Thứ năm, 25/04/2024 03:39 (GMT+7)
Thứ ba, 04/02/2020 12:18 (GMT+7)

Thiên tai, nhân họa hay khủng hoảng niềm tin?

Theo dõi KTMT trên

Sau khẩu trang, van xin các bạn đừng bước kế tiếp là điên rồ tích trữ thực phẩm, tạo ra nhân họa khan hiếm, dẫn đến khủng hoảng xã hội sâu sắc, dẫn đến người không có ăn...

Thiên tai, nhân họa hay khủng hoảng niềm tin? - Ảnh 1
Nạn nhân động đất - sóng thần xếp hàng trật tự chờ nhận thực phẩm cứu trợ ở thành phố Yamada, Nhật Bản hôm 31/3/2011 - Ảnh: EPA

Hôm nay đi đổ xăng, sợ khủng hoảng nên đổ đầy bình, định đi siêu thị hốt đồ thì bị chồng Nhật mắng: "Chỉ được đổ nửa bình".

Chị hỏi: "Tại sao, bình thường em vẫn đổ đầy bình mà? Nhất là đang khủng hoảng, lỡ mai không còn xăng đổ thì sao?".

Chồng chị đáp: "Vì là khủng hoảng nên mới chỉ được đổ nửa bình. Chừa cho những người đang bị thiếu hụt ở vùng thiên tai".

Và không phải mỗi chồng chị, mà người Nhật nào cũng làm y như vậy. Vì khủng hoảng nên mọi người đều cố gắng không tích trữ để phần lương thực dư cho những nơi đang gặp tai họa. Nhường cho người đang cần.

Và sau đó toàn thế giới nghiêng đầu trước hình ảnh dòng người Nhật xếp rồng rắn nhẫn nại nhường nhịn, che chở, chờ đợi để được cứu hộ.

Dĩ nhiên không thể so sánh người Nhật và người Việt vì trình độ xã hội, giáo dục, nhân sinh mọi thứ đều khác nhau.

Và cái chúng ta thiếu nhất chính là niềm tin cho nhau, cho chính quyền và cho xã hội. Chúng ta không có niềm tin rằng, chỉ cần mình tốt, mình sẽ được đối xử như cách mình sẽ đối xử với xã hội.

Do đó chúng ta trở nên khủng hoảng.

Tuy nhiên, bài viết này không phải để phân tích xã hội hay so sánh người nào. Bài này chỉ để nói một chuyện: Đôi khi thiên tai không đáng sợ bằng nhân họa.

Ví dụ như khẩu trang và nước rửa tay. Thật ra theo mức độ nhà máy và tốc độ sản xuất. Nếu chúng ta mua đủ xài trong vài ngày, sau đó lại tiếp tục mua tiếp, bảo đảm sẽ không thiếu cho bất kỳ ai trong 90 triệu dân số hiện tại.

Nhưng chỉ vì có rất rất nhiều người, tích trữ cả trăm hộp trong nhà nên mới tức thời xảy ra khủng hoảng. Và dự là qua cơn khủng hoảng này, lượng khẩu trang, nước sát trùng tích trữ đó có thể xài đến vài năm.

Thực phẩm cũng vậy. Thực ra nếu chúng ta vẫn sống theo bình thường với tốc độ sản xuất thực phẩm hiện tại chúng ta sẽ không bao giờ xảy ra khan hiếm.

Do đó, van xin các bạn đừng bước kế tiếp là điên rồ tích trữ thực phẩm. Tạo ra nhân họa khan hiếm, dẫn đến khủng hoảng xã hội sâu sắc, dẫn đến người không có ăn, nhưng sau đó khi mọi việc lắng xuống, lại có một lượng lớn thực phẩm đổ đi vì hết date.

Nên nếu có quá lo lắng, chỉ xin tích trữ đủ dùng trong 2 tuần. Thực phẩm sẽ không thể khan hiếm nếu chúng ta vẫn tiếp tục công việc của mình và cẩn thận trong giao tiếp là được. Đừng tạo nên một cơn khủng hoảng dẫn đến chúng ta không bị diệt vì virus mà tự diệt lẫn nhau.

Xin hãy bình tĩnh. Mọi việc rồi sẽ ổn thôi!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Linh Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết Thiên tai, nhân họa hay khủng hoảng niềm tin?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới