Chủ nhật, 24/11/2024 14:39 (GMT+7)
Thứ tư, 18/05/2022 17:55 (GMT+7)

Ô tô điện sẽ sẽ 'soán ngôi' xe chạy xăng dầu truyền thống tại TP.HCM?

Theo dõi KTMT trên

Phát triển giao thông điện tại TP.HCM sẽ là bước khởi đầu quan trọng cho sự chuyển đổi về phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính để môi trường thành phố ngày càng trong sạch hơn.

Phát triển xe điện là xu thế tất yếu

Theo nhận định của GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ô tô điện với đặc tính thân thiện môi trường đang là xu hướng tất yếu của ngành công nghiệp ô tô thế giới và Việt Nam cũng không đứng ngoài “cuộc chơi” này.

Thực tế, các hoạt động giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân chính, đóng góp tới 45% tổng lượng phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, mới đây, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Do vậy, việc cắt giảm lượng khí thải là cần thiết. Sử dụng nhiên liệu sinh học, khí tự nhiên và điện để thay thế nhiên liệu truyền thống được xác định là 1 trong 5 nhóm giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Trong bối cảnh đó, việc phát triển phương tiện giao thông điện là xu thế toàn cầu và Việt Nam không thể cưỡng lại được xu thế này. Dự kiến đến năm 2030, chỉ còn 41% số lượng phương tiện bán ra trên thế giới là phương tiện sử dụng động cơ đốt trong, còn lại là phương tiện sử dụng điện hoặc các dạng nhiên liệu lai giữa điện và động cơ đốt trong. 

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay tại Việt Nam, ngoài Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast) đang tiến hành hoạt động sản xuất, lắp ráp xe điện chạy pin, chưa có doanh nghiệp nào sản xuất, lắp ráp ô tô điện hóa. 

Ô tô điện sẽ sẽ 'soán ngôi' xe chạy xăng dầu truyền thống tại TP.HCM? - Ảnh 1
Sử dụng nhiên liệu sinh học, khí tự nhiên và điện để thay thế nhiên liệu truyền thống được xác định là 1 trong 5 nhóm giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông vận tải. (Ảnh minh họa)

Đánh giá về lĩnh vực xe nhiên liệu sạch, cụ thể trong đó có xe điện, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết, hiện chỉ có VinFast tiên phong cho dòng xe ô tô điện "Made in Vietnam" và đã chào bán mẫu ô tô điện đầu tiên tại Việt Nam mang tên VF e34 vào tháng 3/2021. Theo công bố của hãng này, đã có 25.000 đơn đặt hàng cho VF e34 trong một khoảng thời gian rất ngắn và trong tháng 1/2022, VinFast đã bàn giao gần 2.000 xe cho các khách hàng đặt mua mẫu ô tô điện đầu tiên của Việt Nam.

Mitsubishi cũng đã từng đưa mẫu xe điện về Việt Nam thử nghiệm, nghiên cứu khả thi; hay KIA cũng đang có kế hoạch lắp ráp xe điện tại nhà máy Thaco - Chu Lai. Công ty Honda Việt Nam cũng đang hợp tác với trường Đại học Bách khoa để nghiên cứu việc sử dụng xe Hybrid và thu được kết quả tích cực về tiêu chí tiêu thụ nhiên liệu và mức độ phát thải; Mitsubishi cũng có hai chương trình nghiên cứu chung với Cục Công nghiệp và Sở Công Thương Đà Nẵng về tính phù hợp trong việc sử dụng xe BEV và PHEV tại Việt Nam…

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng xe điện hóa (hybrid, plug-in hybrid, và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện còn rất ít; năm 2019 là 140 xe điện, năm 2020 tăng lên 900 xe và đến hết quý I/2021 có thêm 600 xe. Tất cả số xe trên đều là nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe Hybrid, xe plug-in hybrid, số xe chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Trước đó, trong văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã đề xuất Chiến lược ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo xu hướng thế giới và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.

Với mong muốn xây dựng một ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam ngày một lớn mạnh và đóng góp ngày một đáng kể cho nền kinh tế, đồng thời cũng bám sát với xu hướng công nghệ và sự chuyển đổi của ngành công nghiệp ô tô trên thế giới, VAMA đề xuất trao đổi nhiều nội dung trọng tâm. Trong đó bao gồm Chương trình phát triển xe ô tô sử dụng điện và lộ trình chuyển đổi từ xe chạy xăng, dầu sang xe sử dụng điện, chương trình hành động để thực hiện cam kết COP26; kiến nghị về những khó khăn trong quá trình thực hiện những quy định của Luật Bảo vệ môi trường liên quan đến sản phẩm hết niên hạn sử dụng và quy trình tái chế; đề xuất các chính sách để thúc đẩy thị trường, mở rộng sản xuất ô tô, công nghiệp phụ trợ trong nước.

TP.HCM lên kế hoạch “xoá sổ” xe xăng và bao phủ 100% xe điện

Hiện nay, nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân của người dân đang tăng cao, các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng hạn chế hoặc loại bỏ dần phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang khuyến khích các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch.

Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM, thực tế tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa và cơ giới hóa nhanh, lưu lượng giao thông tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng ngày càng gia tăng. Đáng chú ý, phát thải trong giao thông chiếm 18% tổng phát thải khí nhà kính và không ngừng tăng qua các năm. Giảm phát thải trong giao thông vận tải là một trong các giải pháp hàng đầu cho việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.

TP.HCM là một trong những đô thị lớn của thế giới, có lượng phát thải khí nhà kính cao. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do khí thải từ phương tiện giao thông.

Theo khảo sát, có 44% doanh nghiệp có nhu cầu/kế hoạch chuyển đổi sang xe điện và 13,2% người dân có nhu cầu mua xe điện, tập trung chủ yếu vào xe máy điện. Đồng thời, TP.HCM có tiềm năng điện hóa cao trong vận tải đường thủy.

Như vậy, căn cứ vào các dữ liệu, nghiên cứu đánh giá thực trạng và tiềm năng, nhóm tư vấn kiến nghị lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện cho TP.HCM gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ 2022-2030) là giai đoạn khởi động: Đặt mục tiêu tỷ lệ xe bán ra là xe điện năm 2030 đạt 20% với mô tô/xe máy/xe ô tô con; 10% với taxi; và 50% với xe buýt

Giai đoạn 2 (từ 2030-2040) - giai đoạn tăng trưởng nhanh: Tỷ lệ xe bán ra là xe điện năm 2040 đạt 50% với mô tô/xe máy; 60% với xe ô tô con; 20% với taxi; và 100% với xe buýt.

Giai đoạn 3 (từ 2040-2050) được gọi là giai đoạn tăng trưởng ổn định. Lúc này, tỷ lệ xe bán ra là xe điện năm 2050 đạt 90% với mô tô/xe máy/xe ô tô con; 60% với taxi; và 100% với xe buýt.

Để đạt được mục tiêu theo từng giai đoạn, cần có các giải pháp từng bước phân vùng kiểm soát khí thải và thu phí ô nhiễm theo từng giai đoạn cụ thể. Các nhiệm vụ chính cũng cần thực hiện theo mốc thời gian tương ứng. Cụ thể, đến 2025, phải xây dựng và ban hành định mức kỹ thuật liên quan đến phát triển phương tiện giao thông điện. Đến 2030, xây dựng và hoàn thiện cơ chế/chính sách; thống nhất tiêu chí đối với các trạm sạc.

Theo các chuyên gia, TP.HCM có nhiều cơ hội để thực hiện kế hoạch phát triển giao thông điện như: ban hành đề án phát triển giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân, đề án thu phí ôtô vào trung tâm thành phố hay chương trình hành động chống biến đổi khí hậu… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước bắt đầu sản xuất các dòng phương tiện điện, khuyến khích người tiêu dùng trải nghiệm. Đơn cử, tại TP.HCM đã có gần 500 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) và nhiều người dân chuyển sang sử dụng xe máy điện, ô tô điện.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng “Kế hoạch phát triển giao thông vận tải bằng phương tiện giao thông điện tại TP.HCM” là bước khởi đầu quan trọng cho sự chuyển đổi về phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính để môi trường thành phố ngày càng trong sạch hơn.

"Tuy nhiên, chuyển đổi giao thông điện không chỉ đơn thuần là thay xe chạy xăng bằng xe điện mà phải đồng bộ hệ thống hạ tầng như trạm sạc, bến bãi... Việc chuyển đổi cần nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan của thành phố tham gia để ban hành các chính sách, pháp lý cũng như quy hoạch.

Cụ thể là quy hoạch trạm sạc, tiêu chuẩn kỹ thuật cho trạm sạc trên toàn quốc; cơ chế, chính sách về giảm, miễn thuế, giảm giá mua sắm phương tiện… Sở GTVT TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu để xây dựng cơ chế và phương án tổng thể cho dự án phát triển giao thông vận tải bằng phương tiện giao thông điện tại thành phố" - ông Bùi Hòa An nhấn mạnh.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Ô tô điện sẽ sẽ 'soán ngôi' xe chạy xăng dầu truyền thống tại TP.HCM?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới