Trái đất mong manh trước tác động của biến đổi khí hậu
Trái đất đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng chưa từng thấy sau những sự kiện sông băng tan, cháy rừng Amazon và gần đây nhất là những vụ cháy rừng ở California (Mỹ).
Cháy rừng tại California (Mỹ). |
Những kỷ lục nhiệt độ mới được thiết lập
Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra sự cực đoan của thời tiết. Đó là điều không mới mẻ gì. Tuy nhiên, trên thực tế nó đã diễn ra rất khốc liệt và khó kiểm soát.
Mùa hè năm 2020, thế giới tiếp tục chứng kiến những kỷ lục nhiệt độ mới. Tại Bắc Cực, một trong những nơi lạnh nhất trái đất, đã trải qua đợt nắng nóng nhất chưa từng có trong lịch sử.
Theo đó, thị trấn nhỏ bé Verkhoyansk, vùng Siberia, Nga chạm ngưỡng gần 38 độ C vào mùa hè vừa qua. Đây là nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở Siberia và cũng là nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở phía Bắc của vòng Bắc Cực.
Bắc Cực đang nóng lên gấp hơn 2 lần tốc độ trung bình của toàn cầu. Trong 40 năm qua, khối lượng băng đã giảm 50%.
Trong 40 năm qua, khối lượng băng tại Bắc Cực đã giảm 50%. (Ảnh minh họa: Internet) |
Đài CNBC ngày 12/9 vừa qua cho biết mùa hè năm nay, nước Mỹ đã trải qua cái nóng ngột ngạt, với nhiệt độ cao xác lập nhiều kỷ lục mọi thời đại.
Trong suốt đợt sóng nhiệt (giai đoạn thời tiết nóng một cách quá mức) lịch sử ở miền Tây nước Mỹ, nhiệt độ ở Death Valley (thung lũng chết), bang California đã chạm tới khoảng 55 độ C. Đây là mức kỷ lục tại đây và cũng có khả năng là mức cao nhất từng được ghi nhận trên Trái đất.
Theo Cục Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) của Mỹ, nhiệt độ về đêm vào mùa hè hiện nay đang tăng lên với tốc độ còn nhanh hơn so với nhiệt độ ban ngày. Nhiệt độ ban ngày và nhiệt độ ban đêm đều cao như vậy sẽ không giúp cái nóng có cơ hội dịu đi.
"Những đêm tối nóng cũng có nghĩa ít có cơ hội để mát đi, khiến người ta phải chịu nhiệt độ cao nhiều hơn, đặc biệt với những người và những địa điểm dễ chịu thương tổn" - giáo sư về y tế toàn cầu Kristie Ebi tại Đại học Washington bình luận.
"Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng đáng kể cường độ của cái nóng cực đoan và hậu quả đối với sức khỏe con người đã được ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới. Nếu cơ thể con người không thể mát đi vào ban đêm, thì tác động của một giai đoạn nóng đối với sức khỏe có thể đặc biệt nghiêm trọng" - phó giáo sư Ben Zaitchik tại Đại học Johns Hopkins bình luận.
Những hậu quả khó lường
Theo các nhà khoa học trái đất bắt đầu nóng lên kể từ năm 1950 do hiệu ứng nhà kính. Nếu sự phát thải không được kiểm soát, giới khoa học tin rằng nhiệt độ trái đất có thể tăng quá 4,5 độ C. Mức nhiệt này sẽ làm biến đổi hành tinh của chúng ta và suy yếu khả năng hỗ trợ của trái đất cho một lượng dân số khổng lồ.
Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết, trong giai đoạn 1880 – 2013, chỉ trong vòng 13 năm kể từ năm 2000, trái đất đã xuất hiện 9 năm có mức nhiệt độ trung bình cao kỷ lục.
Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng học thế giới (WMO) thuộc Liên hợp quốc Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas, 17 trong 18 năm nóng nhất, được ghi nhận kể từ thế kỉ 19 đến nay, đều diễn ra sau năm 2000, đang cho thấy khí gây hiệu ứng nhà kính đang làm tăng nhiệt độ nền của trái đất.
Theo giới chuyên gia, nếu tốc độ ấm lên hiện nay được duy trì, nhiệt độ trái đất có thể vượt qua mức tăng 2 độ C so với thời kì tiền công nghiệp vào năm 2060 hoặc 2070.
Nếu lượng khí thải tiếp tục tăng và không được kiểm soát, các rủi ro sẽ càng nghiêm trọng. (Ảnh: Internet) |
Các rủi ro do biến đổi khí hậu không chỉ kéo dài trong vài thập kỷ tới mà còn nhiều năm nữa. Như vậy, thế hệ tương lai sẽ hứng chịu hậu quả nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. Trong vòng 25 tới 30 năm tới, các nhà khoa học nói khí hậu vẫn duy trì như hiện nay, dù trái đất dần nóng lên.
Lượng mưa sẽ lớn hơn ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng trong các giai đoạn chuyển tiếp, khí hậu sẽ nóng và khô hơn. Số lượng các cơn bão và siêu bão có thể giảm, nhưng chúng sẽ hút năng lượng từ bề mặt đại dương – nơi có nền nhiệt nóng hơn. Do đó, cường độ các cơn bão sẽ mạnh hơn so với quá khứ. Lũ lụt ở các vùng ven biển sẽ diễn ra thường xuyên hơn và gây thiệt hại.
Về lâu dài, nếu lượng khí thải tiếp tục tăng và không được kiểm soát, các rủi ro sẽ càng nghiêm trọng. Giới khoa học lo ngại, tác động từ khí hậu sẽ trở thành nhân tố gây bất ổn ở các nước, tạo ra làn sóng người tị nạn hay cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6 của thực vật và động vật, làm tan băng ở hai cực khiến mực nước biển tăng cao đủ để khiến các thành phố ven biển chìm trong nước.
Nếu sự phát thải vẫn không được kiểm soát, nhiệt độ bề mặt trái đất có thể sớm giống như kỷ nguyên Pliocen, khi băng tan và mực nước ở đại dương sẽ tăng cao hơn so với mức hiện nay khoảng 24 m.
Nhiệt độ sẽ ngày càng tăng lên trong các thập kỷ tới, sự gia tăng nhanh chóng của dân số toàn cầu cũng kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng ngày một tăng. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển trong việc xây dựng các nhà máy - nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.
Nhật Hạ