Chủ nhật, 19/05/2024 13:06 (GMT+7)
Thứ hai, 06/05/2024 16:01 (GMT+7)

Hướng dẫn nông dân Việt Nam bán 10 USD/ tín chỉ carbon từ trồng lúa, tăng thêm doanh thu

Theo dõi KTMT trên

Để thu lời từ việc bán tín chỉ carbon lúa, người nông dân phải canh tác theo quy trình nghiêm ngặt đảm bảo giảm phát thải và phát triển bền vững.

Theo đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", lãnh đạo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết, người nông dân có thể vừa tăng hiệu quả doanh thu từ bán lúa, vừa có thể thu thêm được tiền từ bán tín chỉ carbon. Như đã biết, Việt Nam vốn là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới với 7,1 triệu ha lúa. Hiện nay, nông dân ĐBSCL cũng như nhiều địa phương trên cả nước cũng muốn trồng lúa để bán được tín chỉ carbon. Tuy nhiên, để bán được tín chỉ carbon lúa, người nông dân phải tuân thủ theo quy trình canh tác bền vững để thu về được sản phẩm "lúa giảm phát thải" theo tiêu chuẩn của Cục Trồng trọt.

Hướng dẫn nông dân Việt Nam bán 10 USD/ tín chỉ carbon từ trồng lúa, tăng thêm doanh thu - Ảnh 1
Nông dân ĐBSCL có thể kiếm thêm thu nhập từ bán tín chỉ carbon.

Hiện nay, Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) cam kết mua 10 USD/ tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn carbon. Điều đó cũng có nghĩa, người nông dân Việt Nam sẽ thu được khoảng 100 triệu USD mỗi năm từ việc bán tín chỉ carbon khi trồng 1 triệu ha lúa. Để đảm bảo yêu cầu bán tín chỉ carbon lúa, ĐBSCL đã triển khai dự án Chuyển đổi Nông nghiệp Bền vững Việt Nam  (Vietnam Sustainable Agriculture Transformation - VnSAT). Nông dân tham gia dự án VnSAT đều được cán bộ kỹ thuật tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến hiện nay mang tính chất bền vững.

Ông Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn, Bộ NN-PTNT cho biết, quy trình canh tác phải đảm bảo các tiêu chí "1 phải, 5 giảm": phải sử dụng giống lúa xác nhận, giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch. Nông dân và doanh nghiệp phải giảm giống và vật tư nông nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vi sinh và hữu cơ. Bắt buộc tưới ngập khô xen kẽ và thu rơm rạ ra khỏi đồng ruộng, vì đây là 2 giai đoạn góp phần giảm lượng phát thải lớn nhất và có thể tạo ra nhiều tín chỉ carbon nhất.

Ngoài ra, nông dân và doanh nghiệp cần phải cải tiến quy trình sản xuất và lắp đặt hệ thóng thẩm định giảm phát thải MRV. Khi giảm sạ lúa từ 120 - 150kg giống/ha xuống còn 80kg giống/ha, mực thủy cấp âm đạt 15 - 19cm mới tiếp tục bơm nước. Biện pháp quản lý nước này sẽ giảm từ 2 - 3 lần bơm nước mỗi vụ và làm mặt ruộng khô nứt giảm sản sinh khí metan (CH4). Với quy trình quản lý rơm rạ, không được đốt đồng, thay vào đó lấy rơm để trồng nấm, ủ phân compost, dùng vi sinh phân hủy... 

Sau cùng, nông dân và doanh nghiệp cần thuê công ty thẩm định và chứng nhận quy trình, số lượng phát thải nhà kính đã giảm, cấp chứng nhận tín chỉ carbon. Sau khi hoàn tất các công đoạn kể trên, nông dân và doanh nghiệp tham gia chính thức bán được tín chỉ carbon và thu tiền về.

Một số lưu ý để bán được tín chỉ carbon dành cho nông dân và doanh nghiệp đó là dự án phải được duyệt, người tham gia dự án phải thực hiện nghiêm túc các cam kết và phải có nhật ký giảm phát thải. Nếu nông dân và doanh nghiệp không thực hiện đúng quy trình, lượng giảm phát thải carbon sẽ không đạt như cam kết, tín chỉ carbon thu được không nhiều, từ đó dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao.

Được biết, Bộ NN-PTNT đang phối hợp triển khai 5 mô hình điểm tại ĐBSCL với ít nhất 250 ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp trong 3 vụ hè thu, thu đông 2024 và đông xuân 2025 - 2026.

Ngân hàng Thế giới và Bộ NN-PTNT dự tính, trong năm 2024 có thể cấp chứng chỉ carbon đầu tiên cho nông dân và doanh nghiệp tham gia dự án VnSAT và dòng tiền từ mua bán tín chỉ carbon sẽ đến với nông dân ĐBSCL cũng trong năm nay. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, đến tháng 8/2024, Việt Nam sẽ có sản phẩm lúa giảm phát thải và Cục trồng trọt sẽ công bố những tiêu chuẩn cơ sở ban đầu.

Tín chỉ carbon được biết đến với tên gọi dễ hiểu hơn là định mức carbon. Nó là lượng phát thải cho phép và hoạt động như một giấy phép. 1 tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn carbon.

Khi tổ chức, doanh nghiệp sở hữu 1 tín chỉ carbon cũng đồng nghĩa với việc họ được phép phát thải 1 tấn carbon. Nhiệm vụ của đội ngũ quản lý là luôn phải giữ cho lượng khí phải không vượt quá giới hạn cho phép. Nếu không hạn chế được lượng khí phát thải ở mức cho phép, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải cân đối bằng cách mua lại tín chỉ carbon còn thiếu từ các tổ chức, doanh nghiệp đang thừa.

Gia Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Hướng dẫn nông dân Việt Nam bán 10 USD/ tín chỉ carbon từ trồng lúa, tăng thêm doanh thu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Tour nước ngoài hút khách mùa hè
Giá vé máy bay nội địa cao là một trong những nguyên nhân khiến du khách “không mặn mà” với du lịch trong nước, chuyển sang lựa chọn đi du lịch nước ngoài trong mùa hè năm nay.