Tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng/tháng: Vẫn lỗi thời?
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, mức giảm trừ gia cảnh mà Bộ Tài chính đề xuất là không phù hợp, chưa áp dụng đã lỗi thời.
Bộ Tài chính vừa đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này là chưa áp dụng đã lỗi thời.
Mức giảm trừ quá thấp
Chị Vũ Thu Trang, một công chức hưởng lương ngân sách nhà nước ở Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, những năm gần đây giá cả đều tăng cao. Giá điện, nước sinh hoạt được nhà nước điều chỉnh tăng; giá xăng, giá dịch vụ y tế, giá thuốc khám chữa bệnh… cũng tăng; chi phí sinh hoạt hàng ngày từ mớ rau, con cá cũng đều tăng.
“Hơn nửa năm qua, thịt lợn tăng giá vùn vụt cũng kéo theo nhiều thực phẩm khác tăng lên. Trước đây chỉ cần 100.000 - 150.000 đồng tiền chợ/ngày, nhưng bây giờ cầm 200.000 đồng đi chợ cũng phải tính toán, cân đối để không thiếu trước hụt sau”, chị Trang nói.
Đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc chỉ có 4,4 triệu đồng/tháng là không phù hợp. (Ảnh minh họa: KT) |
Chị Nguyễn Quỳnh Anh (nhân viên văn phòng ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, chị có con trai lớn đang học đại học ở Hà Nội, năm học 2019 - 2020 học phí là 17 triệu đồng/năm và mức tăng học phí từng năm là khoảng 10% so với năm học trước liền kề. Con gái nhỏ đang học cấp 1, học phí khoảng 45 triệu đồng/năm. Cả hai đều phải học thêm tiếng Anh, sinh hoạt ngoại khóa... Ước tính mỗi tháng chị Quỳnh Anh phải chi cho 2 đứa con lên gần 16 triệu đồng, chưa kể ăn mặc, tiền khám chữa bệnh...
“So với 7 năm trước, thu nhập tăng không đáng kể trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Việc đề xuất mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc chỉ có 4,4 triệu đồng/tháng là không phù hợp với thực tế hiện nay”, chị Quỳnh Anh cho hay.
Chưa áp dụng đã lỗi thời
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VOV, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh mà Bộ Tài chính đề xuất là không phù hợp, chưa áp dụng đã lỗi thời.
“Lẽ ra khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 20% là phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nhưng hiện CPI đã tăng hơn 23% mới điều chỉnh, như vậy là không có lợi cho người tiêu dùng”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.
Theo ông Long, việc áp dụng cách tính bất hợp lý như hiện nay sẽ khó tránh khỏi chuyện chính sách không theo kịp thực tế đời sống. Nguyên nhân là do ngoài yếu tố về giá tăng thì nhu cầu đời sống của người dân càng ngày càng tăng, vì thu nhập tăng, đời sống cũng lên cao. Do đó, ngoài yếu tố giá, phải tính theo biến động của nhu cầu đời sống người dân lên cao. Đòi hỏi mức miễn trừ gia cảnh phải tăng lên.
PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính). |
“Nguyên tắc trong chính sách thuế là phải nuôi dưỡng nguồn thu thì mới có thể tạo ra nguồn thu mới, không nên tận thu. Phải tính toán cụ thể, không thể chỉ căn cứ theo mức tăng của chỉ số giá rồi nâng lên thì chưa đủ. Để tính mức miễn trừ gia cảnh còn có 1 số yếu tố khác ngoài yếu tố giá. Đời sống tinh thần hiện đã nâng lên nên phải có các khoản miễn trừ khác để người dân có thể hưởng thụ đời sống”, ông Ngô Trí Long khuyến cáo.
Bên cạnh đó, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế cần phải tăng tương ứng bởi nếu không sẽ có thể khiến người dân nghèo hơn. Đó là chưa kể hiện nay nhiều nước đang hướng đến nền kinh tế chi tiêu để tạo động lực phát triển thì Việt Nam cũng nên đi theo hướng này.
“Mức thu nhập để tính thuế nên chia thành từng vùng, miền khác nhau, ở thành thị khác, nông thôn khác, vì mức sống ở Hà Nội khác với mức sống ở nông thôn”, PGS.TS Ngô Trí Long kiến nghị.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, cách tính mức giảm trừ gia cảnh mới này chưa mang tính dự liệu cho tương lai và chưa phù hợp với thực tế hiện nay. Cần tăng thêm các khoản giảm trừ cho người dân.
Chẳng hạn, người nước ngoài được trừ tiền học phí cho con trong khi người Việt Nam lại không được trừ chi phí này khi tính thuế, chưa kể nhiều khoản khác như mua căn nhà đầu tiên phải vay mượn ngân hàng cũng cần phải trừ để tạo cho người dân điều kiện được an cư lạc nghiệp.
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Cần có sự tính toán, lấy ý kiến của các chuyên gia về thuế cũng như người lao động để xem mức giảm trừ này đã hợp lý chưa và có thể tăng mức giảm trừ này lên cao nữa hay không để phù hợp với thực tế, tránh tình trạng lỗi thời, tránh tình trạng chưa ban hành đã lạc hậu”.
Cẩm Tú