Điện than gây ô nhiễm không khí, vì sao Việt Nam vẫn không từ bỏ?
Theo các chuyên gia, sắp tới các nhà máy nhiệt điện than sẽ không giảm đi do đòi hỏi nhu cầu tăng trưởng.
Sáng 11/10, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) và Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learm) tổ chức hội thảo “Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội - Hành động của chính quyền và người dân”.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tại Hà Nội, từ trung tuần tháng 9 đến đầu tháng 10/2019, chất lượng không khí Hà Nội nhiều ngày ở mức kém. Có những ngày nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn trong giới hạn cho phép. Các khoảng thời gian ghi nhận giá trị bụi mịn PM2.5 tăng/duy trì ở mức cao thường là đêm và sáng sớm.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chỉ rõ nguyên nhân gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội phụ thuộc nhiều vào yếu tố khí tượng và nguồn phát thải của thành phố, khu vực lân cận. Các đại biểu cho rằng, Hà Nội cần kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm, đặc biệt là nguồn gốc gây bụi PM2.5 để có giải pháp tháo gỡ.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho biết, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường nói chung, không khí nói riêng. Từ năm 2017, Hà Nội đã lắp đặt 10 trạm quan trắc không khí (trong đó có 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến).
Hiện 10 trạm quan trắc này hoạt động ổn định, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường hằng ngày và cập nhật công khai. Theo lộ trình, đến năm 2020, Hà Nội tiếp tục đầu tư thêm 33 trạm, xe quan trắc.
Hà Nội cũng tập trung đưa cơ giới hóa vào công tác vệ sinh môi trường như: Xe quét rác, xe gom rác làm giảm bụi và rác tồn đọng. Tại các khu xử lý chất thải rắn trong quá trình đóng bãi, thành phố đầu tư dự án đốt rác phát điện. Hà Nội cũng triển khai chương trình trồng 1 triệu cây xanh...
Xác định ô nhiễm không khí còn từ các nguồn dân sinh như: Đun bếp than tổ ong, đốt rơm rạ trên đồng ruộng, để giảm ô nhiễm không khí, Hà Nội đã xây dựng các chương trình hạn chế, tiến tới không đun than tổ ong, không đốt rơm rạ trên đồng ruộng đến 2020.
Nhận định về tình trạng chất lượng không khí tại Hà Nội thời gian gần đây, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, giảng viên cao cấp Khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho rằng đây là thực trạng chung của các nước trong quá trình phát triển "nóng".
"Về nguyên lý, có mối quan hệ tương quan giữa các các điều kiện bất lợi gây ra bởi quá trình tăng trưởng GDP ở các quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Chúng ta phát triển, bắt buộc phải đánh đổi, nhưng đánh đổi ở mức độ chấp nhận được", Giáo sư Cơ phát biểu.
Nói về nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí, GS Xuân Cơ cho rằng mỗi kW/h điện người dân sử dụng mỗi ngày, km chạy xe, hay mỗi ngôi nhà công trình xây dựng cũng đều góp phần gây ô nhiễm không khí.
"Chúng ta đang trong giai đoạn phát triển thì nguồn thải không ổn định, các nguồn vẫn tăng. Theo tôi, sắp tới các nhà máy nhiệt điện than sẽ không giảm đi do đòi hỏi nhu cầu tăng trưởng, lượng xe cộ gia tăng...", ông Cơ nói.
Chỉ khi nào Việt Nam đạt đến mức độ GDP nhất định, thì các chỉ số ô nhiễm mới có thể giảm, chất lượng môi trường có điều kiện cải thiện do kinh tế được nâng cao.
Theo chuyên gia này, Nhà nước và cụ thể là thành phố Hà Nội đã có các động thái tích cực trong thời gian qua trong kiềm chế nguồn thải ô nhiễm ra môi trường.
"Nhà nước đã không quy hoạch các nhà máy phát thải gần các TP lớn, loại bỏ được xăng pha chì, nâng cao được tiêu chuẩn phương tiện giao thông Euro 3, Euro 4, ủng hộ thúc đẩy năng lượng sạch", vị này chỉ ra.
Tuy nhiên, theo ông Cơ, việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng không khí, quan trắc, kiểm soát phát thải còn rất hạn chế.