'Đánh thức' tiềm năng điện gió
Được đánh giá là quốc gia giàu tiềm năng năng lượng gió tại khu vực Đông Nam Á song với những rào cản về giá điện, thời gian phê duyệt dự án dài, đến nay, ngành năng lượng tái tạo này của Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng với thế mạnh.
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Theo Bản đồ tiềm năng điện gió (gồm 4 nước khu vực Ðông Nam Á: Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan), Việt Nam được đánh giá có tiềm năng gió phù hợp để phát triển điện gió quy mô lớn. Tiềm năng năng lượng gió ở độ cao 65 m của Việt Nam là lớn nhất so với các nước khác trong khu vực, với tiềm năng năng lượng gió lý thuyết lên đến 513.360 MW, tập trung chủ yếu ở khu vực ven biển và cao nguyên miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Việt Nam có tiềm năng điện gió ngoài khơi với công suất lên tới 160 GW. (Ảnh minh họa) |
Ðánh giá về tiềm năng năng lượng gió tại Việt Nam, bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á của Hội đồng Năng lượng Gió toàn cầu (GWEC) cho biết: “Với nhu cầu tiêu thụ năng lượng đang tăng cao như hiện nay, Việt Nam đang tập trung vào đường bờ biển dài 3.300km để phát triển tiềm năng điện gió cả ngoài khơi lẫn trong đất liền. Chỉ riêng điện gió ngoài khơi, ước tính có thể đạt công suất 309 GW, cũng đủ để đáp ứng toàn bộ nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong vài thập kỷ tới”.
Ðến nay, sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, điện gió Việt Nam vẫn chưa đạt được những thành tựu như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch Điện VII.
Cụ thể, tính đến đầu năm 2020, mới có 9 dự án điện gió được đưa vào vận hành, tổng công suất 370 MW (Mục tiêu trong Tổng sơ đồ điện VII là 800 MW vào năm 2020). Trong khi, tổng công suất lắp đặt trên cả nước đến thời điểm hiện nay mới đạt khoảng 400 MW và chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào hoàn thành.
Dự án điện gió đầu tiên của Việt Nam được thi công tại Xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và được đưa vào vận hành năm 2009. Dự án có chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tái tạo Năng lượng Việt Nam (REVN) 13, với tổng mức đầu tư lên đến 1.500 tỉ đồng (tương đương khoảng 75 triệu USD). Tất cả tua bin của dự án đều nhập từ Cộng hòa Liên bang Đức, riêng các trụ tháp ống cao 85m được sản xuất trong nước.
Một trong những dự án điện gió lớn nhất cả nước hiện nay là dự án điện gió Trung Nam tại xã Bắc Phong và xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Dự án được khởi công từ tháng 8/2016, chia làm 3 giai đoạn, có tổng công suất hơn 151.95MW, thời gian khai thác bình quân 2.785 giờ/năm. Khi hoàn thành, dự kiến sản lượng điện đạt 423 triệu kWh/năm.
Dự án điện gió Trung Nam đã khánh thành giai đoạn 1 vào cuối tháng 4/2019. Trong giai đoạn 1, nhà máy điện gió Trung Nam gồm 17 trụ, công suất 39,95 MW, đạt sản lượng khai thác 110 triệu kWh/năm. Ở giai đoạn 2, dự án sẽ có thêm 16 trụ, công suất 64 MW và đạt sản lượng khai thác 179 triệu kWh/năm. Giai đoạn 3 dự kiến hoàn tất trong năm 2020 sẽ thêm 12 trụ, có công suất 48 MW và đạt sản lượng khai thác 134 triệu kWh/năm.
Ngành điện gió trong nước đang phải đối mặt với tình trọng thiếu hụt nhân công. (Ảnh minh họa) |
Hiện đang có hàng chục dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư ở miền Trung, Tây Nguyên và Ðồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu hoàn thành và đưa vào vận hành trước ngày 01/11/2021. Tuy nhiên, các dự án này đang đối mặt với nhiều nguy cơ làm đội vốn và chậm tiến độ, khó đáp ứng mục tiêu đưa vào vận hành trước mốc thời gian dự kiến.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương - Trần Tuấn Anh, điều kiện tiên quyết để đẩy nhanh tốc độ phát triển năng lượng tái tạo chính là củng cố lưới điện quốc gia. Ông cũng thừa nhận rằng, hệ thống truyền tải điện không bắt kịp quá trình chuyển đổi như hiện nay.
