Chủ nhật, 05/05/2024 04:32 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/07/2022 17:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường nổi bật nhất hôm nay ngày 8/7

Theo dõi KTMT trên

Biển Đông chuẩn bị đón áp thấp nhiệt đới vào cuối tuần; Cứu hộ 7 cá thể gấu nuôi nhốt tại Hà Nội; TTK LHQ đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu... là những tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 8/7.

Biển Đông chuẩn bị đón áp thấp nhiệt đới vào cuối tuần

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định, ngày 8/7, trên khu vực giữa Biển Đông có thể hình thành một dải hội tụ nhiệt đới. Trong khoảng ngày 9-11/7, trên dải hội tụ nhiệt đới có khả năng hình thành một vùng áp thấp gây mưa rào và giông mạnh ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển giữa, nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa).

Dự báo hiện tại cho thấy vùng áp thấp nói trên có khả năng phát triển thành áp thấp nhiệt đới với xác suất khoảng 50-65%. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ và cập nhật bổ sung bản tin hằng ngày với hình thái thời tiết trên.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, sau cơn bão số 1, từ nay đến hết năm 2022, trên khu vực Biển Đông có khả năng xuất hiện 9-11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 4-6 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Số lượng này xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những năm La Nina, bão thường dồn dập vào cuối năm cùng với nguy cơ xuất hiện các cơn bão có cường độ mạnh, dị thường, trái quy luật.

Tin tức môi trường nổi bật nhất hôm nay ngày 8/7 - Ảnh 1
Biển Đông chuẩn bị đón áp thấp nhiệt đới vào cuối tuần.

Ngoài ra, không khí lạnh năm nay có khả năng hoạt động sớm, nền nhiệt các tháng đầu mùa đông ở miền Bắc có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Sự tác động của các cơn bão mạnh, dồn dập kết hợp với không khí lạnh đến sớm, cùng điều kiện địa hình sẽ làm các tỉnh miền Trung đối diện với nguy cơ đa thiên tai, mưa bão dồn dập, kéo theo lũ lụt, sạt lở đất trong các tháng 10-11.

Cụ thể, dự báo trong tháng 10, tổng lượng mưa Bắc Trung bộ phổ biến cao hơn từ 10-25% so với TBNN, riêng khu vực Trung và Nam Trung bộ phổ biến cao hơn từ 30-60%, có nơi trên 70%. Tháng 11, khu vực Trung Trung bộ và Nam Trung bộ, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 15-35%, có nơi trên 40%.

Tháng 12, tổng lượng mưa toàn miền Trung phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%. Tây Nguyên cũng đón nguy cơ mưa lũ dồn dập trong các tháng 10-11 với tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 30-60%, trong đó tháng 10 có nơi cao hơn trên 70%.

Thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước có thể bị phạt đến 150 triệu đồng

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó quy định cụ thể mức xử phạt đối với vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, quy định mức phạt đối với hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí; gây ô nhiễm môi trường kéo dài. Cụ thể, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước trái quy định về bảo vệ môi trường.

Đối với hành vi thải các nguồn gây dịch bệnh vào môi trường bị áp dụng hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Tin tức môi trường nổi bật nhất hôm nay ngày 8/7 - Ảnh 2
Thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước có thể bị phạt đến 150 triệu đồng.

Đối với hành vi gây ô nhiễm đất, nước (nước ngầm, nước mặt bên trong và ngoài khuôn viên của cơ sở) hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đất, nước, không khí xung quanh bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 50-80 triệu đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 3 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc dưới 5 lần đối với thông số môi trường thông thường;

Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 3 lần đến dưới 5 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 5 lần đến dưới 10 lần đối với thông số môi trường thông thường;

Phạt tiền từ 100-150 triệu đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 05 lần trở lên đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 10 lần trở lên đối với thông số môi trường thông thường.

Cứu hộ 7 cá thể gấu nuôi nhốt tại Hà Nội

Tổ chức Động vật châu Á thực hiện cứu hộ toàn bộ 7 cá thể gấu ngựa trưởng thành được chuyển giao từ gia đình ông Nguyễn Văn Thao, tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội. 7 gấu ngựa đều được gia đình nuôi lâu năm, có chip đăng ký, ước tính các cá thể gấu đều trên 18 - 20 năm tuổi.

