Thứ hai, 06/05/2024 19:49 (GMT+7)
Thứ năm, 16/12/2021 16:00 (GMT+7)

Ông chủ Việt Xuân Mới, nhà máy xử lý chất thải phát nổ khiến 1 người chết ở Thái Nguyên là ai?

Theo dõi KTMT trên

Công ty Cổ phần Môi trường Việt Xuân Mới được thành lập vào tháng 10/2013, vốn ban đầu 10 tỉ đồng, đóng trụ sở tại xóm Hồng Thanh, xã Đồng Tiến, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Ngành nghề kinh doanh chính là xử lý và tiêu hủy rác thải độc hại.

Công an tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc điều tra 

Thông tin với báo chí, ông Trần Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND TX.Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) cho biết, Công an tỉnh Thái Nguyên đã vào cuộc điều tra, xác minh nguyên nhân dẫn đến vụ nổ ở nhà máy rác khiến 1 công nhân thiệt mạng và 1 người khác bị thương nặng.

Trước đó, lúc 14 giờ 25 phút ngày 13/12, vụ nổ lớn đã xảy ra tại Công ty Cổ phần môi trường Việt Xuân Mới (địa chỉ tại xóm 2, xã Minh Đức, T.X Phổ Yên) khiến 2 người thương vong.

Ông chủ Việt Xuân Mới, nhà máy xử lý chất thải phát nổ khiến 1 người chết ở Thái Nguyên là ai? - Ảnh 1
Vụ nổ nghiêm trọng gây tan hoang một khu vực lớn của nhà máy.

Theo ông Trần Xuân Trường, vụ việc này thuộc thẩm quyền điều tra của Công an tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra, UBND TX.Phổ Yên đã thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra nhà máy xử lý chất thải về các nội dung: Quy chế phòng cháy chữa cháy, tuân thủ bảo vệ môi trường, an toàn lao động, an toàn trong sản xuất.

Cũng theo thông tin từ cơ quan chức năng, vụ nổ gây ra cháy lớn trong khoảng 1 giờ đồng hồ thì được dập tắt; 2 người thương vong đều là công nhân làm việc tại nhà máy, cùng trú tại xã Minh Đức (TX.Phổ Yên). Trong đó, anh Ngô Hoàng Anh (33 tuổi) đã tử vong và anh Nguyễn Ngọc Định bị thương nặng đang được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Trước khi vụ việc nổ hơi xảy ra, cơ sở này cũng đã từng bị báo đài đề cập không đảm bảo điều kiện để xử lý chất thải nguy hại như giấy phép được cấp.

Ông chủ Công ty Cổ phần Môi trường Việt Xuân Mới là ai?

Được biết, Công ty Cổ phần Môi trường Việt Xuân Mới (tiền thân là Công ty Cổ phần Môi trường Xanh Đô thị Phổ Yên) được thành lập vào tháng 10/2013, vốn ban đầu 10 tỉ đồng, đóng trụ sở tại xóm Hồng Thanh, xã Đồng Tiến, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Ngành nghề kinh doanh chính là xử lý và tiêu hủy rác thải độc hại.

Cập nhật đến năm 2016, doanh nghiệp này là công ty con do Công ty Cổ phần Việt Xuân Mới sở hữu 68%. Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Văn Đại (SN 1986, thường trú Bắc Ninh). Hiện nay, Môi trường Việt Xuân Mới có vốn điều lệ 290 tỉ đồng, người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng Giám đốc được đổi sang ông Nguyễn Văn Tài (SN 1984), cũng thường trú tại Yên Phong, Bắc Ninh.

Ông chủ Việt Xuân Mới, nhà máy xử lý chất thải phát nổ khiến 1 người chết ở Thái Nguyên là ai? - Ảnh 2
Công ty Cổ phần Môi trường Việt Xuân Mới.

Chỉ trong 7 năm hoạt động, Môi trường Việt Xuân Mới đã ghi nhận tốc độ phát triển rất nhanh. Quy mô vốn điều lệ tăng từ 10 tỉ đồng khi thành lập, lên 50 tỉ đồng cuối năm 2015, lên 200 tỉ đồng tháng 7/2016 và 290 tỉ đồng vào đầu năm 2020.

Theo giới thiệu, Môi trường Việt Xuân Mới là doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý, tái chế chất thải với 18 hệ thống, quy mô 20ha và vốn đầu tư lên đến 300 tỉ đồng. Đơn vị này tự giới thiệu là đối tác của các tên tuổi lớn như Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, Công ty TNHH Canon Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel...

Về phía cổ đông chi phối - Công ty Cổ phần Việt Xuân Mới, đơn vị này được thành lập ngày 12/5/2014 với 5 cổ đông sáng lập gồm: Hồ Anh Tuấn, Ngô Thị Hoa, Nguyễn Thị Thanh Hiếu, Trình Trung Thành và Công ty TNHH Mùa Xuân Mới. Đến tháng 6/2017, công ty ghi nhận chỉ còn duy nhất 1 cổ đông sáng lập là bà Ngô Thị Hoa (27,94%).

Đáng chú ý, giai đoạn 2018-2020 ghi nhận công ty giảm vốn điều lệ từ 310 tỉ đồng (tháng 4/2018) xuống còn 110 tỉ đồng (tháng 10/2020).

Đến tháng 8/2021, công ty có tên mới là Công ty Cổ phần Thái Minh Group. Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật cũng được đổi sang ông Trần Tuấn Linh (SN 1986).

Những thương vụ đình đám của Việt Xuân Mới

Ngoài thế mạnh nạo vét, hút cát Sông Hồng, Việt Xuân Mới còn được cho là có nhiều mối liên hệ với nhóm Khoáng sản Hợp Thành hay doanh nhân Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc").

Cụ thể, Liên danh Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Yên Khánh - Công ty Cổ phần Việt Xuân Mới và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây lắp Dầu khí IMICO giai đoạn 2015-2016 từng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải thực hiện dự án đầu tư hoàn chỉnh quốc lộ 3 mới, đoạn Hà Nội - Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc theo hình thức hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư gần 3.200 tỉ đồng. Trong đó, Yên Khánh là công ty của cháu Út "trọc", còn Dầu khí IMICO thành viên cùng nhóm Khoáng sản Hợp Thành.

Hợp Thành lại là cổ đông sáng lập sở hữu 24,27% Công ty Cổ phần Cảng Vinalines Đình Vũ - chủ đầu tư cảng biển cùng tên mà Vinalines từng muốn bán chỉ định 51% cổ phần cho Việt Xuân Mới vào năm 2016, tuy nhiên thương vụ sau đó không thành.

Năm 2015, liên danh Việt Xuân Mới - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Bình (cùng nhóm Yên Khánh) đã đề xuất Bộ GTVT đầu tư dự án Xây dựng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh theo hình thức BOT, tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỉ đồng.

Cũng trong năm 2015, Việt Xuân Mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chọn làm đối tác chiến lược và bán chỉ định 25,24 triệu cổ phần, tương đương 40% vốn Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico). Tuy nhiên chỉ thời gian ngắn sau đó, Việt Xuân Mới đã hoàn tất "sang tay" lô cổ phần trên. Chủ mới của Vilico sau đó là nhóm GTNFoods.

Ngoài các thương vụ thâu tóm tài sản Nhà nước đình đám, Việt Xuân Mới còn từng là công ty mẹ, góp 67% vốn vào Công ty Cổ phần Việt Xuân Mới Miền Nam (đã thoái vốn vào tháng 1/2018) – công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp vật tư thiết bị cho các dự án dầu khí, hoá chất cho các nhà máy điện, lọc hoá dầu và vận chuyển LPG. Năm 2016, nhóm này còn thành lập Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Việt Xuân Mới, tuy nhiên đã giải thể vào cuối năm 2018, với lý do hoạt động không hiệu quả, Đại hội đồng cổ đông không thống nhất được phương án tiếp tục hoạt động kinh doanh.

Điều kiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại

Điều 31. Điều kiện cấp phép xử lý chất thải nguy hại 

Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp giấy phép xử lý CTNH phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu và các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý liên quan đến điều kiện cấp phép xử lý CTNH gồm: 

1. Các phương tiện, thiết bị lưu giữ, vận chuyển và xử lý CTNH (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH) phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này. 

2. Phương tiện vận chuyển CTNH phải có hệ thống định vị vệ tinh (GPS) được kết nối mạng thông tin trực tuyến để xác định vị trí và ghi lại hành trình vận chuyển CTNH. 

3. Một phương tiện, thiết bị chỉ được đăng ký cho một giấy phép xử lý CTNH, trừ các phương tiện vận chuyển đường biển, đường sắt, đường hàng không. 

4. Công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý CTNH và trạm trung chuyển CTNH (nếu có) phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này. 

5. Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp phép xử lý CTNH phải lập các bảng hướng dẫn dạng rút gọn hoặc dạng sơ đồ về quy trình vận hành an toàn quy định tại khoản 6, 7 và 8 Điều 9 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu với kích thước phù hợp và lắp đặt tại vị trí thuận tiện để quan sát trên phương tiện vận chuyển, trong cơ sở xử lý và trạm trung chuyển CTNH (nếu có)

(Nghị định 136/2018/NĐ-CP)

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Ông chủ Việt Xuân Mới, nhà máy xử lý chất thải phát nổ khiến 1 người chết ở Thái Nguyên là ai?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ngành hàng không nói gì khi bị nghi lãi lớn do tăng giá vé máy bay?
Các hãng hàng không mới đây đã đồng loạt báo lãi lớn, nhiều người nghi vấn rằng nguồn lãi đến từ việc tăng giá vé máy bay nội địa. Tuy nhiên, lãnh đạo một hãng hàng không cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến báo lãi là do đã đẩy mạnh khai thác quốc tế.

Tin mới

Kiến nghị "lệnh cấm" tiền mặt khi mua bán vàng
Để siết quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, Tổng cục Thuế đã có kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng.