cấu lại một bước chi ngân sách, tăng tỉ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỉ trọng chi thường xuyên. Kết quả là dự toán chi cho đầu tư phát triển đã tăng hơn 26%, vượt giai đoạn kế trước hơn 8%. Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn cao hơn dự toán (đạt khoảng 27 đến 28%). Trong khi đó, dự toán cho chi thường xuyên giảm từ 75,6% xuống chỉ còn khoảng 64%, nhưng tỉ lệ thực hiện chỉ còn 62% đến 63%.
Kết quả đạt được sau rất nhiều cải cách cũng cho thấy, tỉ trọng chi NSNN dù đã được cải thiện nhưng vẫn tiếp diễn tình trạng chi NSNN tiếp tục tăng và phần lớn vẫn dồn cho các nhiệm vụ chi thường xuyên (thường chiếm tới hai phần ba tổng chi NSNN). Mới đây nhất, Bộ Tài chính cho biết, năm 2019, số chi cân đối theo dự toán là 1.633,3 nghìn tỉ đồng, thực hiện chín tháng vừa qua đạt 63,1% dự toán, nhưng số ước chi cả năm đạt 1.666,8 nghìn tỉ đồng, tăng 2,1% so dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển theo dự toán là 429,3 nghìn tỉ đồng; thực hiện chín tháng chỉ bằng 44,8% dự toán.
Trên cơ sở tính thêm nguồn vốn bổ sung từ nguồn dự phòng, tăng thu NSNN và số vốn giải ngân chậm được chuyển nguồn sang năm 2020 theo quy định, ước thực hiện chi đầu tư phát triển cả năm cũng chỉ đạt 443,4 nghìn tỉ đồng. Tính cả số bổ sung từ nguồn tăng thu tiền sử dụng đất và tăng thu xổ số kiến thiết của ngân sách địa phương, thì ước chi đầu tư phát triển NSNN năm 2019 đạt 476,6 nghìn tỉ đồng. Trong khi đó, số chi thường xuyên dự toán là 999,47 nghìn tỉ đồng; ước chi cả năm đạt 1.005,9 nghìn tỉ đồng, tăng 0,6% so dự toán.
Năm 2020, dự toán chi NSNN vẫn tiếp tục tăng lên 1.747,1 nghìn tỉ đồng. Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển chỉ có 470,6 nghìn tỉ đồng, mặc dù tăng gần 10% so dự toán năm 2019 và tăng dần qua các năm, vượt mục tiêu đề ra nhưng vẫn chỉ chiếm 26,9% tổng chi NSNN. Dự toán chi thường xuyên năm 2020 là 1.056,5 nghìn tỉ đồng, chiếm 60,5% tổng chi NSNN. Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với tỉ trọng chi mất cân đối, ngay trong nội hàm chi thường xuyên, với phương thức chi tiêu ngân sách theo kết quả đầu vào, theo chu trình ngân sách trong khuôn khổ chi tiêu trung hạn, sẽ hạn chế rất nhiều tới hiệu quả sử dụng ngân sách.
(Còn nữa)