Theo thông tin của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, qua nhiều lần tuyên truyền, vận động của các cơ quan chức năng, gia đình chủ nuôi gấu đã thống nhất, và đồng ý tự nguyện giao nộp 7 cá thể gấu này cho Nhà nước, và mong muốn đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, tại Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc để tiếp tục nuôi, chăm sóc, và bảo tồn.

Tin tức môi trường nổi bật nhất hôm nay ngày 8/7 - Ảnh 3
Gấu nuôi nhốt tỏ rõ sự mệt mỏi do không được sống tại môi trường tự nhiên.

Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, Hạt Kiểm lâm Đan Phượng, chính quyền địa phương các cấp đã tham dự chứng kiến quá trình chuyển gấu về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Thao cũng là gia đình đầu tiên đồng ý tự nguyện chấm dứt việc nuôi gấu vì mục đích thương mại tại Hà Nội, chuyển đổi hoàn toàn mục đích chăn nuôi, cũng là cột mốc đáng ghi nhớ trong công tác vận động tuyên truyền của các đơn vị, ban ngành liên quan.

Đây là lần thứ 2 Tổ chức Động vật châu Á và Chi cục Kiểm lâm Hà Nội phối hợp cứu hộ tại xã Phụng Thượng, Hà Nội trong năm nay, nâng tổng số lượng gấu vận động cứu hộ lên 10 cá thể. Phụng Thượng là địa phương còn nhiều gấu nuôi nhốt nhất trong cả nước, với 122 cá thể trong 18 hộ gia đình/ trại tư nhân. Tổ chức Động vật châu Á , Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã hợp tác chặt chẽ trong công tác tuyên truyền bảo vệ gấu từ năm 2016.

Đốt rơm rạ gần đường giao thông, khu dân cư sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó quy định cụ thể mức xử phạt đối với vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.

Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký, kiểm kê, báo cáo và quản lý thông tin về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y theo quy định; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sai quy định và gây ô nhiễm môi trường.

Đối với hành vi không thực hiện việc đánh giá và kiểm soát hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo quy định bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng.

Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép và gây ô nhiễm môi trường.

Đối với hành vi nhập khẩu hóa chất, vật liệu chứa hóa chất nguy hại không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng.

TTK LHQ đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu

Ngày 7/7, Trưởng Phái đoàn các nước Cộng đồng Pháp ngữ đã có cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres để trao đổi về các vấn đề toàn cầu trong chương trình nghị sự của cơ quan đa phương lớn nhất hành tinh này. 

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh cần mở rộng và phát huy hơn nữa hợp tác giữa Liên hợp quốc và Tổ chức Pháp ngữ (OIF).

Trong bối cảnh khủng hoảng chồng khủng hoảng hiện nay làm cho tình hình thực hiện nhiều Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) ít có tiến triển, Đại sứ cho rằng Liên hợp quốc và OIF cần tăng cường hợp tác đẩy mạnh việc thực hiện SDG thông qua hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên, đồng thời cho biết Việt Nam sẵn sàng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nước châu Phi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Tin tức môi trường nổi bật nhất hôm nay ngày 8/7 - Ảnh 4
Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao cam kết mạnh mẽ và hành động khẩn trương của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu.

Về ứng phó biến đổi khí hậu, Đại sứ khẳng định lại cam kết của Việt Nam tại COP26 về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đề nghị Liên hợp quốc và OIF cần hợp tác để hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các cam kết của mình trong lĩnh vực này.

Đại sứ cũng đề nghị Liên hợp quốc và OIF xây dựng chương trình hành động chung để phối hợp hành động triển khai các đề xuất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về “Chương trình nghị sự chung của chúng ta” (OCA).

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao cam kết mạnh mẽ và hành động khẩn trương của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu.

Ông cũng bày tỏ đồng tình cao với các đề xuất của Việt Nam, cho rằng hợp tác Nam-Nam và hợp tác ba bên có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.

Tổng Thư ký cũng hoan nghênh ý tưởng xây dựng chương trình hành động Liên hợp quốc - OIF để triển khai OCA và cho biết sẽ làm việc cụ thể với Ban Thư ký OIF về đề xuất này. 

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường nổi bật nhất hôm nay ngày 8/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới