Thứ bảy, 27/04/2024 08:41 (GMT+7)
Thứ hai, 11/07/2022 19:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 11/7

Theo dõi KTMT trên

Mưa mở rộng ra miền Bắc, dự báo kéo dài; Thiên tai gây thiệt hại gần 3,5 tỷ đồng ở Hậu Giang; Không phân loại rác sinh hoạt bị phạt đến 1 triệu đồng... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 11/7.

Mưa mở rộng ra miền Bắc, dự báo kéo dài

Chiều nay (11/7), vùng áp thấp ở vào khoảng 16,0-17,0 độ Vĩ Bắc; 108,5-109,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Quảng Bình – Đà Nẵng. Dù ít khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới song do nằm gần bờ, lại nối với dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ nên vẫn gây mưa trên diện rất rộng.

Sáng nay, khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đã có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to. Trong đó, trọng tâm mưa là hai tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An với cường độ mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Một số nơi trên 80mm như Yên Mỹ (Thanh Hóa) 200.6mm, Thăng Thọ (Thanh Hóa) 150mm, Hoàng Mai (Nghệ An) 81.6mm.

Tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 11/7 - Ảnh 1
Mưa mở rộng ra miền Bắc, dự báo kéo dài.

Dự báo từ chiều tối nay (11/7) đến ngày mai (12/7), khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 30-50mm/24h, có nơi trên 80mm/24h.

Nhận định xa hơn cho thấy, khu vực Nam Sơn La, Hòa Bình, phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ ngày 13-15/7 tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to.

Khu vực Trung và Nam Trung Bộ từ 13-16/7 cũng có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to, thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm.

Tại Tây Nguyên và Nam Bộ, do gió mùa Tây Nam hoạt động tăng cường nên từ tối nay (11/7) đến ngày mai (12/7) tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 30-60mm/24h, có nơi trên 100mm/24h.

Từ ngày 13/7, mưa tại Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng giảm dần. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại Tây Nguyên và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, mực nước ven biển đang có xu thế tăng. Dự báo thủy triều cao nhất diễn ra vào các ngày 13-15/7. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, độ cao sóng tại vùng biển này dao động trong khoảng 2- 3m, biển động. Thủy triều cao kết hợp với sóng lớn và nước dâng do gió mạnh nên nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ biển và ngập úng tại các khu vực trũng thấp ven biển các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Thiên tai gây thiệt hại gần 3,5 tỷ đồng ở Hậu Giang

Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, mưa kèm theo dông lốc đã làm sập 1 căn nhà, tốc mái 8 căn nhà và làm hư hỏng 1 trụ Đài Viễn thông VNPT ở Huyện Châu Thành, Châu Thành A và thành phố Vị Thanh, ước thiệt hại gần 930.000 triệu đồng.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương đã xuống hiện trường phối hợp Ủy ban nhân dân sở tại điều động dân quân tự vệ, công an và các đoàn thể tham gia khắc phục, dọn dẹp, hỗ trợ người dân bị thiệt hại ổn định cuộc sống.

Tính từ đầu năm đến nay, dông lốc đã làm sập 8 căn nhà, tốc mái 35 căn nhà, 2 phòng học và làm hư hỏng 1 trụ Đài Viễn thông VNPT. Bên cạnh đó, tại huyện Châu Thành còn xảy ra 16 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 425 m, diện tích mất đất hơn 2.650 m2. Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh gần 3,5 tỷ đồng./.

Kiên Giang: Tàu đi ra các đảo ngưng hoạt động do thời tiết xấu

Sáng 11/7, ông Trần Văn Tại, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải tỉnh Kiên Giang, xác nhận do thời tiết diễn biến phức tạp nên tất cả các tàu thuyền vận tải hành khách từ đất liền ra các đảo và ngược lại tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn cho hành khách.

Theo đó, các phương tiện tàu, phà tuyến Phú Quốc – Rạch Giá, Phú Quốc – Hà Tiên, Rạch Giá - Nam Du và các đảo thuộc huyện Kiên Hải phải tạm ngưng hoạt động cho đến khi thời tiết bảo đảm an toàn hoạt động.

Tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 11/7 - Ảnh 2
Do thời tiết diễn biến phức tạp nên tất cả các tàu thuyền vận tải hành khách từ đất liền ra các đảo và ngược lại tạm dừng hoạt động. (Ảnh minh họa)

Theo bản tin dự báo thời tiết của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo trong ngày 11/7, vùng biển tỉnh Kiên Giang có nhiều mây, mưa rào và dông, trong cơn mưa đề phòng xảy ra lốc xoáy, gió Tây đến Tây Nam cấp 5, giật cấp 6, giật cấp 7-8, sóng cao 1,5-2,5m, có lúc trên 2,5m, biển động.

Cũng theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo đến ngày 12 và 13/7, trên các vùng biển Nam Bộ, gió Tây Nam tiếp tục hoạt động mạnh, biển động đến động mạnh, độ cao sóng từ 2-4m. Thời tiết biển có mưa rào và dông, trong cơn dông đề phòng gió giật mạnh và lốc xoáy.

Thông tin từ các công ty vận tải hành khách bằng đường thủy cho biết, ngay khi nhận được thông báo tạm ngưng hoạt động, công ty đã thông báo đến các đại lý và hành khách để hoàn tiền hoặc chuyển sang ngày hôm sau nếu thời tiết tốt.

Việc ngưng hoạt động của các phương tiện vận tải hành khách ít nhiều ảnh hưởng đến lịch trình du lịch của hành khách đi tham quan thành phố Phú Quốc, cũng như các đảo của tỉnh Kiên Giang.

Theo ghi nhận, hiện nhiều nhóm khách du lịch đang kẹt lại Phú Quốc, cũng như các xã đảo Nam Du, Lại Sơn, huyện Kiên Hải.

Không phân loại rác sinh hoạt bị phạt đến 1 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt, có hiệu lực từ 25/8.

Người dân cần lưu ý sẽ phải chia rác theo 3 loại: rác tái chế, tái sử dụng; rác thực phẩm; các loại chất thải rắn khác. Cũng theo Luật Bảo vệ môi trường, nếu ai không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom.

Nghị định 45/2022 quy định cơ quan, tổ chức, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi không có biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý cho mỗi lần chuyển giao theo quy định.

- Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với hành vi không phân loại tại nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; thiết bị, dụng cụ lưu chứa chất thải rắn công nghiệp thông thường không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

Xã hội hóa việc xây dựng các trạm đo mưa giúp Kon Tum cảnh báo sớm sạt lở đất

Ngày 11/7, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Kon Tum về công tác phòng, chống thiên tai và thi hành pháp luật khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh.

Tiếp Đoàn công tác có ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum; đại diện lãnh đạo Ban Chỉ huy và một số Sở, ngành tỉnh Kon Tum.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Văn Lực, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum) cho biết, trong năm 2021, thời tiết nắng nóng đã gây ra hạn hán cục bộ tại một số khu vực của tỉnh Kon Tum với tổng diện tích khoảng 93,84 ha. Tháng 9, 10 do ảnh hưởng bão số 5, 6 và mưa lũ đã làm chết 3 người, 136 nhà ở bị ảnh hưởng và khoảng 728 ha diện tích nông nghiệp thiệt hại; nhiều công trình cơ sở hạ tầng khác như giao thông, thủy lợi... bị hư hỏng, sạt lở và gây ách tắc giao thông. Ước tính thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2021 khoảng 126 tỷ đồng.

Tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 11/7 - Ảnh 3
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành làm việc với UBND tỉnh Kon Tum về công tác phòng, chống thiên tai và thi hành pháp luật khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Thanh Tùng)

Trước thiệt hại do thiên tai gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ tỉnh Kon Tum 30 tỷ đồng khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2021. Hiện, các địa phương, đơn vị đang triển khai thực hiện công tác khắc phục, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. UBND tỉnh cũng có văn bản báo cáo kết quả rà soát và đề xuất 27 dự án cần đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, với kinh phí là 880,16 tỷ đồng, trong đó, vốn Trung ương là 857,3 tỷ đồng, vốn địa phương và nguồn khác là 22,86 tỷ đồng để di dời, bố trí ổn định cuộc sống cho 2.571 hộ dân với 10.001 nhân khẩu.

Nhiệt độ đất làm tăng phát thải oxit nitric ở đất rừng Đông Bắc Trung Quốc

Nitric oxide (NO) là nguyên nhân chính gây ô nhiễm khí quyển và đất rừng là nguồn thải NO quan trọng khi nhiệt độ tăng.Tuy nhiên, có những biến động lớn trong việc phát thải NO trong đất rừng trên toàn cầu do thiếu các phép đo phát thải NO tần số cao.

Trong thời kỳ lắng đọng nitơ (N) tăng cường, việc phát thải NO trong đất rừng đã bị bỏ qua trong vài thập kỷ qua ở Đông Bắc Trung Quốc.

Để định lượng lượng phát thải NO từ đất rừng và tìm ra các yếu tố kiểm soát của nó, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Fang Yunting từ Viện Sinh thái học Ứng dụng thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã thực hiện một thí nghiệm đo NO trong đất tự động và lâu dài ở rừng Qingyuan, Đông Bắc Trung Quốc. Họ nhận thấy mức phát thải NO trung bình hàng năm của đất là 0,42 ± 0,04 kg N ha-1 từ rừng nghiên cứu.

Họ cũng phát hiện ra rằng việc phát thải NO cũng được thúc đẩy bởi độ ẩm của đất (WFPS) sau khi hạn hán kéo dài hơn trong các mùa trồng trọt.

Nghiên cứu này cung cấp hiểu biết cơ học tốt hơn về phát thải NO trong đất rừng ở Đông Bắc Trung Quốc, có thể giúp phát triển các mô hình sinh hóa N chính xác hơn và cải thiện độ chính xác của phát thải NO trong đất trong ước tính toàn cầu.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 11/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới