Thứ năm, 25/04/2024 22:21 (GMT+7)
Thứ ba, 30/11/2021 08:00 (GMT+7)

Phát triển nền kinh tế bền vững, chúng ta sẽ không bị để lại phía sau

Theo dõi KTMT trên

Chúng ta hướng đến nền kinh tế không carbon, hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển nền kinh tế bền vững hơn. Thực hiện được những điều này chúng ta không bị để lại phía sau.

Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam

Chia sẻ tại Tọa đàm "Việt Nam và những cam kết tại COP26 – Góc nhìn Kinh tế Môi trường", PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) nói: Chính phủ đã đưa ra nhiều khẩu hiệu mạnh mẽ: “Không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế”. Trong suốt thời gian vừa qua, chúng ta đã có nhiều giải pháp về cả công nghệ và những vấn đề liên quan đến việc sử dụng các công cụ kinh tế để giải quyết bài toán phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đất nước phát triển bền vững.

Các ý kiến chuyên gia cho thấy những nỗ lực của cả hệ thống chính trị để từng bước giải quyết vấn đề các vấn đề nan giải. Và biến đổi khí hậu là vấn đề các đảo quốc lo nhất hiện nay. Nhiều quốc đảo đang lo ngại mất nước vì ô nhiễm môi trường. Nếu mực nước biển dâng lên thì nhiều quốc đảo sẽ có nguy cơ bị xóa sạch, vì có những quốc đảo chỉ cao chừng 1 m.

Phát triển nền kinh tế bền vững, chúng ta sẽ không bị để lại phía sau - Ảnh 1
PGS.TS Lưu Đức Hải, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, PGS.TS Bùi Thị An, PGS.TS Trương Mạnh Tiến (từ trái qua phải).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu ra một thông điệp mạnh mẽ: Thế giới phải đoàn kết lại. Thủ tướng đã mượn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Đây là thông điệp mạnh mẽ và chỉ có thể đoàn kết với nhau, chung tay lại hành động thì mới làm được.

Tất cả hệ thống chính trị của chúng ta đang thực hiện cam kết. Tới đây Góc nhìn Kinh tế Môi trường sẽ trở thành trang chính trên các phương tiện truyền thông, để xem xét các vấn đề đang làm có đúng hướng hay không, cần phải điều chỉnh như thế nào để phù hợp với bối cảnh thế giới và thực tế ở Việt Nam hiện nay.

Cho đến lúc này có thể khẳng định rằng, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự vào cuộc, hành động và các chương trình cụ thể của chính phủ và cả hệ thống chính trị thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa đất nước ta đi đúng hướng. Và đồng bào nước ta đang chia sẻ với Chính phủ mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra, nhưng các hoạt động được triển khai rất mạnh mẽ.

"Tôi cho rằng đây là bản cam kết mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn trước đây của Việt Nam. Cộng đồng thế giới đánh giá rất cao Việt Nam với bản cam kết cụ thể, mạnh mẽ như như thế này và họ bày tỏ sự tin tưởng chúng ta sẽ làm được", PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh.

Phát triển nền kinh tế bền vững, chúng ta sẽ không bị để lại phía sau - Ảnh 2
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh.

Cũng chia sẻ tại tọa đàm trên, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch VIASEE, Viện trưởng Viện Chính sách Kinh tế Môi trường (EEPI) đánh giá: Trước hết cam kết của Thủ tướng không phải là mạnh bạo, mà đó là những cam kết hoàn toàn có căn cứ. Chúng ta chỉ đang cam kết mạnh mẽ hơn Hiệp định Paris mà thôi. Nhưng nếu Việt Nam không cam kết như vậy thì Việt Nam sẽ luôn đi sau. Cam kết này được để ý nhiều nhất là Net Zero (giảm khí thải bằng 0). Chúng ta hướng đến nền kinh tế không carbon, hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển nền kinh tế bền vững hơn. Để chúng ta không bị để lại phía sau.

Còn theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch VIASEE: Mặc dù bài phát biểu về của Thủ tướng tại COP26 rất ngắn gọn nhưng nội dung lại rất đầy đủ. Bài phát biểu này đưa ra nhiều vấn đề lớn của toàn cầu. Cụ thể:

- Ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân.

- Tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa về giảm phát thải khí nhà kính trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia.

- Tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris.

- Đến cam kết này, chúng ta đã cụ thể hơn là cam kết phát thải về 0 vào năm 2050. 

“Điều đặc biệt, tại COP26, Thủ tướng dẫn lại lời của Bác Hồ để nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Nghĩa là tất cả loài người sống trên Trái Đất phải đoàn kết lại thì mới có thể thành công trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”, PGS.TS Lưu Đức Hải chia sẻ.

Nguồn vốn nào để thực hiện bảo vệ môi trường?

Một trong những ý kiến nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, đó là nguồn vốn nào để thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Chia sẻ về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong (Chuyên gia kinh tế) cho rằng: Nguồn tài chính của Nhà nước và doanh nghiệp là hết sức hạn chế. Do ngân sách hạn hẹp, quy mô doanh nghiệp nhỏ, chi phí giải quyết các vấn đề môi trường là rất lớn. Người dân cũng chỉ đóng góp một phần rất nhỏ. Nguồn kinh phí tài trợ của nước ngoài cũng rất nhỏ bé.

Phát triển nền kinh tế bền vững, chúng ta sẽ không bị để lại phía sau - Ảnh 3
TS. Nguyễn Minh Phong.

Vì vậy, chúng ta cần có cơ chế để có nguồn vốn thực hiện bảo vệ môi trường. Đó là huy động vốn thông qua tín dụng xanh; Vận động các tổ chức nước ngoài thông qua các cam kết từ Thỏa thuận Paris, COP26; Phát huy các nguồn vốn tự nhiên; Các quỹ bảo vệ môi trường có nhiều thành phần tham gia rộng khắp có sự minh bạch, công khai; Nguồn lực từ các Việt kiều…

Theo TS. Phong, ngoài ra chúng ta phải nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường là rất quan trọng, để người dân thấy rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình ở trong đó. Khi người dân thực hiện, giám sát, các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ có cải thiện rõ rệt.

Cũng chia sẻ về khía cạnh này, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Chủ tịch VIASEE cho rằng, hiện nay Việt Nam đang thực hiện kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, thực hiện chính sách đầu tư công. Theo đó, chúng ta có thể cho doanh nghiệp, người dân được đầu tư vào việc bảo vệ môi trường. Điều này cần có chính sách cụ thể, theo vận hành của kinh tế thị trường. Những quy luật thị trường sẽ loại thải dần những doanh nghiệp không đạt tiêu chí xanh.

“Chúng ta cần có những người tham gia 'sân chơi' này, tất nhiên là có cơ chế giám sát chặt chẽ, linh hoạt để theo kịp thời cuộc. Nguồn lực của chúng ta đang hạn chế, không thể lúc nào cũng nhìn vào nguồn lực của Nhà nước, mà phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp.

Hãy thử thực hiện những người được hưởng lợi từ môi trường sẽ chi trả dịch vụ, người gây ô nhiễm môi trường cần chi trả phí môi trường để khắc phục. Việc này sẽ khiến doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế… tích cực tham gia, dưới sự điều tiết của nhà nước. Tôi nghĩ điều đó là lâu dài chưa làm ngay lập tức được, nhưng nó sẽ có hiệu quả”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nhấn mạnh.

Nhiệt điện và bài toán tính phí carbon

Một trong những vấn đề được các chuyên gia đầu ngành đề cập đến, đó là việc giải bài toán điện than trong Quy hoạch điện VIII và bài toán tính phí carbon.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch VIASEE: Trong Quy hoạch điện VIII, nhiệt điện than có ưu và nhược điểm khách quan nào? Nó liên quan gì đến Net Zero mà Thủ tướng đã cam kết?

Phát triển nền kinh tế bền vững, chúng ta sẽ không bị để lại phía sau - Ảnh 4
PGS.TS Lưu Đức Hải.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, trên thực tế, chúng ta không còn nguồn lực lớn về nguyên liệu than, do các mỏ than lớn ở Quảng Ninh không thể khai thác hơn 50 triệu tấn, còn phải nhập khẩu. Dải than từ Đồng bằng sông Hồng có trữ lượng 200 tỉ tấn, nhưng không thể khai thác do chi phí khai thác quá lớn và nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội của một vùng dân cư rất đông đúc và rộng lớn.

Lâu nay, chúng ta cho rằng thực hiện nhiệt điện than chịu chi phí thấp là quá sai lầm. Giá cho nhiệt điện than không hề rẻ chút nào. Tất cả các loại thuế phí môi trường áp dụng với than rất rẻ so với các loại nguyên liệu hóa thạch khác, không ảnh hưởng nhiều đến giá thành. Ưu điểm của nhiệt điện than là sự chủ động, lâu bền, dù giá thành rẻ nhưng vẫn cần phải có phương án giảm nhiệt điện than.

Còn GS.TS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa Môi trường (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Chúng ta phải bám sát COP26. Thắng lợi hay không thì chúng ta chưa thể đánh giá được. Điều chúng ta cần chú ý ở đây là cam kết Net Zero, có nghĩa là không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển. Tuy nhiên việc tính ra lượng khí thải như thế nào, có tính được lượng khí thải ra môi trường hay không?

Điều chúng ta tính được ở đây đó là rừng, đất rừng chúng ta có thể tính được trên mỗi nước, diện tích rừng là bao nhiêu từ đó tính ra mỗi nước có thể hấp thụ được lượng khí thải là bao nhiêu. Bên cạnh đó, chúng ta cần có nhóm nghiên cứu COP26 để có đánh giá tốt nhất. Nhưng còn mặt nước, đô thị, đất..., cần có những tính toán định lượng cụ thể.

Theo chia sẻ của PGS.TS Bùi Thị An, nguyên  ĐBQH Khóa XIII, Viện trưởng Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, Việt Nam chúng ta đang thực hiện song hành kinh tế - môi trường và an sinh xã hội, với tinh thần lấy người dân là chính, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân… Điều kiện kinh tế hiện nay: Thay thế ngành hàng ô nhiễm, giảm ngành ô nhiễm sang năng lượng sạch.

“Tại Nghị quyết 55 - Bộ Chính trị nêu rõ, tăng năng lượng tái tạo, giảm năng lượng độc hại. Toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc nhưng còn một số vấn đề như phân công nhiệm vụ tổ chức thực hiện còn có những vấn đề chưa hài lòng. Về giải pháp cá nhân, tôi cho rằng, cần có quyết sách trồng rừng, tăng năng lượng tái tạo; Lấy nhân dân làm trung tâm; Chấp nhận quy luật và tìm ra giải pháp. Nêu cao vai trò của giới khoa học trong việc theo dõi giám sát từng ngày các giải pháp này”, PGS.TS Bùi Thị An nói.

Giải bài toán công nghệ trong việc bảo vệ môi trường

PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ: Vấn đề chi từ Quỹ Bảo vệ môi trường như thế nào cho hiệu quả, dù nguồn lực về vốn của chúng ta chưa nhiều? Phải bắt đầu từ định hướng về công nghệ.

Chúng ta cần tập trung vào các công nghệ sạch, tiên tiến có khả năng ngăn chặn biến đổi khí hậu không nhất thiết là công nghệ giá rẻ. Bắt đầu phải là từ chủ trương của Quốc hội, không cho phép đầu tư công nghệ bẩn, những công nghệ rác của quốc tế.

Hội đồng thẩm định phải có trình độ, trách nhiệm và nguyên tắc khi thẩm định các dự án đầu tư vào công nghệ, doanh nghiệp. Tất cả những điều này phải công khai, minh bạch và đưa vào Luật.

Việc thực hiện chặt chẽ công tác giám sát là cực kỳ quan trọng. Nhà nước nên có cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thay đổi dần công nghệ, tiến tới công nghệ sạch. Thậm chí là Nhà nước cần trợ giá cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ sạch, khoa học tiên tiến… để đáp ứng được tiêu chí về bảo vệ môi trường.

Chúng ta mong muốn Chính phủ áp dụng kinh tế tuần hoàn để thực hiện được hiệu quả; Người dân phản đối những công nghệ cũ và lạc hậu gây ô nhiễm môi trường; Thiết thực giữa lời nói và hành động. Trong hoàn cảnh cụ thể, chúng ta cần thực hiện một cách khôn ngoan, tiết kiệm mà hiệu quả, để có thể thực hiện được cam kết tại Hội nghị COP26.

Xuân Hòa

Bạn đang đọc bài viết Phát triển nền kinh tế bền vững, chúng ta sẽ không bị để lại phía sau. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.