Indonesia dự đoán nguy cơ xảy ra thảm họa sóng thần cao 20m ở đảo Java
Một báo cáo của Viện Công nghệ Bandung Indonesia đã chỉ ra nguy cơ xảy ra sóng thần cao tới 20m tại phía Nam đảo Java.
Cơ quan Khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia kêu gọi người dân bình tĩnh, sẵn sàng đối phó nếu xảy ra thảm họa. Theo dữ liệu phân tích của các nhà khoa học Viện Công nghệ Bandung Indonesia, một cơn sóng thần cao 20m có thể sẽ ập đến các bờ biển tại miền Nam đảo Java, hòn đảo có số dân đông nhất của Indonesia, khi hai phân đoạn của trái đất tại đây di chuyển cùng một lúc tạo ra một trận siêu động đất có cường độ lên tới gần 9 độ. Đây là dự đoán tình huống xấu nhất có thể xảy ra và các nhà khoa học không đề cập đến thời gian xảy ra thảm họa này.
Mây sóng thần xuất hiện tại Aceh, Indonesia tháng 8/2019. Nguồn: BMKG |
Phát biểu tại buổi họp báo ngày hôm qua (26/9), ông Daryono, Trưởng Bộ phận Giảm nhẹ Động đất và Sóng thần của Cơ quan Khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia không phủ nhận dự đoán trên của các nhà khoa học, song ông kêu gọi người dân bình tĩnh, không hoảng sợ, sẵn sàng đối phó trong tình huống xảy ra thảm họa.
Năm 2008, Cơ quan Khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia đã vận hành Hệ thống giám sát và cảnh báo sớm sóng thần để dự đoán tác động của trận siêu động đất từng xảy ra ở Aceh. Vào thời điểm đó, sóng thần đã đến bãi biển gần nhất 20 phút sau trận động đất. Ông Daryono cho biết, Hệ thống giám sát và cảnh báo sớm sóng thần được vận hành bằng cách sử dụng Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI) để nhanh chóng tính toán các thông số động đất, cường độ và vị trí tâm động đất, sau đó sử dụng mô hình toán học để tính toán các cơn sóng thần tiềm ẩn.
Bằng cách này, thông tin về các sự kiện động đất và cảnh báo sớm sóng thần có thể được phổ biến tự động thông qua các Cơ quan quản lý thảm họa trung ương và địa phuơng, trên các kênh truyền hình, các nền tảng số và mạng xã hội cũng như các ứng dụng thông tin khác. Trong vòng 3-5 phút sau động đất, người dân sẽ nhận được cảnh báo và sẽ có 15 phút để sơ tán trước khi sóng thần xuất hiện.
Động đất và sóng thần tàn phá thành phố Palu, Indonesia năm 2018. Nguồn: WFP |
Tuy nhiên, ông Daryono nhấn mạnh rằng, sự tồn tại của Hệ thống giám sát và cảnh báo sớm chưa đủ để thực sự bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ sóng thần. Cộng đồng và chính quyền địa phương cần luôn sẵn sàng ứng phó với thảm họa một cách nhanh chóng và chính xác, ngay cả trong việc chuẩn bị các phương tiện và cơ sở hạ tầng sơ tán.
Indonesia nằm trong khu vực “vành đai lửa” Thái Bình Dương, nơi thường xuyên diễn ra hoạt động địa chất và núi lửa mạnh. Tháng 9/2018, trận động đất mạnh 7,5 độ đã gây sóng thần tàn phá thành phố Palu trên đảo Sulawesi, khiến hơn 4.300 người chết và gần 60.000 người phải sống trong các khu nhà tạm. Hậu quả vẫn kéo dài cho tới ngày nay. Cách đây 16 năm, một trận động đất ngoài khơi đảo Sumatera cũng gây ra sóng thần trên khắp Ấn Độ Dương làm 226.000 người tại 14 quốc gia thiệt mạng, trong đó có hơn 120.000 người dân Indonesia.
Hương Trà