Thứ tư, 08/05/2024 21:16 (GMT+7)
Thứ tư, 02/09/2020 14:56 (GMT+7)

Dân tộc Việt Nam: 75 năm đương đầu thách thức - vững bước đi lên

Theo dõi KTMT trên

Trải qua 75 năm kể từ ngày 2/9/1945 - Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, chung sức xây dựng đất nước ngày càng phát triển về mọi mặt kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, hội nhập quốc tế, cùng chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ngày càng phát triển, vững bước đi lên.

Cách mạng tháng Tám năm 1945: Mốc son lịch sử vĩ đại của dân tộc

Cách đây 75 năm, ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, của Bác Hồ, dân tộc ta đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, đập tan xiềng xích áp bức của chế độ thực dân phong kiến. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Dân tộc Việt Nam: 75 năm đương đầu thách thức - vững bước đi lên - Ảnh 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội sáng ngày 2/9/1945. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)

Sáng ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn thể quốc dân đồng bào trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, ngày nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình. Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành một Đảng cầm quyền. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Đã 75 năm trôi qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa cùng những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục tỏa sáng trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.

"Chống dịch như chống giặc" và tinh thần "chiến đấu" quật cường của dân tộc

Năm 2020 là một năm đặc biệt, bởi đại dịch Covid-19 không chỉ là một khủng hoảng về y tế, mà đang làm đảo lộn tình hình thế giới với những thiệt hại to lớn về con người, ảnh hưởng đến kinh tế, gây bất ổn trong đời sống chính trị, xã hội và tác động mạnh đến các quan hệ quốc tế trên toàn cầu.

Áp lực chồng chất khi Việt Nam vừa phải chiến đấu với dịch bệnh, vừa phải ứng phó với thiên tai, bão lũ và phát triển nền kinh tế.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng với ý chí, tinh thần dân tộc, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã chung sức, đồng lòng, sáng tạo, nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, vừa quyết tâm duy trì, phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống nhân dân để “không một ai bị bỏ lại phía sau”.

Dân tộc Việt Nam: 75 năm đương đầu thách thức - vững bước đi lên - Ảnh 2
Y bác sĩ bật khóc trong ngày Bệnh viện Đà Nẵng được gỡ cách ly. (Ảnh: Báo Lao động)

Dịch Covid-19 đã tác động đến mọi hoạt động của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, như bao biến cố lớn của lịch sử, loài người rồi sẽ chiến thắng mặc dù có thể có nhiều tổn thất mất mát, thậm chí có những người đã không thể vượt qua.

Từ khi cuộc chiến đấu chống “giặc Covid-19” chính thức bắt đầu, chúng ta đã nhìn thấy tinh thần quyết liệt, khẩn trương ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã được ban hành để kịp thời ứng phó với những diễn biến mới của dịch bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở nguyện vọng của công dân, hàng chục chuyến bay đưa công dân từ các vùng dịch trên thế giới về nước đã được thực hiện. Những chuyến bay đặc biệt ấy chính là hành động khẩn trương của Chính phủ với tinh tần sẵn sàng đón công dân về nước, không kỳ thị, xa lánh, đồng thời lan toả thông điệp về sự đoàn kết hỗ trợ quốc tế phòng chống đại dịch.

Dịch Covid-19 càng diễn biến phức tạp, tâm dịch Đà Nẵng, Quảng Nam càng nhận được nhiều sự quan tâm của cả nước. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều trang thiết bị y tế đã được chuyển đến hỗ trợ các bệnh viện; hàng trăm chuyên gia, bác sĩ, điều dưỡng tình nguyện lao vào tâm dịch để chi viện cho đồng nghiệp…, tất cả với quyết tâm cao và “niềm tin chiến thắng”.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn kiềm chế, kiểm soát được dịch Covid-19 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao với mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Nền kinh tế Việt Nam phát triển vượt bậc

Trong những năm qua, Việt Nam được thế giới ghi nhận là một trong những quốc gia có tăng trưởng GDP cao hàng đầu thế giới, với quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng.

Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8 và 8 tháng năm 2020 lần lượt tăng 45,4% và tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong vòng 20 năm (1996-2016) của Việt Nam thuộc các nhóm nước đạt mức 5% mỗi năm. Đặc biệt, năm 2018 đạt 7,08% (cao nhất trong gần một thập kỷ qua) và năm 2019 đạt 7,02%.

Nếu như năm 2006, Việt Nam xếp thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu và xếp thứ 44 về nhập khẩu, thì năm 2018, đã có bước phát triển ấn tượng xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu. Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.

Dân tộc Việt Nam: 75 năm đương đầu thách thức - vững bước đi lên - Ảnh 3
Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển hiện đại. (Ảnh: VOV)

Mặc dù bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, GDP 6 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng dương, đạt gần 2%. Cán cân thương mại thặng dư gần 11 tỉ USD. Sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Theo xếp hạng sức khoẻ tài chính của tạp chí The Economist tháng 5/2020, Việt Nam đứng thứ 12/66 nền kinh tế mới nổi, thuộc nhóm An toàn trong bối cảnh đại dịch.

Việt Nam đã bước đầu đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA 41 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, bao gồm làm tốt cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 01/2020, với nhiều hoạt động và sáng kiến quan trọng, kịp thời.

Chính phủ Việt Nam tập trung làm tốt vai trò kiến tạo phát triển và quyết tâm hành động đổi mới, tái cơ cấu kinh tế bền vững, tự cường và chuyển đổi sang nền kinh tế số, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả.

Trước tình hình đại dịch diễn biến phức tạp, Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, hợp tác quốc tế với nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt, hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế cho 40 quốc gia, tổ chức.

