Ô nhiễm không khí, cần hành động trước khi quá muộn
Để giảm thiểu mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội cần phải có một tổng thế các biện pháp, từ nỗ lực của nhiều phía cùng những hành động cụ thể xuất phát từ ý thức của mỗi cá nhân.
Không khí ở Hà Nội nhiều ngày bị ô nhiễm. |
Nhìn nhận thực tế, nâng cao nhận thức
Suốt nhiều ngày cuối tháng 9, đường phố Hà Nội chìm trong một màn sương mờ. Các chỉ số về độ trong lành của không khí đều trên mức báo động. Người dân hoang mang và bức xúc, nhiều chuyên gia đưa ra cảnh báo. Những con số đã làm hoảng sợ cư dân đô thị và gây ra những cơn sốt máy lọc không khí, cơn sốt các loại khẩu trang tân kỳ. Sự chậm chễ lên tiếng của các cơ quan chức năng càng làm gia tăng tâm lý lo sợ của đám đông.
Tuy nhiên, dù còn tranh cãi về độ tin cậy của những nguồn đưa ra các thông tin chỉ số ô nhiễm, dù có các ý kiến khác nhau về việc Hà Nội ở vị trí nào trong bảng xếp hạng ô nhiễm không khí của các thành phố trên toàn cầu thì vẫn (đã) tồn tại một thực tế đáng lo ngại rằng, chất lượng không khí của Hà Nội đã giảm (dần) nghiêm trọng trong một thời gian dài và nay ở mức báo động. Điều cần thiết không phải là tranh luận Hà Nội ô nhiễm nhất hay nhì (!), mà phải có những hành động ngay trước khi quá muộn.
Ông Park Kydong, đại diện Tổ chức sức khỏe thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, những khuyến nghị của Chương trình nghị sự của WHO về ô nhiễm không khí và sức khỏe (theo hướng dẫn của Nghị quyết Đại hội đồng Y tế thế giới): “Tăng cường mở rộng nền tảng kiến thức, hiểu biết về ảnh hưởng sức khỏe của ô nhiễm không khí; Theo dõi và báo cáo xu hướng và tiến triển sức khỏe hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững liên quan tới ô nhiễm không khí; Thúc đẩy ngành y tế nâng cao nhận thức về lợi ích sức khỏe từ các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí; Tăng cường năng lực của ngành y tế để phối hợp các ngành khác ở tất cả các cấp nhằm giúp giải quyết các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra, thông qua đào tạo, hướng dẫn và kế hoạch hành động quốc gia”.
Đã có những trường hợp ghi nhận nỗ lực cao của các nhà quản lý đã làm cho ô nhiễm không khí được đẩy lùi, như TP. Bắc Kinh từ năm 2013 đến nay. Lời kêu gọi được đưa ra với Hà Nội là “Chúng ta có thể cùng nhau mang lại không khí trong lành” và “Hãy hành động ngay bây giờ!”.
Cần nhiều nỗ lực ở cả cấp vĩ mô và vi mô
Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đã đưa ra “gói” giải pháp để thành phố giám sát và tiến tới giảm ô nhiễm không khí: Đã (và sẽ) thiết lập, quản lý, vận hành hệ thống mạng quan trắc môi trường; Cơ giới hóa và tăng tần suất quét rác, hút bụi hằng ngày trên các tuyến đường; Tăng cường công tác thu gom rác thải sinh hoạt.
Triển khai xử lý rác thải rắn bằng công nghệ hiện đại; Triển khai xử lý ô nhiễm và duy trì chất lượng nước của các ao, hồ; Quản lý, vận hành ổn định, có hiệu quả các nhà máy xử lý nước thải; Đã hoàn thành kế hoạch trồng một triệu cây xanh và có kế hoạch tiếp tục trồng thêm 600 nghìn cây xanh nữa; Triển khai xử lý rác thải bằng công nghệ đốt - phát điện; Tiến tới chấm dứt đốt rơm rạ gây khói mù từ những vùng ngoại thành; Thành phố sẽ kéo dài thời gian và mở rộng không gian công cộng “sạch” ở các phố đi bộ; Quy định và giám sát chặt chẽ vệ sinh xây dựng; Áp dụng các công nghệ mới để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải ô nhiễm; Phát triển vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
Tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện giao thông vi phạm các quy định về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; Thực hiện nghiêm công tác đăng kiểm và kiểm soát khí thải ô tô, xe máy; Sẽ xây dựng thí điểm trạm rửa xe tự động tại những cây xăng trên một số tuyến đường cửa ngõ vào thành phố; Tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học để kiểm kê nguồn thải, phân tích thành phần bụi PM2.5 từ đó xác định nguồn gây bụi, tính toán và dự báo mức độ và sự lan truyền ô nhiễm không khí để đưa ra những giải pháp phù hợp…
Trường Tiểu học Trần Quốc Toản hạn chế các phương tiện vào giờ đưa đón học sinh. |
Những nỗ lực ở tầm vĩ mô nằm trong một kế hoạch lâu dài đã được thành phố cam kết kiên trì tiến hành đồng bộ, nhưng mỗi cá nhân đều có thể hành động ngay để cùng giảm mức độ và chống tác hại của ô nhiễm không khí bằng những việc cụ thể và đơn giản. Chẳng hạn, theo KTS Trần Huy Ánh (Viện Nghiên cứu kiến trúc): Chỉ cần các phụ huynh dừng và tắt máy xe ở xa cổng trường một chút khi đón con cũng đã có thể tạo ra một vùng “tiểu khí hậu” có mức ô nhiễm không khí thấp hơn nhiều cho con em mình nếu so với một đám đông xe cộ, mà nhiều người vẫn có thói quen để nổ máy, tập trung ngay trước cổng trường”.
Ông Ánh đề nghị thiết lập và dần kéo dài thêm quãng đường các cháu học sinh đi bộ mỗi khi tan trường và đã bước đầu vận động thực hiện thành công ở Trường Tiểu học Trần Quốc Toản trên phố Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm) nơi cháu mình đang theo học.
Chị Hoàng Thị Hương Giang ở tổ chức ICley (CHLB Đức), khuyến khích cho những dự án phát triển, nói: “Hà Nội có thể học tập kinh nghiệm của Seul (Hàn Quốc) - vận động mỗi người dân cam kết thực hiện một hành động, dù là nhỏ, trong một thời gian xác định (một ngày, một tuần hoặc có thể lâu hơn) để giảm thiểu ô nhiễm - như sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường (có thể tự tiêu hủy hoặc tái chế), tiết kiệm điện, tiết kiệm tiêu dùng (để giảm phát thải), di chuyển bằng phương tiện công cộng… Nhiều nỗ lực cá nhân cộng lại sẽ làm nên thành quả chung của xã hội”. Cùng với những nỗ lực từ phía chính quyền, mỗi cá nhân bằng “ý thức xanh” của mình đều có thể góp những “hành động xanh” để thành phố trong lành hơn.