PGS.TS Lưu Đức Hải: Thế giới đánh giá cao và tin tưởng cam kết của Việt Nam tại COP26
PGS.TS Lưu Đức Hải nhấn mạnh: "Tôi cho rằng đây là bản cam kết mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn trước đây của Việt Nam. Cộng đồng thế giới đánh giá rất cao Việt Nam với bản cam kết cụ thể, mạnh mẽ và họ bày bỏ sự tin tưởng chúng ta sẽ làm được".
Phát biểu tại Tọa đàm "Việt Nam và những cam kết tại COP26 – Góc nhìn Kinh tế Môi trường" do Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực kinh tế môi trường đã diễn ra tại Hà Nội sáng 29/11, PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) cho rằng, bài phát biểu về của Thủ tướng tại COP26 rất ngắn gọn nhưng nội dung lại rất đầy đủ. Bài phát biểu này đưa ra nhiều vấn đề lớn của toàn cầu. Cụ thể:
-Ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, ngành, doanh nghiệp và mọi người dân.
-Tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa về giảm phát thải khí nhà kính trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia.
-Tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris.
-Đến cam kết này, chúng ta đã cụ thể hơn là cam kết phát thải về 0 vào năm 2050.
Điều đặc biệt, tại COP26, Thủ tướng dẫn lại lời của Bác Hồ để nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Nghĩa là tất cả loài người sống trên Trái Đất phải đoàn kết lại thì mới có thể thành công trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tôi cho rằng đây là bản cam kết mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn trước đây của Việt Nam. Cộng đồng thế giới đánh giá rất cao Việt Nam với bản cam kết cụ thể, mạnh mẽ như thế này và họ bày bỏ sự tin tưởng chúng ta sẽ làm được.
Ngoài ra, thế giới cũng đánh giá rất cao Việt Nam là nơi có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.
Giảm carbon bằng cách nào?
Cũng chia tại buổi tọa đàm, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa Môi trường (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, chúng ta phải bám sát COP 26. Thắng lợi hay không thì chúng ta chưa thể đánh giá được. Điều chúng ta cần chú ý ở đây là cam kết Net Zero, có nghĩa là không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển. Tuy nhiên, việc tính ra lượng khí thải như thế nào, có tính được lượng khí thải ra môi trường hay không.
Điều chúng ta tính được ở đây đó là rừng, đất rừng chúng ta có thể tính được trên mỗi nước, diện tích rừng là bao nhiêu từ đó tính ra mỗi nước có thể hấp thụ được lượng khí thải là bao nhiêu. Bên cạnh đó, chúng ta cần có nhóm nghiên cứu COP26 để có đánh giá tốt nhất.
Nước ta có thể thực hiện giảm lượng carbon bằng cách thực hiện nhiều dự án điện gió, điện mặt trời. Vì Việt Nam là một nước có tiềm năng về năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, theo Quy hoạch điện VIII, chúng ta vẫn phát triển điện than đến năm 2050. May hay không may đó là ngày cuối cùng đến năm 2050 không phải chấm dứt điện than mà là giảm điện than.
Nhóm PV