Hòa Bình: Khai thác tài nguyên, lợi nhuận doanh nghiệp hưởng, ô nhiễm người dân gánh (Bài 2)
Người dân không chỉ đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống mà tính mạng người lao động tại các mỏ đá cũng luôn nguy hiểm. Vậy khai thác tài nguyên có phải lợi nhuận doanh nghiệp hưởng, ô nhiễm, rủi ro người dân gánh!?
LTS: Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với hàng trăm mỏ khai thác tài nguyên, khoáng sản đang hoạt động, tập trung chủ yếu tại huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy… đã góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian qua vấn đề này có những diễn biến phức tạp khi liên tiếp năm 2020, 2021, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố kết luận thanh tra và chỉ ra hàng loạt các vi phạm về công tác bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản, cấp phép khai thác mỏ vật liệu thông thường…
Cùng với ý kiến phản ánh của người dân tới cơ quan truyền thông, báo chí, Tạp chí Kinh tế Môi trường sau khi ghi nhận thực tế tại địa phương, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế và môi trường tổ chức chuyên đề: Giải pháp nào cho thực trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản ở Hòa Bình nhằm có cái nhìn tổng quan về nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với công tác bảo vệ môi trường và các vấn đề pháp lý liên quan khác.
Sử dụng phí môi trường có đúng quy định
Khi trao đổi với chính quyền địa phương nơi có hoạt động khái thác mỏ, họ đều khẳng định chưa khi nào nhận được kinh phí bảo vệ môi trường để khắc phục tỉnh trạng ô nhiễm, hệ thống giao thông bị xuống cấp nghiêm trọng đã và đang xảy ra trên địa bàn các xã Cao Dương, Liên Sơn, Tân Vinh (huyện Lương Sơn).
Theo tìm hiểu, năm 2016, tỉnh Hòa Bình thu ngân sách gần 180 tỷ đồng trên tổng sản lượng 6,7 triệu m3 đá, trong đó thuế tài nguyên chiếm trên 41 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường khoảng 23 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 35 tỷ đồng cùng một số loại thuế, phí khác.
Năm 2020, có 86 doanh nghiệp trong diện phải công khai nộp phí BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Trong đó, riêng địa bàn huyện Lương Sơn nhiều nhất với 47 doanh nghiệp. Tổng số phí BVMT của các doanh nghiệp trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hoà Bình năm 2020 được thống kê phải nộp gần 13,4 tỷ đồng, trong khi đó, số phí các doanh nghiệp đã nộp lên đến trên 16,7 tỷ đồng.
Theo quy định tại điều 8, Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016: việc quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản: Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản… là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật bảo vệ môi trường và Luật ngân sách nhà nước, theo các nội dung cụ thể sau đây: Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản; Khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.
Nơi có hoạt động khai thác khoáng sản quy định tại khoản này là nơi thực tế diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản theo địa bàn quản lý của cấp xã và cấp huyện.
Bên cạnh đó, điều 6 Thông tư số 66/2016/TT-BTC ngày 29/4/2016 của Bộ Tài chính quy định: Công khai phí BVMT đối với khai thác khoáng sản. Chậm nhất là trước ngày 31/3 hàng năm, cơ quan thu phí BVMT có trách nhiệm thông tin công khai: Số lượng khoáng sản khai thác, số lượng đất đá bốc xúc thải ra, số phí BVMT đối với khai thác khoáng sản mà doanh nghiệp đã nộp của năm trước trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo địa phương, đài phát thanh địa phương, đài truyền hình địa phương, trang thông tin điện tử của cơ quan thu phí và các hình thức phù hợp khác để người dân được biết.
Trong thông báo Kết luận Thanh tra số 356/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ năm 2021, cũng nêu rõ: Một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản kê khai nộp phí bảo vệ môi trường chưa đúng quy định: Áp giá tính phí chưa đúng, chưa nhân với hệ số khai thác lộ thiên (K), gây thất thu ngân sách nhà nước.
Cụ thể Dự án khai thác và chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xóm Rụt, xã Tân Vinh, Lương Sơn của Công ty Cổ phần Vinh Quang Hòa Bình chưa lắp đặt trạm cân tại khu vực khai thác, dẫn đến không quản lý được khối lượng khoáng sản khai thác, không quản lý được trọng tải xe trước khi ra khỏi mỏ.
Nhiều vụ tai nạn thương tâm
Các doanh nghiệp trong quá trình khai thác đá không chỉ vi phạm về môi trường mà việc khai thác không theo thiết kế là một trong những nguyên nhân mấu chốt dẫn đến tai nạn lao động. Không thực hiện khai thác cắt tầng nên góc nghiêng sườn tầng lớn, có nhiều đá treo, độ cao tầng không đúng quy định. Gần đây nhất là vào tháng 7/2021, xảy ra vụ tai nạn lao động làm ông Nguyễn Ngọc Ch. (SN1966) tử vong khi đang khai thác đá tại mỏ đá núi Sếu (xã Cao Dương, Lương Sơn) thuộc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Vận tải Hợp Tiến.
Thế nhưng cũng có những trường hợp xảy ra tai nạn nhưng không phải ai cũng biết. Bà Bạch Thị D., xóm Đồng Om kể lại: "Có lần tôi đi chăn dê qua khu vực mỏ khai thác đá thấy có máu, tiền vàng rắc đầy đó. Sau đó mọi người trong xóm mới biết hôm trước có vụ tai nạn chết người, rồi cũng chẳng thấy thông tin gì nữa".
Ngay chính xóm Đồng Om cũng có 2 người dân tử nạn khi khai thác đá cho công ty là anh Nguyễn Văn B. và Nguyễn Văn T. họ ra đi ở độ tuổi còn rất trẻ mới trên dưới 30 tuổi. Họ đều là những lao động trụ cột trong gia đình.
Mấy năm trước, chúng tôi cũng đã từng tìm hiểu về 2 vụ tai nạn lao động năm 2016, nạn nhân là anh Nguyễn Văn Th., (SN 1974), và anh Bùi Văn Đ. (SN 1975) tử nạn khi đang khai thác đá tại Công ty TNHH BMC Hòa Bình, xã Cao Thắng, Lương Sơn, có một điểm chung họ đều là những lao động rất nghèo, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn. Cả 2 công nhân này đều không được đơn vị sử dụng lao động đóng bảo hiểm. Sau đó, doanh nghiệp đã tự thỏa thuận bồi thường cho gia đình nạn nhân để không khiếu nại, kiện cáo gì!?
Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hòa Bình năm 2017 xảy ra 20 vụ tai nạn lao động làm chết 16 người, 17 người bị thương. Tại địa bàn huyện Lương Sơn trong 2 năm 2017, 2018 xảy ra 15 vụ tai nạn lao động làm chết 15 người. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có vụ việc nào được khởi tố để điều tra, làm rõ theo quy định pháp luật.
Qua đánh giá của Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH các biên bản điều tra tai nạn lao động tại mỏ đá lại xác định, nguyên nhân chủ yếu của số vụ tử nạn là do lỗi của chủ sử dụng lao động khi vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn khai thác mỏ với tỷ lệ 50% trên tổng số vụ.
Ông Nguyễn Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Cao Dương trao đổi với cơ quan báo chí: Các mỏ đá chưa thấy hỗ trợ gì, việc phí bảo vệ môi trường xã cũng chưa từng nhận được lần nào”.
Cán bộ môi trường xã Liên Sơn cũng trong câu trả lời tương tự về việc phí bảo vệ môi trường xã chưa từng được biết đến.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban nghiên cứu khoa học, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam: Theo quy định thì các dự án khai thác VLXD phải đóng phí BVMT và họ đã đóng và 100% phí thu được sẽ do địa phương chi. Theo đó, UBND tỉnh là người quản lý và quyết định chi tiêu nguồn phí BVMT thu được từ hoạt động đã nêu. Bới đối chiếu với quy định pháp luật tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016: UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp bố trí sử dụng nguồn phí bảo vệ môi trường thu được cho công tác bảo vệ môi trường tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.
Như vậy, rất cần làm rõ việc UBND Hòa Bình đã chi khoản phí này như thế nào để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ khai thác khoáng sản. Qua thông tin nhóm phóng viên tìm hiểu thuộc quy định này, thuộc loại có thể chi tiền phí thu được để khắc phục, ngăn ngừa. Vấn đề là thủ tục như thế nào để có thể rút kinh phí này để chi, phải chăng phải có dự án do cơ quan có thẩm quyền (Chi cục BVMT tỉnh chẳng hạn) lập, trình để được duyệt thực hiện. Đây là vấn đề cần làm rõ, liệu đã có văn bản của UBND Hòa Bình về vấn đề này chưa. Theo tôi đây là vấn đề khó nhưng cần thiết phải làm.
Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH từng trao đổi với báo giới: “Qua biên bản điều tra thấy rất rõ vi phạm pháp luật về các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Còn vì lý do gì không được khởi tố, đưa ra xét xử thì cần phải có tìm hiểu và trao đổi thêm. Có những vụ, nguyên nhân tai nạn chết người lại không gắn nhiều với quá trình lao động. Vì vậy, quá trình điều tra tiến hành không đầy đủ và nghiêm túc".
Bài 3: Vấn nạn xe “quá khổ, quá tải” gây ô nhiễm môi trường, hư hỏng những con đường
Long Giang - Doãn Kiên