Thượng tôn pháp luật môi trường
Trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tới đây, sẽ chi tiết hóa trách nhiệm người sản xuất, người sử dụng đối với sản phẩm thải bỏ.
Thực tiễn, hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội cho thấy, còn nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về môi trường chưa, hoặc không được xử lý kịp thời. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường thời gian qua dù được giới truyền thông lên tiếng, nhưng rồi lại “lắng xuống”.
Điểm lại rất nhiều vụ việc sẽ thấy, dường như sự tuân thủ pháp luật về môi trường trong cộng đồng còn rất thấp. Nói một cách trực tiếp, chúng ta chưa đến được một xã hội biết thượng tôn pháp luật và chưa có sự bảo đảm minh bạch trong việc thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh.
Ảnh minh họa. |
Chúng ta nói, đã phát hiện rất nhiều vụ việc phá rừng, khai thác tài nguyên trái phép, xả thải gây ô nhiễm môi trường… Rất nhiều quan chức, rất nhiều cấp, nhiều ngành đã “vào cuộc”, đã tổ chức những đợt phát động này nọ rầm rộ… Và tất nhiên, những câu chữ “đẹp” nhất, “có vẻ” nghiêm minh nhất cũng đã được sử dụng. Vậy mà cái đích cuối cùng là giữ cho môi trường ngày một trong lành, để dành tài nguyên cho đời sau… thì lại bị bỏ ngỏ.
Một câu hỏi đặt ra là, phải chăng tính thượng tôn pháp luật đã và đang vấp phải một lực cản “vô hình” nào đó? Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, từ rất lâu, người ta đã biết lấy sự tôn trọng đối với luật pháp làm thước đo trình độ tổ chức xã hội, đồng thời làm động lực cho sự phát triển xã hội. Chẳng có một nước nào trở nên giàu có trong điều kiện xã hội thường xuyên rối ren, hỗn loạn và mất an toàn.
Thực ra, con người ta luôn mong muốn có được nhiều nhất những gì tốt nhất cho mình và luôn có thiên hướng hành động nhằm đạt mục tiêu đó. Trong điều kiện phải coi luật pháp là giới hạn đối với sự tự do trong việc tìm kiếm lợi ích, người ta tự nhiên có ý nghĩ tìm cách làm cho luật được đặt ra theo hướng có lợi cho mình.
Nhưng, nếu luật pháp mà ưu tiên bảo vệ lợi ích của một vài nhóm thiểu số giàu có, trái ngược với nguyện vọng của số đông, thì chắc chắn sẽ không được số đông tuân thủ với ý thức tự nguyện. Thái độ không tự giác phục tùng đối với luật pháp của người dân thường còn có điều kiện thuận lợi để phát triển ở ngoài xã hội, nếu hiện tượng áp dụng pháp luật không nghiêm có dấu hiệu tràn lan trong các cơ quan công quyền; đến lúc nào đó, thậm chí nó có thể tự “nâng cấp” thành thái độ quay lưng.
Và một khi luật pháp bị gạt sang một bên, thì cách tự nhiên, bản năng ứng xử sơ cấp sẽ trỗi dậy để điều khiển hành vi của con người. Kiểu như, một người (một doanh nghiệp) xả rác (xả thải) bừa bãi mà chẳng bị sao, thì những người bên cạnh sẽ theo đó mà làm, chẳng việc gì phải giữ gìn.
Một cánh rừng bị chặt hạ, chẳng cấp chính quyền nào chịu trách nhiệm, khi đó, những cánh rừng tiếp theo sẽ khó có cơ hội tồn tại… Những kiểu ứng xử như thế, hiển nhiên sẽ làm cho xã hội, thay vì tiến lên, lại đi thụt lùi.
Ngọc Lý