Chịu thiệt hại 'kép', doanh nghiệp xăng dầu báo lỗ nghìn tỉ
Trong quý 1, các doanh nghiệp xăng dầu bị thiệt hại nặng khi giá dầu giảm sâu 60% so với cuối 2019, lại thêm dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp đã báo thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng.
Nguồn cung dầu thế giới dư thừa, giá giảm sâu cùng với tác động của dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp xăng dầu bị thua lỗ nặng. |
Giá dầu thế giới giảm mạnh khiến doanh thu của nhiều công ty dầu mỏ sừng sỏ thế giới lao dốc và lợi nhuận đảo chiều ghi nhận những con số lỗ “khủng”. Ở trong nước, chịu thiệt hại “kép” từ cuộc khủng hoảng giá dầu rơi xuống đáy lịch sử 100 năm cùng tác động từ dịch Covid-19, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này cũng không tránh khỏi tình cảnh thua lỗ nặng.
Đáng chú ý, trong quý 1/2020, Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã: BSR) - đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất bị lỗ sau thuế hơn 2.330 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 3.000 tỉ đồng. Đây là quý lỗ thứ hai kể từ khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tháng 1/2018.
Doanh thu bán hàng trong kỳ đạt 18.000 tỉ đồng, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm 2019. Việc tiêu thụ sản phẩm bị giảm mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 dẫn đến tồn kho dầu thô và sản phẩm tăng cao. Giá vốn tồn kho của BSR cao hơn thị trường do giá dầu Brent trong quý 1 lao dốc mất hơn 70% từ 68,34 USD/thùng hồi đầu năm nay xuống còn 17,68 USD/thùng vào ngày 31/3/2020, làm giảm mạnh giá trị hàng tồn kho. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới kết quả thua lỗ của BSR trong quý 1.
Ngoài ra, chênh lệch giữa giá dầu thô và các sản phẩm chính cũng suy giảm nghiêm trọng, nhu cầu các sản phẩm lọc hoá dầu trong nước giảm sâu, nhất là xăng hàng không Jet A1.
Lọc hoá dầu Bình Sơn đã phải điều chỉnh giảm công suất nhà máy về mức tối ưu, đàm phán với khách hàng để giải phóng tồn kho, thu hồi các khoản phải thu, nhằm cải thiện dòng tiền.... Mặt khác, công ty điều chỉnh lại công tác mua dầu thô, công tác thương mại, tìm kiếm sự hỗ trợ của nhà cung cấp để giảm áp lực tồn kho, dòng tiền. Bởi nếu tình hình giá dầu không diễn biến khả quan và lượng hàng tồn kho tiếp tục tăng, có thể phải tính tới tình huống dừng nhà máy lọc dầu Dung Quất một thời gian. Nhờ đó, các khoản phải thu của khách hàng giảm một nửa xuống còn 4.500 tỉ đồng, giá trị nguyên vật liệu tồn kho và hàng mua đi đường giảm hơn 1.650 tỉ đồng…
Là doanh nghiệp đầu ngành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chịu thiệt hại nặng khi giá dầu xuống thấp và dịch Covid-19 lan rộng, làm giảm sản lượng tiêu thụ. Theo số liệu tài chính hợp nhất Tập đoàn, tổng doanh thu trong quý 1/2020 ước đạt 88.300 tỉ đồng, giảm 13.194 tỉ đồng so với cùng kỳ 2019 (-13%). Tổng lợi nhuận sau thuế ước đạt 4.440 tỉ đồng, giảm 4.580 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước (-50,77%). PVN cho biết, nếu giá dầu thô giảm xuống 30 USD/thùng thì doanh thu bán dầu thô của PVN sẽ giảm 55.100 tỉ đồng, tổng doanh thu giảm 141.000 tỉ đồng.
Việc tiêu thụ gặp khó khăn do các hãng vận tải, hàng không bị tạm dừng hoạt động khiến sản lượng xuất bán xăng dầu thấp, dự trữ tồn kho tăng cao. |
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu, 3 tháng đầu năm nay là giai đoạn cực kỳ khó khăn khi nhu cầu tiêu thụ đột ngột giảm do người dân hạn chế đi lại. Trong quý 1, doanh thu của Petrolimex chỉ đạt 28.449 tỉ đồng, giảm 1.706 tỉ so với cùng kỳ năm trước, ước lỗ 572 tỉ đồng do trích lập dự phòng hàng tồn kho. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu sẽ giảm 12.517 tỉ đồng, ước lợi nhuận giảm 1.143 tỉ đồng so với kế hoạch 2020… Petrolimex ước tính lợi nhuận cả năm 2020 có thể sẽ giảm xuống còn 4.237 tỉ đồng.
Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả thua lỗ của Petrolimex là do doanh nghiệp có hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc, phải đảm bảo dự trữ tồn kho lớn. Song giá xăng dầu thế giới trong quý 1 giảm quá nhanh (mất 60%) đã tác động đến giá vốn tồn kho của Petrolimex. Trong khi đó, việc tiêu thụ gặp khó khăn do các hãng vận tải, hàng không bị tạm dừng hoạt động khiến sản lượng xuất bán xăng dầu thấp, dự trữ tồn kho tăng cao.
Giá dầu giảm quá sâu cũng là nguyên nhân khiến Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) lỗ ròng hơn 538 tỉ đồng trong quý 1 dù cùng kỳ năm trước vẫn có lãi hơn 38 tỉ đồng. Lỗ lũy kế đến cuối quý 1 tăng lên gần 1.200 tỉ đồng. Sản lượng kinh doanh xăng dầu nội địa giảm 11%, sản lượng bán lẻ giảm 6% khiến tình hình kinh doanh của PV Oil gặp nhiều khó khăn. Hàng tồn kho giảm mạnh khiến PV Oil phải tăng trích lập dự phòng giảm giá tồn kho lên gần 275 tỉ đồng.
Nhận định tình hình khó khăn, PV Oil dự kiến doanh thu năm 2020 sẽ giảm 35% chỉ đạt 52.200 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế ở mức 376 tỉ đồng. Chỉ tiêu kinh doanh này được công ty xây dựng trên cơ sở dự báo thị trường cuối năm 2019 với kịch bản giá dầu 60 USD/thùng.
Tổng công ty Thương mại & Kỹ thuật đầu tư (Petec) cũng báo lỗ ròng hơn 47 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ năm 2019 bị lỗ trên 4,5 tỉ. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng giảm 15%, chỉ đạt 841 tỉ đồng.
Nhằm “giải cứu” các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, mới đây Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài Chính, Công Thương xem xét phương án giảm thuế xuất khẩu với mặt hàng xăng dầu sản xuất trong nước để doanh nghiệp có thể xuất khẩu, giảm tồn kho, tăng nguồn vốn lưu động, miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường các sản phẩm xăng dầu trong năm 2020 cho các doanh nghiệp vận tải. Bên cạnh đó, Uỷ ban kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời gian khoản vay, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch bệnh, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn lưu động… để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp lớn.
Hải Hà