Trong ASEAN, năm 2019 Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan. Tương quan lực lượng kinh tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới đã thay đổi, thị phần của nước ta về GDP, đầu tư, thương mại quốc tế đã nâng cao, do đó vị thế của đất nước trong ASEAN, ở Châu Á và trên thế giới đã được nâng cao.

Kinh tế tăng trưởng ngoạn mục, định hướng phát triển bền vững

Trải qua 75 năm độc lập, kinh tế có sự tăng trưởng ngoạn mục, song trong xu hướng phát triển kinh tế bền vững là phải gắn chặt và hài hoà, thân thiện với môi trường. Việt Nam cũng có sự thay đổi tư duy hoạch định chính sách phát triển kinh tế song song với việc chú trọng bảo vệ tài nguyên môi trường, gìn giữ thiên nhiên, khuyến kích phát triển các ngành công nghiệp không khói như công nghệ cao, du lịch, dịch vụ hay năng lượng tái tạo... Đặc biệt là các doanh nghiệp chú trọng hơn tới xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững, kinh doanh xanh trong nền kinh tế tuần hoàn.

Từ một nền du lịch bao cấp, trải qua chặng đường 60 năm hình thành và phát triển, ngành Du lịch Việt Nam đã và đang đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước. “Ngành công nghiệp không khói” đã vươn lên, phát triển nhanh cả về quy mô và chất luợng, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp trực tiếp tới 9,2 % GDP cả nước.

Về xây dựng khung để phát triển ngành điện bền vững, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh những yêu cầu đặt ra với Quy hoạch điện VIII. Theo đó, phương hướng trong thời gian tới là khai thác triệt để các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) nhưng phải bảo đảm vận hành an toàn, bảo vệ môi trường; phát triển các ngành điện khí, khí hóa lỏng một cách hợp lý để ít phụ thuộc vào nguồn khí nhập khẩu, tạo được điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước tham gia vào quá trình sản xuất điện năng, khai thác các nguồn năng lượng như năng lượng tái tạo, điện khí, khí hóa lỏng,...

Dân tộc Việt Nam: 75 năm đương đầu thách thức - vững bước đi lên - Ảnh 4
Cánh đồng điện gió Bạc Liêu - Dự án điện gió đầu tiên ở Việt Nam.

Chỉ trong vài năm trở lại đây, điện NLTT đã có bước phát triển vượt bậc. Cả nước hiện đã có 109 nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành, với tổng công suất 5.053MW; 11 nhà máy điện gió, với tổng công suất 429MW.

Công suất nguồn NLTT đang chiếm 9,5% tổng công suất toàn hệ thống điện. Sản lượng phát của nguồn điện này trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 5.187 triệu kWh, chiếm gần 4,6% tổng sản lượng điện toàn hệ thống.

Nhân dịp Quốc khánh 2/9 năm nay, GS.TSKH Nguyễn Mại đã có bài viết về "Thời cơ đối với khát vọng thịnh vượng của dân tộc", trong đó ông đề cập: "Nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế và trong nước đều nhận định rằng, khi nước ta đã đạt đến trình độ phát triển kinh tế như hiện nay, để tiếp tục tiến lên một cách bền vững thì cần phải có sự đột phá trong chính sách phát triển theo hướng đổi mới, sáng tạo, lấy nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học, công nghệ làm động lực tăng trưởng, coi trọng hiệu quả kinh tế- xã hội theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, lấy năng suất lao động tổng hợp, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của quốc gia làm thước đo trình độ phát triển".

Và để kết lại cho bài viết sâu sắc, ý nghĩa này, GS Nguyễn Mại nhấn mạnh: "Khát vọng thịnh vượng của dân tộc phải trở thành hành động hàng ngày của mỗi người Việt Nam đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, cho xã hội, lan tỏa trong khát vọng phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân, tạo thành động lực của những con người tiên phong dẫn dắt quá trình phát triển và nguồn sức mạnh của quốc gia để hiện thực hóa giấc mơ thịnh vượng".

75 năm đã trôi qua, vượt qua bao gian khổ, hi sinh, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã không chỉ từng bước đánh bại mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù, giữ vững nền hòa bình, độc lập của dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, mà còn chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ngày càng phát triển, vững bước đi lên.

Động lực và nguồn lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Chính phủ đang tập trung làm tốt vai trò kiến tạo phát triển và quyết tâm hành động đổi mới, tái cơ cấu kinh tế bền vững, tự cường và chuyển đổi sang nền kinh tế số, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả. Ngày nay, tiến bước mạnh mẽ trên con đường 75 năm cách mạng vẻ vang, Việt Nam đang vươn tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trải qua 75 năm hào hùng của dân tộc, hoà chung niềm vui “Tết Độc lập”, cùng nhìn lại chặng đường đã qua để thêm tự hào về sự phát triển vượt bậc của đất nước. Dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, thiên tai, hạn hán luôn thường trực, nền kinh tế đang trên đà phát triển,... dù khó khăn biết mấy thì người dân Việt Nam luôn nỗ lực chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ vượt qua mọi rào cản.

Hi vọng "sau cơn mưa, trời lại sáng", Việt Nam sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, phồn vinh để sánh vai với các cường quốc năm châu, xứng đáng với những hi sinh to lớn của thế hệ đi trước.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Dân tộc Việt Nam: 75 năm đương đầu thách thức - vững bước đi lên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Xanh hóa” bao bì thực phẩm, nói dễ khó làm!
“Xanh hóa” bao bì thực phẩm không chỉ là xu hướng mà còn là sự chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, quá trình xanh hóa đòi hỏi nguồn vốn, thời gian, cũng như nâng cao trình độ nguồn nhân lực.