Thứ sáu, 22/11/2024 23:52 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/07/2022 06:55 (GMT+7)

Thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước có thể bị phạt đến 150 triệu đồng

Theo dõi KTMT trên

Nghị định số 45 quy định mức phạt đối với hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí; gây ô nhiễm môi trường kéo dài. Trong đó, phạt tiền từ 100-150 triệu đồng đối với trường hợp vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 5 lần trở lên đối với thông số môi trường nguy hại.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó quy định cụ thể mức xử phạt đối với vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.

Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký, kiểm kê, báo cáo và quản lý thông tin về hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y theo quy định; sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sai quy định và gây ô nhiễm môi trường.

Đối với hành vi không thực hiện việc đánh giá và kiểm soát hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y theo quy định bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng.

Thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước có thể bị phạt đến 150 triệu đồng - Ảnh 1
Bấn đề bảo vệ môi trường nước tại các lưu vực sông, đặc biệt là các lưu vực sông lớn, vẫn là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. (Ảnh minh họa)

Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép và gây ô nhiễm môi trường.

Đối với hành vi nhập khẩu hóa chất, vật liệu chứa hóa chất nguy hại không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định mức phạt đối với hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí; gây ô nhiễm môi trường kéo dài. Cụ thể, phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước trái quy định về bảo vệ môi trường.

Đối với hành vi thải các nguồn gây dịch bệnh vào môi trường bị áp dụng hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Đối với hành vi gây ô nhiễm đất, nước (nước ngầm, nước mặt bên trong và ngoài khuôn viên của cơ sở) hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đất, nước, không khí xung quanh bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 50-80 triệu đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 3 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc dưới 5 lần đối với thông số môi trường thông thường;

Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 3 lần đến dưới 5 lần đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 5 lần đến dưới 10 lần đối với thông số môi trường thông thường;

Phạt tiền từ 100-150 triệu đồng đối với trường hợp hàm lượng chất gây ô nhiễm (thông số môi trường) trong đất, nước hoặc không khí vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 05 lần trở lên đối với thông số môi trường nguy hại hoặc từ 10 lần trở lên đối với thông số môi trường thông thường.

Trong những năm qua, vấn đề bảo vệ môi trường nước tại các lưu vực sông, đặc biệt là các lưu vực sông lớn, vẫn là vấn đề được các đại biểu Quốc hội, cử tri đặc biệt quan tâm và có nhiều chất vấn.

Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, kết quả quan trắc năm 2021 cho thấy, đa phần các lưu vực sông lớn như: Hồng - Thái Bình và Mã - Chu, Cả - La, Vu Gia -Thu Bồn và Mê Kông duy trì ở mức tốt đến rất tốt. 

Nhiều sông, đoạn sông, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác. Kết quả quan trắc trung bình qua mỗi điểm quan trắc, không có nhiều biến động bất thường. Tuy nhiên, ô nhiễm cục bộ vẫn đang tiếp diễn trên các đoạn sông chảy qua khu vực tập trung dân cư, khu vực làng nghề, khu vực hoạt động sản xuất công nghiệp,… (đoạn sông Cầu trước khi vào TP. Thái Nguyên; đoạn sông Nhuệ qua địa phận TP.Hà Nội).

Các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước tập trung trên các lưu vực sông ở khu vực phía Bắc (Nhuệ - Đáy, Cầu) và phía Nam (Đồng Nai), tình trạng ô nhiễm qua các đợt quan trắc trong năm và chưa có dấu hiệu được cải thiện, điển hình như ô nhiễm trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét,….(Hà Nội), sông Cầu chảy qua địa phận Bắc Ninh - Bắc Giang, sông Bắc Hưng Hải, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật,... Ô nhiễm trên các lưu vực chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng. Phần lớn các điểm quan trắc ghi nhận chưa có dấu hiệu ô nhiễm kim loại và hóa chất bảo vệ thực vật.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức, trong năm 2022 và trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động giám sát về môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đảm bảo các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường.

Trong đó, năm 2022 sẽ thực hiện giám sát 2 đợt/năm (chưa bao gồm các đợt giám sát đột xuất khác khi cần thiết theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền).

Ngoài ra, Tổng cục Môi trường cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường các lưu vực sông trong năm 2022 và trong thời gian tới. Theo đó, Tổng cục sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất dự án triển khai khắc phục ô nhiễm sông Cầu tại mỗi địa phương trong đó tập trung trước mắt vào kiểm soát các cơ sở xả thải lớn, thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước có thể bị phạt đến 150 triệu đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới