Thứ sáu, 22/11/2024 22:59 (GMT+7)
Chủ nhật, 10/05/2020 15:02 (GMT+7)

Doanh nghiệp cần hỗ trợ thiết thực để ‘bật’ mạnh sau dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Nhấn mạnh cơ hội “trăm năm một thuở” sau đại dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hối thúc cộng đồng doanh nghiệp tái khởi động sản xuất, kinh doanh với “tinh thần yêu nước là phải hành động”. Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có cơ chế chính sách “khơi thông” môi trường kinh doanh, nguồn vốn rẻ, giảm thuế, kích cầu nội địa…

Phục hồi phát triển kinh tế chữ V

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 9/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi những thông điệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”.

Từ phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, vượt mọi khó khăn trong lịch sử, giờ đây Việt Nam tiếp tục vượt qua đại dịch Covid-19 và hồi phục kinh tế mạnh mẽ nhờ có “sức đề kháng” là nội lực của nền kinh tế đã tích luỹ qua nhiều năm tăng trưởng, nội lực của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, bền vững.

Với tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo phải tập trung hơn nữa, khởi động lại nền kinh tế Việt Nam, phấn đấu GDP đạt mức tăng trưởng trên 5% chứ không phải như dự báo của IMF chỉ có 2,7%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ thiết thực để ‘bật’ mạnh sau dịch Covid-19 - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi tinh thần quyết liệt hành động để hồi phục kinh tế.

Xác định rõ “5 mũi giáp công” gồm: thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công, khích cầu tiêu dùng nội địa với dân số Việt Nam gần 100 triệu dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi tinh thần yêu nước của cộng đồng doanh nghiệp, “yêu nước thì phải hành động, phải có quyết tâm mạnh mẽ trong điều kiện mới như lò xo bị nén lại giờ bật lên để phát triển”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh với bối cảnh Việt Nam thì các doanh nghiệp cần đóng góp vào phát triển hình chữ V chứ không phải là chữ U, mà càng không thể là chữ W. Dù rằng Việt Nam còn nhiều nút thắt, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng luôn trăn trở về điều này và mong doanh nghiệp phải nêu ra những trở ngại lớn đối với các ngành, thay vì than vãn, kể khổ. Không thể trực tiếp giúp kinh doanh tăng lợi nhuận, nhưng Chính phủ sẽ tìm cách thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất bởi đây mới là nguồn gốc bền vững của lợi nhuận.

Để sớm hồi phục kinh tế, chớp thời cơ để bức phá sau đại dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 6 đề nghị với doanh nghiệp. Một là yêu Tổ quốc thì mới trở thành doanh nghiệp lớn, phải thượng tôn pháp luật, tinh thần chia sẻ chung tay chống dịch; hai là đoàn kết, vì mất đoàn kết là tự mình làm yếu mình, cần hợp tác với nhau.

Ba là không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc. Môi trường kinh doanh của chúng ta đừng cầu không có khó khăn, đừng mong dễ dàng vì dễ dàng thì đã không đến lượt chúng ta.

Bốn là năng động, quyết đoán vì thụ động, lưỡng lự của doanh nghiệp là tự mình đánh mất cơ hội.

Năm là sáng tạo vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt lại phía sau.

Sáu là cần có niềm tin vì không có niềm tin là tự mình chối bỏ mình.

"Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, tô điểm cho bản lĩnh, cho ý chí, khí chất của con người Việt Nam chúng ta”, Thủ tướng nhắn nhủ và đặt niềm tin vào cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt ngay cơ hội “trăm năm một thuở” để phát triển lớn mạnh, bền vững hơn.

Tại hội nghị, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) mong muốn Chính phủ cần có các kịch bản linh hoạt, đặc biệt là có thể nới lỏng và mở cửa trở lại các hoạt động giao thương với những thị trường, quốc gia kiểm soát dịch tốt, tỷ lệ rủi ro thấp.

Về nguồn vốn ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo giãn nợ, giảm lãi ngân hàng vừa qua nhưng cái khó giờ là vốn rẻ. Do đó, cần áp trần lãi suất dài hạn tiền gửi trên một năm khoảng 5%, lũy tiến 0,5% thêm một năm nữa, để các ngân hàng có nguồn vốn giá rẻ, cho các doanh nghiệp vay với lãi suất thấp.

Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán cần có những chính sách khuyến khích các thị trường vốn, hỗ trợ cho các công ty chứng khoán và khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đang rất khó khăn trong thời điểm này, Nhà nước nên miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp, cá nhân đầu tư tiền vào doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần có đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về những bất cập, sự chậm trễ của các bộ phận liên quan đến hồ sơ, thủ tục của doanh nghiệp.

Khơi thông sản xuất, kinh doanh

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, hệ thống ngành ngân hàng đã hạ lãi suất, cơ cấu lại nợ, gia hạn thời gian trả nợ… đối với quy mô nợ 600 nghìn tỉ đồng, trong 2 tháng đã cấp vốn mới cho 354 nghìn khách hàng, với tổng giá trị 165 nghìn tỉ đồng. Nhưng nhu cầu vốn của doanh nghiệp rất lớn, cần tiếp tục tăng cường nguồn lực tài chính, giảm bớt các thủ tục bảo lãnh cho vay để giúp họ tiếp cận các gói vay.

Ngoài ra, Chính phủ đưa ra các biện pháp huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, tăng phát hành trái phiếu, đa dạng hóa các kênh như ngoại tệ, vàng… Đồng thời sớm ban hành cơ chế thí điểm gói vay qua Fintech.

Về giải ngân 700 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư công, ông Thân đề xuất giảm một số tiêu chí trong Luật Đấu thầu, chia nhỏ dự án lớn để tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia đấu thầu, cân nhắc giảm tỉ lệ vốn đối ứng từ 30-40% xuống còn 10-15%.

Trong lúc này, Chính phủ cần khuyến khích doanh nghiệp khai thác thị trường nội địa, phát triển các dịch vụ du lịch, giải trí, đặc biệt là mở rộng kinh tế ban đêm. Các chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết để “khoan sức dân”…

Trong đại dịch, ngành du lịch chịu ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại nặng nhất. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Viettravel, sau dịch du đang có nhiều cơ hội để từng bước phục hồi và phục hồi nhanh nếu biết khai thác tốt thị trường nội địa và từng bước mở cửa hợp lý các tour ra thị trường nước ngoài. Ông Kỳ kiến nghị mở lại toàn bộ đường bay trong nước, bỏ hạn ngạch như hiện nay vì 85% di chuyển trong ngành du lịch là bằng đường hàng không. Các thị trường du lịch nước ngoài có thể mở lại nếu nước đó kiểm soát được dịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Lào, Thái Lan, Campuchia...

Ngoài ra, doanh nghiệp dịch vụ đều trả trước chi phí cho các hãng hàng không, do đó đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại vào cuộc, có biện pháp đưa số tiền này vào hoạt động kinh doanh. Đồng thời, Chính phủ nghiên cứu giảm thuế VAT, thuế TNDN xuống để ngành du lịch phục hồi, áp dụng giá điện sản xuất cho ngành du lịch, nhất là dịch vụ lưu trú và các điểm tham quan…

Doanh nghiệp cần hỗ trợ thiết thực để ‘bật’ mạnh sau dịch Covid-19 - Ảnh 2
Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi để thu hút đầu tư, nhất là doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc.

Đồng quan điểm hỗ trợ cho các doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhiều nhất, như hộ cá thể, doanh nghiệp nhỏ, công ty khởi nghiệp. Chủ tịch Tập đoàn Thaco Trần Bá Dương cho rằng các biện pháp can thiệp của Chính phủ cần hài hòa giữa giải quyết khó khăn trước mắt với những nguyên tắc của thị trường, để vừa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa khuyến khích tinh thần đổi mới để tạo ra môi trường kinh doanh, minh bạch công bằng… Quan trọng nhất là sự hỗ trợ để doanh nghiệp tự đứng trên đôi chân của mình, không ỷ lại trông chờ.

Đối với ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, do không thể cho người lao động nghỉ việc hàng loạt mà xoay chuyển sang sản xuất mọi mặt hàng có thể duy trì nhân công, ưu tiên đủ chi phí trả lương để cầm cự qua giai đoạn khó khăn. Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may chủ động tổ chức sản xuất nhanh các mặt hàng có cầu tăng cao như khẩu trang, bảo hộ y tế… và kim ngạch xuất khẩu có thể giảm mạnh trong thời gian tới. Do đó, ông Trường kiến nghị miễn bảo hiểm xã hội và công đoàn phí cho ngành dệt may từ tháng 5 đến hết 2020, đồng thời sớm có các văn bản hướng dẫn các thông tư để hưởng các các lợi thế từ EVFTA để các doanh nghiệp dệt may tận dụng.

Theo các doanh nghiệp, các tổng công ty, tập đoàn nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc, nhắm tới khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có nhiều điểm thuận lợi để thu hút đầu tư, do đó Chính phủ cần có nhiều giải pháp vượt trội thu hút dòng vốn này.

Hải Nam

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp cần hỗ trợ thiết thực để ‘bật’ mạnh sau dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới