Nguồn điện gió, mặt trời sẽ đạt trên 20.000 MW vào năm 2025
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, dự kiến đến năm 2025, tổng công suất nguồn điện mặt trời của Việt Nam sẽ đạt 14.450 MW và đến 2030 là 20.050 MW.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực trên toàn thế giới, Việt Nam cũng phải đối diện bài toán tìm nguồn năng lượng mới. Vì thế năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng của tương lai gần, có thể dần thay thế các nguồn điện truyền thống.
Năng lượng điện gió và mặt trời chính là xu hướng tất yếu để đầu tư cho tương lai. (Ảnh minh họa) |
Theo dự báo, nguồn điện gió, điện mặt trời của Việt Nam sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2021-2023 để bù đắp lượng điện thiếu hụt do các dự án nhiệt điện chậm tiến độ và tới năm 2025, tổng công suất các nguồn này sẽ đạt trên 20.000 MW.
Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đường bờ biển dài hơn 3000km, gió biển quanh năm, số giờ nắng trong ngày lớn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để nước ta có thể khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong cuộc sống. |
Hiện tại, điện mặt trời đã thực hiện bổ sung vào quy hoạch 10.300 MW. Như vậy, để đạt được mục tiêu đã đề ra, giai đoạn 2021-2025 chúng ta cần bổ sung thêm khoảng 4.000 MW và giai đoạn 2026-2030 cần bổ sung thêm khoảng 5.600 MW.
Ngoài điện mặt trời, tổng công suất nguồn điện gió dự kiến phát triển đến năm 2025 là 6.030 MW và đến năm 2030 là 10.090 MW.
Việc ưu tiên sử dụng năng lượng hiệu quả và đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, giảm ô nhiễm, bảo vệ khí hậu, sức khỏe cộng đồng, tăng cường tiếp cận năng lượng cho người nghèo, tạo cơ hội thu hút đầu tư và tạo việc làm cho các địa phương phát triển kinh tế, thúc đẩy sự tham gia và sáng tạo của người dân, doanh nghiệp tư nhân vào thị trường năng lượng sạch.
Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng điện gió. (Ảnh minh hoạ) |
Đến năm 2025, tổng điện năng của điện gió, điện mặt trời đạt khoảng 36 tỉ kWh (vượt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo khoảng 2,6 lần). Còn nhiệt điện than chiếm khoảng 37,1% tổng công suất lắp đặt nguồn điện, nhiệt điện khí chiếm 13,7%, thủy điện chiếm 18,2%, thủy điện nhỏ và năng lượng tái tạo chiếm 25,5%.
Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đạt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020). Trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW.
Để năng lượng tái tạo được đẩy mạnh phát triển tại Việt Nam không phải điều dễ dàng, do nó đòi hỏi phải áp dụng công nghệ cao, giá thành đắt hơn, tuy nhiên, sẽ hạn chế tối đa những hệ lụy về môi trường, bệnh tật,.. Việc đưa vào sử dụng năng lượng tái tạo nhanh và hiệu quả có ý nghĩa quan trọng trong an ninh năng lượng, giảm thiểu biến đổi khí hậu và có lợi ích về kinh tế.
Theo quy hoạch phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030, cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, điện gió, điện sinh khối sẽ tăng dần tỉ trọng lên tới 30%. Hiện, có 89 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.460 MW đã hòa vào lưới điện quốc gia, đóng góp khoảng 8,28% tổng sản lượng điện cả nước. Ngoài ra, có khoảng 13 dự án đang được hoàn thành với tổng công suất 630 MW, dự kiến sẽ phát điện cuối năm nay. |
Nguyễn Luận