Thứ năm, 12/12/2024 07:57 (GMT+7)
Thứ hai, 06/05/2024 16:41 (GMT+7)

Nhiều địa phương chủ động ứng phó nắng nóng, hạn hán và phòng cháy chữa cháy rừng

Theo dõi KTMT trên

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, gây hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt, nhiều địa phương đã chủ động lên kế hoạch ứng phó.

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong những ngày tới, nắng nóng sẽ tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương. Các tháng mùa hè, nắng nóng sẽ làm tăng nguy cơ gây cháy rừng. 

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, hiện tượng El Nino đang suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính. Từ tháng 7-9 có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Cùng với sự biến chuyển của hiện tượng ENSO, thiên tai năm nay sẽ có rất nhiều điều bất thường. Mùa hè ở Bắc bộ, Trung bộ nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình, khả năng sẽ xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối.

Tại miền Bắc, từ nay đến hết tháng 5 có khả năng xuất hiện hai đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng; đợt 1 từ ngày 12-19/5 và đợt 2 từ ngày 27-31/5. Nhiệt độ cao nhất từ 35-38 độ ở Đông Bắc bộ; 36-39 độ, có nơi trên 40 độ ở các tỉnh Tây Bắc bộ. Tình trạng nắng nóng ở Bắc bộ còn tiếp diễn đến tháng 7.

Trước tình hình diễn biến thời tiết nắng nóng, ít mưa, các địa phương trên cả nước đã chủ động đưa ra các biện pháp ứng phó.

Tại Nghệ An, ngày 3/5/2024, UBND tỉnh đã  ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị liên quan; UBND các huyện thành, thị xã tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Nhiều địa phương chủ động ứng phó nắng nóng, hạn hán và phòng cháy chữa cháy rừng - Ảnh 1
Hạn hán, nắng nóng khiến việc sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Internet.

Để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; kịp thời ứng phó với ảnh hưởng thời tiết cực đoan và giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT chủ động, kịp thời tổ chức theo dõi, dự báo chuyên ngành về nguồn nước, xâm nhập mặn, cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân vùng ảnh hưởng. Cùng với đó, chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả, giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

Chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đối với công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn đang xây dựng để sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả. Cùng với đó, chủ trì phối hợp với Sở TN&MT, Sở Công thương, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung bộ, các Công ty TNHH thủy lợi, thủy điện và UBND các huyện, thành phố, thị xã có liên quan chỉ đạo các đơn vị vận hành có hiệu quả hệ thống, công trình thủy lợi và tham mưu UBND tỉnh phương án vận hành điều tiết nước đảm bảo phù hợp với thực tế, tiết kiệm, hiệu quả và tuân thủ các quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành, thị xã tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của Sở NN&PTNT và các Sở, ngành có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; chủ trì, phối hợp với các Công ty TNHH Thủy lợi trên địa bàn xây dựng phương án, thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đối với các công trình thủy lợi do địa phương quản lý, khai thác.

UBND cấp huyện chỉ đạo các địa phương cấp xã tổ chức ra quân, huy động Nhân dân thực hiện công tác nạo vét kênh mương, bể hút của các trạm bơm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến, thu giữ nguồn nước hồi quy, đắp bờ giữ nước, tận dụng mọi nguồn nước để phục vụ sản xuất. Rà soát, đánh giá khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi, nhất là dọc các tuyến sông xảy ra tình trạng hạ thấp mực nước và gia tăng xâm nhập mặn để chủ động triển khai các giải pháp thích ứng phù hợp.

Quảng Nam là địa phương có tổng diện tích rừng đứng thứ 2 cả nước với 681.156 ha (rừng tự nhiên là 462.321 ha, rừng trồng là 218.835 ha). Trước diễn biễn thời tiết nắng nóng gay gắt ở miền Trung, khô hanh, nhiệt độ có xu hướng tăng cao, gia tăng nguy cơ về cháy rừng, tỉnh Quảng Nam đã tích cực lên phương án phòng cháy chữa cháy rừng như tuyên truyền, vận động người dân, tăng cường lực lượng ứng trực để bảo đảm không diễn ra tình trạng cháy rừng mùa nắng nóng.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó và ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ cháy rừng, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành công văn yêu cầu các sở ngành, các huyện, thị xã, thành phố và các chủ rừng thực hiện nghiêm ông điện của Thủ tướng Chính phủ về chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng. Các địa phương có rừng tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng; có phương án chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, hậu cần để ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy rừng trên địa bàn.

