Thứ bảy, 05/04/2025 06:38 (GMT+7)
Thứ sáu, 04/04/2025 13:00 (GMT+7)

Ngành gỗ Việt Nam chịu ảnh hưởng ra sao trước tác động thuế quan của Mỹ?

Theo dõi KTMT trên

Ngành gỗ đang đối mặt với nhiều thách thức lớn sau khi Mỹ áp mức thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam. Đây là một cú sốc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, đặc biệt là những đơn vị có tỷ trọng doanh thu phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ.

Vào ngày 2/4/2025, Chính phủ Mỹ đã công bố mức thuế đối ứng mới đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó Việt Nam bị xếp vào nhóm quốc gia chịu thuế cao nhất, lên đến 46%. Chính sách này không chỉ ảnh hưởng đến hàng hóa nhập khẩu nói chung mà còn tác động mạnh mẽ đến các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, điện tử và đặc biệt là ngành gỗ.

Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thị trường Mỹ chiếm hơn 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của nước ta. Thống kê từ ngành gỗ Bình Dương – một trung tâm chế biến gỗ lớn – cho thấy khoảng 80% đơn hàng xuất khẩu gỗ từ đây được gửi sang Mỹ. Việc áp dụng mức thuế 46% có thể đẩy giá thành sản phẩm lên cao, ảnh hưởng trực tiếp tới năng lực cạnh tranh, làm giảm sản lượng và có khả năng dẫn đến việc cắt giảm nhân công.

Ngành gỗ Việt Nam chịu ảnh hưởng ra sao trước tác động thuế quan của Mỹ? - Ảnh 1
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dự kiến chịu tác động nặng nề nếu Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng 46%.

Trước đây, sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ được hưởng mức thuế 0%, tạo nên lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ ở nước ngoài. Tuy nhiên, với mức thuế mới, giá thành sản phẩm sẽ tăng đáng kể, khiến lợi thế cạnh tranh bị xói mòn so với các nước như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%) và Thái Lan (37%), vốn chỉ chịu mức thuế thấp hơn đáng kể. Điều này buộc các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ phải tìm cách giảm chi phí hoặc chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn để duy trì thị trường.

Báo cáo phân tích gần đây của Chứng khoán MBS cho rằng, nhờ lợi thế về giá thành rẻ – với 70% nguyên liệu được cung ứng trong nước – Việt Nam đã từng tiến vào top 3 quốc gia xuất khẩu gỗ sang Mỹ. Tuy nhiên, nếu bị áp thuế đối ứng lên tới 46%, giá bán sản phẩm gỗ sẽ tăng mạnh, mất đi lợi thế cạnh tranh và gần như ngang giá với hàng hóa từ Trung Quốc, đối thủ lớn nhất của Việt Nam trong khu vực.

Ngoài ra, các quốc gia khác như Canada – hiện chiếm 46,4% kim ngạch nhập khẩu gỗ của Mỹ – cũng như các nước trong khu vực như Indonesia (1,5%) và Malaysia (0,1%) sẽ có cơ hội gia tăng thị phần nhờ lợi thế về giá khi chỉ chịu mức thuế từ 10% đến 25%.

Ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Công ty TNHH Minh Phát 2, đơn vị có trên 90% sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Mỹ, cho rằng mức thuế 46% là quá cao và rất khó để đồ gỗ của Việt Nam cạnh tranh với hàng hóa từ các quốc gia khác tại thị trường Mỹ.

Ông dự báo rằng, doanh thu xuất khẩu của công ty có thể giảm từ 60-70% nếu Mỹ không điều chỉnh lại mức thuế nhập khẩu như hiện nay. "Chúng tôi hy vọng rằng Chính phủ sẽ đàm phán với phía Mỹ để thuế suất nhập khẩu đồ gỗ trở lại mức bình thường như trước đây," ông chia sẻ.

Trước những biến động hiện nay, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – khuyến nghị các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường để phòng tránh rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng thương mại ngày càng tự do hóa xen lẫn với xu hướng bảo hộ với sự gia tăng các rào cản kỹ thuật và thương mại từ các thị trường lớn.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực phòng vệ thương mại để ứng phó hiệu quả với các biến động ngoài ý muốn.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, Việt Nam cần tăng cường cơ chế trao đổi và quản lý giám sát với Cơ quan Lâm nghiệp Mỹ nhằm làm rõ các yêu cầu pháp lý mà Mỹ áp dụng đối với gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu, kèm theo đó là các hướng dẫn cụ thể.

Ông cho rằng, cần phổ biến thông tin về các yêu cầu pháp lý của Mỹ tới các hiệp hội và doanh nghiệp trong ngành gỗ, đồng thời yêu cầu các cơ quan có liên quan hướng dẫn thực hiện các thủ tục xác nhận khai thác và thương mại gỗ hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam cho chủ rừng và doanh nghiệp.

Với vai trò của một hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức cần tổ chức hội nghị, diễn đàn trao đổi giữa doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và các hiệp hội, doanh nghiệp gỗ tại Mỹ để cập nhật những yêu cầu của Chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ đối với gỗ, sản phẩm gỗ nhập khẩu. Đồng thời, việc xây dựng hệ thống thư viện số tích hợp các quy định, tiêu chuẩn, kiến thức và hướng dẫn đáp ứng các quy định của Mỹ đối với gỗ cũng cần được ưu tiên để hỗ trợ và chia sẻ thông tin kịp thời tới các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động vận dụng sự hỗ trợ từ Thương vụ Việt Nam tại Mỹ và các kênh truyền thông để theo dõi sát sao những thay đổi về chính sách, quy định của Mỹ; đồng thời, thu thập thông tin và bằng chứng chứng minh rằng gỗ được khai thác và giao dịch theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Ngành gỗ Việt Nam chịu ảnh hưởng ra sao trước tác động thuế quan của Mỹ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới