Việt Nam sẽ là thị trường ô tô điện tiềm năng bậc nhất Đông Nam Á
Với sự phát triển của xe điện trên toàn thế giới như một xu hướng tất yếu, đương nhiên Việt Nam không thể nằm ngoài cuộc. Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam sẽ là thị trường ô tô điện tiềm năng bậc nhất khu vực Đông Nam Á trong vài năm tới.
Xe điện - Tương lai của ngành giao thông ‘xanh’
Năm 2022 được giới chuyên gia đánh giá là năm bước ngoặt của xe điện khi nhiều hãng xe cùng "đổ bộ" vào thị trường, tạo thêm cơ hội cho người tiêu dùng dần tiếp xúc với xe điện. Sức nóng cạnh tranh lớn hơn nhưng luôn đi kèm cơ hội với những hãng xe biết tận dụng thời cơ và lợi thế để tiếp cận thị trường.
Với sự phát triển của xe điện trên toàn thế giới như một xu hướng tất yếu, đương nhiên Việt Nam không thể nằm ngoài cuộc. Ngoài ra, trước những bất ổn trong chuỗi cung ứng dầu mỏ toàn cầu, giá xăng dầu liên tục tăng, xe điện được đánh giá là tương lai của ngành giao thông trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, xu hướng sử dụng xe điện mới dẫn đầu bởi những mẫu xe điện của Vinfast sẽ thúc đẩy nhu cầu ô tô tăng cao hơn nữa trong 2022. Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam sẽ là thị trường ô tô điện tiềm năng bậc nhất khu vực Đông Nam Á trong vài năm tới. Cùng quan điểm, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng đưa ra dự báo, Việt Nam sẽ đạt mức 1 triệu xe điện hoá (EV) vào khoảng năm 2028 và tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2030-2040. Đến năm 2040, Việt Nam sẽ có khoảng 3,5 triệu xe ô tô điện.
Mới đây, Vinfast đã công bố sẽ dừng dần hoạt động sản xuất xe xăng đến cuối năm nay để tập trung vào xe điện. Hiện tại, xe xăng của Vinfast chiếm gần 11% thị phần ô tô trong nước, do đó tạo nhiều cơ hội cho các hãng xe khác phát triển và giành vị thế dẫn đầu.
Trước những lo ngại về biến động giá xăng dầu, theo chính sách công bố bởi VinFast, giá thuê pin của mẫu xe điện VF e34 là 657.500 đồng cho quãng đường tối đa 500 km/tháng. Mức tiêu thụ năng lượng trên 100 km là 13,4 kWh (theo tiêu chuẩn NEDC). Như vậy tính trung bình 100 km, nếu chỉ sạc tại trạm sạc nhanh VinFast với giá điện là 3.117 đồng/kW, người dùng sẽ tốn khoảng 173.000 đồng cho năng lượng. Còn nếu sử dụng bộ sạc đi động theo xe để sạc tại nhà vào giờ thấp điểm, chi phí tiêu tốn sẽ còn thấp hơn nữa.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển xe điện phụ thuộc vào 3 trụ cột chính là: khuôn khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ của các quốc gia; các biện pháp khuyến khích bổ sung để bảo vệ doanh số bán xe điện khỏi suy thoái kinh tế; số lượng các mẫu xe điện được mở rộng và giảm giá pin. Trong đó chính sách đóng vai trò đi đầu.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã đề xuất ý tưởng lộ trình phát triển xe điện hoá Việt Nam từ nay đến 2050 thành 3 giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn khởi đầu từ (2021-2030), Việt Nam sẽ đạt mức 1 triệu xe điện hoá vào khoảng năm 2028. Ở giai đoạn 2 (từ 2030-2040) tăng trưởng nhanh, Việt Nam duy trì tỷ lệ xe điện hoá tăng trưởng nhanh, đến năm 2040 sẽ đạt khoảng 3,5 triệu xe. Giai đoạn 3 (từ 2040-2050) tăng trưởng ổn định sẽ đạt 4,5 triệu xe vào năm 2050 và bão hoà sau đó với tỷ lệ xe điện hoá bán ra là 100%.
Vinfast sắp xây 3.000 trạm sạc trên toàn quốc
Thực tế hiện nay, để phát triển được xe điện và được đông đảo người tiêu dùng chấp nhận thì các hãng phải khắc phục những điểm yếu của mình. Vấn đề không chỉ là chất lượng và giá thành sản phẩm mà khách hàng quan tâm nhiều hơn đến dung lượng, thời gian sạc pin của xe và hệ thống trạm sạc.
Nếu như việc phát triển xe động cơ, các hãng xe vốn quan tâm chủ yếu đến hệ thống đại lý và tiếp thị sản phẩm thì ưu tiên số 1 với phát triển xe điện lại là phải phát triển các trạm sạc rộng khắp để người dùng dễ dàng tiếp cận để sạc pin mọi lúc, mọi nơi.
Đại diện VinFast cho biết, đến hết năm 2021, hãng xe này đã hoàn thành kế hoạch mở rộng, xây dựng hệ thống 2.000 trạm sạc trên toàn quốc với 40.000 cổng sạc. Kế hoạch tiếp theo, VinFast sẽ quy hoạch thêm 150.000 cổng sạc mới trên cả nước với mật độ, công suất các trạm sạc được tính toán phù hợp.
Mới đây, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã làm việc với VinFast về việc cấp điện cho các trạm sạc tại các tỉnh phía Bắc.
Theo ông Nguyễn Hồng Nhật – đại diện phát triển dự án liên quan đến hạ tầng điện của Vinfast, VinFast với mục tiêu là xây dựng 150.000 cổng sạc với 3.000 trạm sạc trong toàn quốc để đảm bảo việc lưu thông của xe điện. Trong đó, tại các tỉnh phía Bắc, VinFast dự kiến sẽ xây dựng khoảng 200 trạm với các trụ sạc được đầu tư có công suất 60kW, 150kW và 300kW. Thời gian dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II và quý III năm nay.
Phía EVN yêu cầu VinFast phải đầu tư trạm biến áp và đường dây để đấu nối vào đường trung thế gần nhất trong phạm vi VinFast đạt được các thỏa thuận với bên thuê đất khi đặt trạm sạc. Trong quá trình thi công thiết kế cần lưu ý, khi đường dây cắt qua tỉnh lộ, quốc lộ, phải đảm bảo về độ cao đường dây trên không, hành lang tuyến trên địa bàn đó.
Trong thực hiện thiết kế đường dây, VinFast phải đảm bảo việc ngắt thiết bị khi có sự cố, hoặc có những vấn đề liên quan trong thanh toán tiền điện.
Đối với hợp đồng mua bán điện, các tổng công ty điện lực thuộc EVN sẽ ký hợp đồng cung ứng điện với VinFast dựa trên hợp đồng thuê đất mà VinFast thỏa thuận với bên cho thuê mặt bằng đặt trạm sạc. Trong đó, thủ tục kinh doanh mua bán điện được các Công ty Điện lực thực hiện theo một mẫu thống nhất với khách hàng khi thực hiện đấu nối.
Tuy nhiên, với việc lo ngại của VinFast về máy biến áp trong giai đoạn đầu chưa đạt được tải, EVNNPC cho biết sẽ đặt hệ thống đo đếm ở trung áp theo đúng ranh giới tài sản, việc non tải sẽ được đo đếm qua công tơ để đảm bảo an toàn, mỹ quan và tối ưu cho hai bên.
Trước đó, vào tháng 11/2021, VinFast và Tập đoàn điện lực hàng đầu của Pháp Électricité de France (EDF) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác lắp đặt và vận hành mạng lưới trạm sạc công cộng tại Pháp.
Theo thỏa thuận giữa hai tập đoàn, VinFast sẽ hợp tác với EDF trong việc cung cấp các giải pháp mạng lưới trạm sạc công cộng, đồng thời thiết kế các ưu đãi đặc biệt dành riêng cho chủ sở hữu xe điện VinFast tại Pháp.
Ô tô điện được miễn phí trước bạ trong vòng 3 năm, kể từ 1/3/2022
Để đẩy mạnh phát triển ô tô điện trong nước, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định quan trọng, trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đăng ký ô tô điện mới đều được điều chỉnh theo hướng miễn, giảm trong những năm đầu.
Theo đó, với ô tô điện chạy pin, trong vòng 3 năm kể từ ngày 1/3/2022, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu là 0%; trong vòng 2 năm tiếp theo, nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Đồng thời, thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện chạy pin dưới 9 chỗ đã giảm từ mức 15% xuống chỉ còn 3% từ 1/3 năm nay và áp dụng trong vòng 5 năm. Trong khi đó, ô tô xăng từ 9 chỗ ngồi trở xuống được tính theo dung tích xi lanh với khung thuế suất từ 35% cho xe dưới 1.5 lít đến 150% cho xe trên 6.0 lít.
Đây được xem là tín hiệu tích cực không chỉ cho người sở hữu xe điện trong vòng ít nhất là 3 năm tới, mà còn giúp các hãng xe đẩy mạnh việc đưa các mẫu xe điện tham gia vào thị trường Việt Nam.
Lan Anh