Nhiều địa phương chủ động ứng phó nắng nóng, hạn hán và phòng cháy chữa cháy rừng - Ảnh 2
Quảng Nam chủ động, ứng phó, phòng cháy rừng mùa nắng nóng. Ảnh: Báo Quảng Nam.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum, trong thời gian tới, thời tiết nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Trước diễn biến thời tiết bất thường, ngày 3/5/2024, UBND tỉnh Kon Tum đã ký ban hành Công điện số 01/CĐ-CTUBND về việc chủ động ứng phó trước tình trạng hạn hán, thiếu nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Để phòng, chống hạn hán, thiếu nước hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai các giải pháp cấp bách theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh.

Xây dựng kế hoạch bảo đảm cấp nước sinh hoạt trong dài hạn; tổ chức theo dõi trữ lượng và chất lượng nguồn nước cấp cho sinh hoạt, có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt; thực hiện công tác khắc phục hạn, hán, thiếu nước, theo phương châm 4 tại chỗ.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, phòng ban chức năng thường xuyên kiểm tra các công trình nước tự chảy, giếng nước sinh hoạt trên địa bàn để có giải pháp chống hạn cho từng khu vực công trình. Vận động nhân dân trong vùng hưởng lợi từ các công trình nước tự chảy nạo vét đầu mối, súc rửa bể lắng lọc, sửa chữa tuyến đường ống và các bể chứa để chống rò rỉ, nước chảy tràn gây thất thoát nước; dùng nước tiết kiệm, chuẩn bị các vật dụng đựng nước để dự trữ nước sinh hoạt khi hạn hán xảy ra.

Nhiều địa phương chủ động ứng phó nắng nóng, hạn hán và phòng cháy chữa cháy rừng - Ảnh 3
Hồ C3, huyện Đăk Hà, Kon Tum cạn nước trong mùa khô. Ảnh: Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Kon Tum.

Tại Lai Châu, ngày 9/4 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1189/UBND-KTN về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh. Do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay lượng mưa ở Lai Châu rất ít, nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, hạn hán.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Lai Châu giao UBND các cấp trên địa bàn theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, quan tâm đến việc cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhất là các bản vùng cao, vùng khó khăn, di dân, tái định cư... Cùng với đó, kiểm tra, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án phòng, chống nắng nóng, hạn hán, có giải pháp phù hợp với thực tế tại địa phương. Tổ chức tuyên truyền,hướng dẫn người dân chủ động tích trữ, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí nguồn nước.

Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; Thường xuyên cập nhật về tình hình nguồn nước, hạn hán và các hoạt động ứng phó, tổng hợp thiệt hại, đề xuất giải pháp chống hạn trên địa bàn gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp. 

Nhiều địa phương chủ động ứng phó nắng nóng, hạn hán và phòng cháy chữa cháy rừng - Ảnh 4
Người dân ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu nạo vét kênh mương. Ảnh: TTXVN.

Ngày 4/5,  UBND tỉnh Nam Định ban hành Văn bản số 431/UBND-VP3 yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong tỉnh tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đến người dân, tổ chức liên quan để chủ động thực hiện giải pháp ứng phó; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng tiết kiệm điện, nước và tạo ra sức mạnh của toàn dân trong phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; phổ biến, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp trữ nước, xử lý nước trong trường hợp thiếu nước sạch và bảo vệ sức khỏe trong những ngày nắng nóng gay gắt kéo dài.

UBND các huyện, thành phố tuân thủ chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan cấp trên để tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải chỉ đạo ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu khác. Chỉ đạo các xã, hợp tác xã tăng cường nạo vét, khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương nội đồng; chủ động lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng các trạm bơm dã chiến để sẵn sàng phục vụ công tác chống hạn, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất. Xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Nhiều địa phương chủ động ứng phó nắng nóng, hạn hán và phòng cháy chữa cháy rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới