Trách nhiệm thu hồi, tái chế sản phẩm được quy định ra sao?
Từ ngày 1/1/2022, theo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi thì các nhà sản xuất, nhập khẩu ở Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm đến hết vòng đời của sản phẩm, kể cả, khi chúng đã trở thành rác. Vậy trách nhiệm thu hồi, tái chế sản phẩm được quy định ra sao?
Phát sinh hàng triệu tấn rác thải mỗi năm
Xử lý rác thải đã và đang là một vấn đề nóng ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong 10 năm qua, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước.
Tính đến năm 2019, cả nước đã có hơn 335 KCN và khu chế xuất, hình thành một hệ thống các KCN phân bố ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đăc biệt, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như khai thác, chế biến dầu khí; Điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; Luyện kim, sắt thép; Dệt may, da giày...
Thực tế việc xử lý và quản lý rác thải công nghiệp mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa thể ngang tầm với nhu cầu đòi hỏi. Hiện nay, lượng rác ở các khu đô thị được đưa đến bãi chôn lấp tập trung chỉ đạt khoảng 60 - 65%, lượng rác còn lại bị ném xuống ao hồ, sông ngòi, ném bên vệ đường. Còn ở khu vực nông thôn, rác thải hầu như không được thu gom và có thể bắt gặp ở bất cứ đâu.
Rác thải công nghiệp bao gồm 2 loại là chất thải nguy hại và chất thải rắn công nghiệp thông thường. Trong đó, chất thải công nghiệp thông thường phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm, còn chất thải nguy hại phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, ước tính khoảng 1 triệu tấn/năm.
Theo các quy định hiện hành, chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải có trách nhiệm phân loại, lưu giữ, tự xử lý hoặc chuyển cho các đơn vị chức năng xử lý theo quy định. Các chất thải công nghiệp thông thường được phép tận dụng để tái sử dụng, tái chế làm nguyên nhiên vật liệu cho các ngành khác.
Gắn rác thải với trách nhiệm của nhà sản xuất
Một trong những chính sách lớn của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường quy định nhà sản xuất có trách nhiệm tái chế chất thải (Điều 54) và xử lý chất thải (Điều 55).
Cụ thể, ERR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: Thu gom; Tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; Tái sử dụng; Thu hồi (tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc thải bỏ. Đây cũng chính là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Luật Bảo vệ môi trường quy định, để thực hiện trách nhiệm của mình, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn 1 trong 4 hình thức: Tự mình thực hiện tái chế; Thuê các đơn vị có chức năng tái chế; Liên kết với nhau thành lập tổ chức đại diện thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất để tổ chức hoạt động tái chế; Đóng góp kinh phí cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để tổ chức tái chế.
Hướng dẫn cụ thể vấn đề này, Dự thảo Nghị định nêu rõ: “Đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam của từng loại sản phẩm, bao bì được xác định theo công thức sau đây: Số tiền đóng góp của từng loại sản phẩm = Tỉ lệ tái chế (x) Lượng sản phẩm, bao bì (x) Định mực chi phí tái chế sản phẩm, bao bì (+) Chi phí quản lý, tổ chức tái chế”.
Có thể thấy, đây là quy định theo hướng nâng trách nhiệm của các nhà sản xuất. Theo đó, nhà sản xuất phải đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý trong trường hợp sản xuất, đưa ra thị trường các bao bì chứa sản phẩm độc hại hoặc không có khả năng tái chế hoặc khó thu gom, xử lý.
PGS.TS. Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho biết, việc các nhà sản xuất có trách nhiệm nộp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là điều cần thiết. Tuy nhiên, tính toán xác định tỉ lệ tái chế bắt buộc sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như công nghệ tái chế đối với từng loại sản phẩm, bao bì; Giá cả thị trường nguyên vật liệu; Chi phí điện, nước phục vụ quá trình tái chế. Vì vậy, phải tính toán cụ thể tránh trường hợp gây khó khăn, tranh cãi trong quá trình thực hiện.
Về vấn đề này, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ TN&MT thông tin, khi xây dựng Luật và các Nghị định đã đưa ra tỉ lệ tái chế cũng như mức đóng góp nhưng ở mức thấp so với các nước. Bộ TN&MT tính toán cụ thể, có lộ trình và tính toán mức đóng góp cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Xuân Hòa