Thứ bảy, 27/04/2024 10:42 (GMT+7)
Thứ tư, 03/11/2021 09:45 (GMT+7)

Tây Ban Nha: Dùng phụ phẩm quả bơ để sản xuất nhựa sinh học

Theo dõi KTMT trên

Tận dụng phụ phẩm từ bơ, các nhà khoa học Aimplas, Tây Ban Nha nghiên cứu phát triển một hệ thống đóng gói phân hủy sinh học mới có khả năng kéo dài thời hạn sử dụng thực phẩm thêm 15%.

Dự án Guacapack được tài trợ bởi Cơ quan Đổi mới Valencian và do ITC Packaging dẫn đầu với sự hỗ trợ bổ sung từ nhóm nghiên cứu của Đại học Alicante về phân tích Polyme và vật liệu nano. Hệ thống đóng gói của dự án sẽ bao gồm các hàng rào và phụ gia chống oxy hóa, bảo vệ guacamole và các loại thực phẩm tương tự khỏi quá trình oxy hóa.

Nhà nghiên cứu Rosa González, trưởng nhóm nghiên cứu của dự án tại Aimplas, cho biết: “Dự án dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, với việc sản xuất các nguyên mẫu bao bì chức năng, trước khi thực hiện các bước thương mại hóa".

Tây Ban Nha: Dùng phụ phẩm quả bơ để sản xuất nhựa sinh học - Ảnh 1
Phụ phẩm của bơ được tái chế để tạo ra một màng cho nhãn IML nhiều lớp với các đặc tính ngăn cản oxy. (Ảnh minh họa)

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng phụ phẩm được tạo ra trong quá trình chế biến bơ có thể chiếm hơn 45% tổng trọng lượng của chúng. Tận dụng loại rác thải này, các nhà khoa học Aimplas nghiên cứu phát triển một hệ thống đóng gói phân hủy sinh học mới có khả năng kéo dài thời hạn sử dụng thực phẩm thêm 15%.

Theo nhà nghiên cứu Rose González, nhóm đã nghiên cứu quy trình chiết xuất và tinh chế tinh bột từ hạt bơ để tạo ra một màng cho nhãn IML nhiều lớp với các đặc tính ngăn cản oxy. Sau đó chúng được kết hợp vào vật liệu đóng gói.

"Trong trường hợp là chất chống oxy hóa, chúng sẽ được kết hợp trong hộp cứng như một chất phụ gia của nhựa phân hủy sinh học. Nếu là tinh bột, nó sẽ được kết hợp thành một lớp trong nhãn nhiều lớp để áp vào khuôn”.

“Các mẫu thử sẽ được sản xuất để xác nhận tính năng đóng gói mới và tuân thủ luật pháp châu Âu về vật liệu nhựa tiếp xúc với thực phẩm”, nhà nghiên cứu Rose González cho biết. 

Giải pháp của Dự án Guacapack có thể thay thế cho các chất phụ gia tổng hợp và giúp tạo giá trị gia tăng cho chất thải thực phẩm nông nghiệp. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, giải pháp còn hỗ trợ các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là SDG 3 về Sức khỏe tốt, SDG 9 về Công nghiệp, Đổi mới và Cơ sở hạ tầng và SDG 12 về Tiêu dùng và Sản xuất có trách nhiệm.

Hiện các giải pháp của Trung tâm Aimplas đang giúp nhiều công ty áp dụng kinh tế tuần hoàn vào mô hình kinh doanh. Đồng thời cũng tạo thêm cơ hội để ngành nhựa ứng dụng khoa học nhằm nâng cao hiệu quả, giảm tác động môi trường và tăng lợi nhuận. Bên cạnh các giải pháp về nhựa, Aimplas cũng tiến hành nghiên cứu tái chế vật liệu và sản phẩm phân hủy sinh học, sử dụng sinh khối và CO2 để giúp giải quyết các thách thức về môi trường.

Mới đây, EU quyết định tài trợ cho một dự án khác của Aimplas là Dafia. Dự án nhằm biến cá và rác thải đô thị thành chất tạo màng sinh học và các vật liệu đóng gói khác.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tây Ban Nha: Dùng phụ phẩm quả bơ để sản xuất nhựa sinh học. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới