Chính thức thông qua Nghị quyết giảm “kịch khung” thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu
Từ ngày 11/7, mức thuế với xăng (trừ ethanol) giảm từ 2000 đồng/1 lít xuống mức sàn 1000 đồng/1lít; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/1 lít xuống mức sàn là 1000 đồng/1 lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/1 lít xuống mức sàn là 500 đồng/1 lít.
Sáng 6/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức phiên họp xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Chính thức giảm thuế BVMT từ 11/7
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá rất cao Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính đã rất trách nhiệm trong việc bám sát diễn biến thực tế của tình hình thực hiện các chủ trương chung theo các kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội để có tờ trình ngày hôm nay; được dư luận đánh giá cao.
“Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng như hiện nay thì việc bình ổn giá mặt hàng xăng dầu trong nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa kiềm chế lạm phát vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng và giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp…” - Chủ tịch Quốc hội phân tích và nhấn mạnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cao và quyết định ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đề nghị của Chính phủ với tỷ lệ 100% thành viên có mặt tán thành.
Theo đó, mức thuế với xăng (trừ ethanol) giảm từ 2000 đồng/1 lít xuống mức sàn 1000 đồng/1 lít đối; Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/1 lít xuống mức sàn là 1000 đồng/1 lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/1 lít xuống mức sàn là 500 đồng/1 lít; Dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/1 lít xuống mức sàn 300 đồng/1 lít; Dầu hỏa giữ mức thuế 300 đồng/1lít là mức giá sàn trong khung thuế suất.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất thời hạn áp dụng Nghị quyết là ngày 11/7/2022. Điều này có nghĩa ở phiên điều hành giá xăng dầu tiếp theo có thể thực hiện ngay được việc giảm thuế bảo vệ môi trường (giảm 1.000 đồng/lít trong cơ cấu giá xăng)..
Cùng với mức giảm "kịch khung" biểu thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ khẩn trương nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu để báo cáo Quốc hội xem xét có biện pháp phù hợp.
Ngân sách Nhà nước ước tính giảm thu khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ đầu năm 2022, giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thế giới có xu hướng tăng cao, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) cũng tăng mạnh.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần. Trong đó, giá xăng tăng 13 lần, giảm 4 lần, trong đó có 2 lần giảm ngay sau khi thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với việc giá dầu thô thế giới vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức trên 100USD/thùng, giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng cao.
Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng cũng có tác động lớn đến các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, lĩnh vực sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên vật liệu đầu vào do xăng dầu chiếm tỷ trọng cao và tác động mạnh vào giá thành sản xuất, từ đó tác động làm tăng giá cả hàng hóa, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau dịch Covid-19.
Với mức giảm như trên, ngân sách Nhà nước ước tính giảm thu khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng và ước giảm thu ngân sách Nhà nước là khoảng 7.000 tỷ đồng. Nếu tính cả phần ước giảm thu ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 (khoảng 23.954 tỷ đồng) và Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 (khoảng 1.584 tỷ đồng) thì giảm thu ngân sách Nhà nước do giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn cả năm là khoảng 32.538 tỷ đồng.
Hà Lan