Thứ sáu, 22/11/2024 05:16 (GMT+7)
Thứ bảy, 10/10/2020 11:42 (GMT+7)

Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Xây dựng đô thị xanh – thông minh ngày càng trở nên cấp thiết, là xu hướng tất yếu của thế giới trong bối cảnh khí hậu đang ngày càng biến đổi khắc nghiệt.

Tại Việt Nam, khái niệm về đô thị xanh còn khá mới, nhiều người vẫn hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước, khá hơn thì có thêm việc sử dụng năng lượng bằng pin mặt trời cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái.

Những năm qua, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đằ Nẵng,... đã xuất hiện những khu đô thị mới được xây dựng với định hướng là đô thị sinh thái. Trong đó, chú trọng tăng diện tích công viên, cây xanh, mặt nước, tổ chức không gian công cộng tốt.

Thế nhưng, những khu đô thị được gọi là đô thị sinh thái hay đô thị xanh ở Việt Nam cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ có nhiều cây xanh, tổ chức không gian công cộng tốt. Điều đó đúng nhưng chưa đủ để đô thị có thể gọi là đô thị xanh.

Theo nghiên cứu của Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia, cần phải đổi mới tư duy quy hoạch đô thị từ tư duy chinh phục thiên nhiên sang xu thế thích ứng với thiên nhiên. Có thể giảm nhu cầu sử dụng năng lượng đô thị nhờ phát huy lợi thế sẵn có của điều kiện tự nhiên. Khung cấu trúc cảnh quan này sẽ là giới hạn cho việc phát triển các công trình xây dựng và là nền tảng để đề xuất giải pháp hạ tầng kỹ thuật xanh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc áp dụng các giải pháp hạ tầng như: Công viên, hồ điều hòa, làm sạch nước bằng quá trình sinh học, mở rộng không gian chứa nước… sẽ góp phần tạo ra nhiều không gian xanh cho đô thị.

Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Việt Nam vẫn chưa có khu đô thị xanh đúng nghĩa. (Ảnh minh họa: Internet)

Năm 1997, khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch kinh tế - xã hội của TP.HCM đến 2010, thành phố đã đặt mục tiêu làm sao khu vực nội thành cũ phải đạt diện tích mảng xanh 4m2/người và khu vực các quận mới đạt 30m2/người để đạt chuẩn đô thị xanh. Thế nhưng, đến nay mục tiêu này vẫn trở nên xa vời.

Tính đến cuối năm 2018, TP.HCM có 491,16 ha đất công viên, bao gồm các công viên công cộng và công viên trong khu nhà ở. Diện tích đất công viên chỉ đạt bình quân 0,49 m2/người, chưa bằng 1/15 theo tiêu chuẩn chung (TCVN) là từ 12 - 15 m2/người và chưa bằng 1/7 theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 24 ban hành ngày 6/1/2010).

Sở Xây dựng TP.HCM đánh giá, số lượng công viên cây xanh trên địa bàn không đủ đáp ứng với dân số trên 10 triệu người hiện nay. Thêm vào đó, các công viên đều được xây dựng và khai thác trong thời gian dài, hạ tầng xuống cấp. Công tác sửa chữa, nâng cấp vẫn mang tính tạm thời, chắp vá và thiếu định hướng chung. Các công viên cây xanh lại phân bố không đều, nơi tập trung dày, nơi thưa thớt.

Cụ thể, khu vực nội thành cũ có diện tích mảng xanh là 273 ha, đạt 0,67 m2/người. Khu vực các quận mới có 172 ha mảng xanh, đạt 0,72 m2/người trong khi khu vực ngoại thành chỉ có 46 ha, đạt 0,3 m2/người. Đáng nói là các quận, huyện ngoại thành như quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh chưa có một công viên công cộng nào, hầu hết chỉ dừng lại ở dự án trên giấy.

Còn tại Hà Nội, theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, ngay từ quan điểm phát triển, quy hoạch đã khẳng định Hà Nội sẽ là thành phố “xanh” bền vững về môi trường; đô thị sinh thái, gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - xã hội - con người; xây dựng thành phố cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển mới.

Đây là mục tiêu hàng đầu bên cạnh các mục tiêu “văn hiến - văn minh - hiện đại”. Không gian xanh của Hà Nội được quy hoạch chiếm tỉ trọng lớn trong tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố, gồm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, sông hồ ao, không gian mở ven mặt nước và các công viên trong đô thị…

Tuy nhiên, thực tế qua hơn một thập kỷ Hà Nội được mở rộng, những mục tiêu đó vẫn chưa đạt được. Tình trạng ngập úng vẫn xảy ra, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, diện tích của những không gian xanh chưa đi đôi với phát triển nhà cao tầng…

Thậm chí tốc độ đô thị hóa diễn ra chóng mặt, khi diện tích xây dựng bất động sản mỗi năm là 12 triệu mét vuông nhà ở - bằng với diện tích xây dựng nhà ở của 100 năm, từ 1900 đến năm 2000.

Bất động sản phát triển nhanh, đồng nghĩa với việc các không gian xanh của Hà Nội ngày càng bị thu hẹp, những vùng lúa, mặt nước của ao hồ… ngày càng bị thu hẹp. Hầu hết các hồ ao nhỏ đều đã bị san lấp để có đất xây dựng các cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp hoặc các khu nhà ở. Trong vòng 15 năm, từ 1993 - 2008, Hà Nội đã mất 21 hồ, diện tích hồ của thành phố vì thế giảm từ 850ha xuống còn 547ha.

Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Môi trường xanh của Hà Nội ngày càng bị mất cân bằng. (Ảnh: Internet)

Theo KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội, trong những năm qua, môi trường xanh của Hà Nội ngày càng bị mất cân bằng trầm trọng. Những vùng xanh tự nhiên của đất và nước đang dần bị những màu xám của bê tông, nhà cao tầng lấn át.

KTS Trần Huy Ánh cũng cho rằng, Hà Nội là một thành phố hội tụ đầy đủ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển đô thị xanh bền vững. Do lợi thế tự nhiên, với hệ thống sông hồ dày đặc, những vùng nông nghiệp hoàn chỉnh về thổ nhưỡng và thủy hệ, có khả năng tự cung tự cấp, tạo vòng tuần hoàn khép kín về tiêu dùng và tái tạo năng lượng và dưỡng chất từ rác thải, nước thải đô thị.

“Làm quy hoạch tốt là phải cân bằng đất và nước, có như vậy mới bảo đảm môi trường sinh thái phát triển để có được đô thị xanh, kinh tế xanh. Do đó, bài toán quy hoạch phải được tích hợp đa ngành, đặt ra mục tiêu con người làm trọng tâm, cam kết của nhà quản lý là quan trọng, lợi ích của cộng đồng phải được tôn trọng.

Quỹ đất đô thị phải được quy hoạch sử dụng hợp lý, phát triển bất động sản phải song hành với phát triển nông nghiệp sinh thái, nhằm tuần hoàn rác thải và nước thải đô thị. Bản chất của phát triển đô thị xanh và bền vững là phải cân bằng được môi sinh, cân bằng về lợi ích, cân bằng giữa tự nhiên và phúc lợi xã hội” - KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.