Triển khai biện pháp cấp bách chủ động ứng phó với thiên tai
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Chỉ thị về triển khai một số biện pháp cấp bách chủ động ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra và chịu ảnh hưởng của 21 trận thiên tai (gồm 13 đợt giông lốc kèm theo mưa lớn, mưa đá; 2 cơn bão; 6 đợt nắng nóng) làm 1 người chết; 2 người bị thương; 9.131/122.477 ha lúa vụ mùa bị thiếu nước tưới do nắng nóng, hạn hán; 1.478 nhà, 113 ha lúa, 26 ha hoa màu, 545 ha cây trồng hàng năm và nhiều tài sản khác bị thiệt hại.
Thực hiện Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 01/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó với thiên tai và để chủ động ứng phó hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới.
Đảm bảo an toàn công trình hồ đập để chủ động ứng phó với thiên tai. |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tổ chức quan trắc, đo đạc, theo dõi chặt chẽ, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thiên tai và dòng chảy trên các sông phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó; tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; dự báo sớm, dài hạn, bảo đảm thông tin kịp thời, tin cậy, chính xác.
Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, kiểm tra, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hồ đập thủy lợi, hệ thống đê điều; chủ động chỉ đạo hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản hạn chế tác động do thiên tai. Chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy lợi lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cung cấp số liệu, thông tin cảnh báo đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ theo quy định.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, địa phương rà soát các phương án cụ thể để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai nguy hiểm, nhất là mưa, lũ lớn dài ngày, xả lũ lớn từ thượng nguồn sông xuyên biên giới, bão mạnh, siêu bão, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó thiên tai và tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo công tác ứng phó các tình huống thiên tai nguy hiểm theo nhiệm vụ được giao.
Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ”; rà soát, cập nhật phương án để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm như mưa, lũ lớn diện rộng, bão muộn, lũ quét, sạt lở đất.
Kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời bảo đảm an toàn khi có thiên tai; kiểm tra công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn, phương án, nguồn lực đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập trước tình huống xảy ra mưa, lũ lớn, nhất là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng.
Bố trí kinh phí và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời khắc phục các sự cố hư hỏng, xử lý các trọng điểm xung yếu đảm bảo an toàn cho đê điều, hồ đập và thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đôn đốc hoàn thiện phương án cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là phương án ứng phó khi xảy ra thiên tai, lũ lớn, ngập lụt diện rộng; căn cứ tình hình cụ thể chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan bố trí lực lượng, phương tiện phù hợp tại các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa để kịp thời tiếp cận xử lý mọi tình huống thiên tai khi có yêu cầu.
Thu Thủy