Ngoài ra, các nhà phát triển năng lượng điện gió trong nước còn phải đối mặt với khả năng thiếu lao động chất lượng cao cũng như tình trạng chậm phát triển của những ngành công nghiệp phụ trợ.
Gợi mở hướng đi mới
Những yếu tố về giá điện, thi công nhà máy sản xuất điện gió phức tạp hơn điện mặt trời hay việc vận hành và bảo trì (O&M) các tua bin gió luôn khó khăn và tốn kém là những rào cản khiến ngành điện gió trong nước chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Theo báo cáo của Ban Thị trường điện EVN, ngoài 9 dự án điện gió đã được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD), hiện còn 31 dự án (tổng công suất 1.645MW) đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) nhưng chưa COD. Trong đó, theo tính toán của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), điều kiện giải tỏa công suất đảm bảo như cam kết trong PPA đã ký.
Lắp đặt tua bin điện gió tại nhà máy điện gió Trung Nam. |
Mặc dù mối quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tăng mạnh ở các dự án điện sạch, tuy nhiên tỉ lệ các dự án đi vào hoạt động vẫn rất khiêm tốn. Bởi tính đến hết tháng 3/2020, vẫn chưa có cơ chế mua điện gió cố định (giá FIT) cho các dự án vào vận hành từ 1/7/2019 đến hết năm 2020. Cơ chế đấu giá cho các dự án thực hiện sau năm 2020 hiện vẫn chưa rõ ràng, khiến nhiều nhà đầu tư không dám mạnh tay.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, rút ngắn thời gian đàm phán các thỏa thuận thu mua điện với EVN cũng là một giải pháp cần điều chỉnh trong thời gian tới.
Bàn về vấn đề đầu tư phát triển năng lượng điện gió tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra 5 nguyên nhân chính khiến việc phát triển điện năng từ các nhà máy điện gió chưa thực sự đáp ứng nhu cầu và tương xứng với tiềm năng hiện có:
Thứ nhất, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển các nhà máy điện gió, đặc biệt là cơ chế giải phóng mặt bằng, cơ chế tài chính và cơ chế huy động các thành phần xã hội tham gia đầu tư, nhất là thành phần kinh tế tự nhân…
Thứ hai, để phát triển loại năng lượng này phụ thuộc vào nguồn lực (bao gồm huy động nguồn vốn và nguồn lực con người, nhất là đội ngũ công nhân kỹ thuật và kỹ sư chuyên ngành) và kỹ thuật.
Thứ ba, quy hoạch cho phát triển các nhà máy điện gió, dựa trên đánh giá tiềm năng điện gió cần phải có quy hoạch sớm để kêu gọi đầu tư phát triển nhà máy điện gió phù hợp với nguồn năng lượng này cho từng vùng, từng địa phương, nhất là xác định về công suất, diện tích, vị trí đầu tư… trong cả nước.
Thứ tư, hạ tầng cho các nhà máy điện gió, nhất là hạ tầng phục vụ cho đầu tư xây dựng và hạ tầng truyền tải điện từ nhà máy điện gió hòa mạng chung mạng lưới cả nước và đến nơi tiêu thụ điện, vì sản xuất điện không tích trữ được mà phải tiêu thụ ngay, đây là yếu tố hết sức quan trọng.
Thứ năm, hợp tác quốc tế và kêu gọi đầu tư từ các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các nước có tiềm năng tốt, công nghệ mới hiện đại để đầu tư phát triển các nhà máy điện gió ở Việt Nam.
Theo đó, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đã đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng xanh tại Việt Nam trong tương lai.
Trước hết, ông Nguyễn Thế Chinh cho rằng, cần triển khai tốt Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Trong đó, nhiệm vụ thứ hai liên quan đến năng lượng gió đã chỉ ra: “Đối với điện gió và điện mặt trời, ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam”.
Đồng thời, cần phải đánh giá đầy đủ, chi tiết và cụ thể thực sự tiềm năng phát triển năng lượng điện gió của nước ta, cho từng vùng, từng địa phương làm căn cứ cho quy hoạch và phát triển ngành này trong kế hoạch 5 năm tới giai đoạn 2021-2025, chiến lược 10 năm đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Ngoài ra, “cần tìm ra các giải pháp cụ thể cho các nguyên nhân khiến ngành điện gió chưa thực sự phát triển đúng với tiềm năng như đã nêu trên” - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh.
Bình Minh