Thứ năm, 25/04/2024 17:38 (GMT+7)
Thứ hai, 27/01/2020 08:51 (GMT+7)

Nguồn gốc kỳ bí về tục lì xì ngày Tết

Theo dõi KTMT trên

Lì xì những ngày đầu năm vốn được coi là nét văn hóa đặc sắc trong Tết cổ truyền với mong muốn mang đến may mắn và hạnh phúc cho người được nhận, nhất là trẻ em.

Từ nhiều đời nay, mừng tuổi đầu năm (lì xì) là một trong những tục lệ tốt đẹp không thể thiếu của dân tộc Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về.

Nguồn gốc của phong tục này cũng được thêu dệt ra khá nhiều câu chuyện. Có chuyện kể rằng ngày xưa, ở Ðông Hải (biển Ðông) có rất nhiều yêu quái thường xuyên gây hại bá tánh, song những ngày thường chúng luôn bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ. Tuy nhiên, hàng năm các vị thần tiên đều phải về trời vào thời điểm giao thừa. Lúc này, yêu quái lộng hành quấy rối trẻ em đang ngủ, khiến trẻ thường giật mình khóc thét và bị sốt, nên bố mẹ thường không dám ngủ để thức canh con trẻ.

Nguồn gốc kỳ bí về tục lì xì ngày Tết - Ảnh 1
Phong tục lì xì ngày Tết Nguyên đán là nét đẹp văn hóa của người Việt. (Ảnh minh họa)

Một lần có 8 vị tiên đi ngang nhà kia thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ, cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Phép lạ này nhanh chóng lan truyền ra khắp nhân gian, nên khi Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, để trẻ chóng lớn và khỏe mạnh hơn, từ đó trở thành tục lì xì đầu năm như hiện nay.

Theo phong tục của người Việt cứ vào sáng mùng Một Tết, tất cả mọi người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để dùng cơm và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, sau đó sẽ đi đến từng gia đình để chúc Tết.

Trước tiên con cháu sẽ chúc thọ và tặng cho ông bà, cha mẹ mình một món quà nhỏ. Sau đó, con cháu sẽ được ông bà, cha mẹ lì xì lại một phong bao lì xì đỏ, bên trong sẽ có một ít tiền đấy gọi là lấy hên, nhận may mắn và mang lại niềm vui cả năm cho mọi người trong những ngày đầu năm mới. Con cháu nhận được bao lì xì cũng như nhận được tình yêu thương của ông bà cha mẹ dành cho.

Tương tự như vậy, khi có khách đến chơi nhà vào những dịp Tết, nếu gia đình gia chủ có con nhỏ thì khách sẽ không quên mừng tuổi cho con cháu của gia chủ kèm theo những lời chúc phúc, may mắn đầu năm, đồng thời gia chủ cũng gửi lại những lời chúc sức khỏe, may mắn phát đạt cho khách.

Nguồn gốc kỳ bí về tục lì xì ngày Tết - Ảnh 2
Những bao lì xì đỏ là tượng trưng cho những lời chúc tốt đẹp và may mắn. (Ảnh minh họa)

Tùy theo mỗi nhà, số tiền mừng tuổi được chuẩn bị sẵn trong mỗi phong bao lì xì là khác nhau, có thể là tiền lẻ hoặc tiền chẵn. Và ý nghĩa cũng không nằm ở số tiền nhiều hay ít, mà tục lì xì chỉ tượng trưng cho tài lộc đầu năm.

Người Việt quan niệm rộng rãi trong làm ăn thì sẽ được nhiều phúc lộc, nên vào ngày đầu năm, người ta phát lì xì cho trẻ em để trong năm làm ăn, buôn bán có lãi. Cho đi hay nhận lại được càng nhiều bao lì xì thì càng tốt, vì đó là biểu hiện của “phát tài phát lộc”. Bởi thế, tục lì xì ngày Tết đã được gìn giữ và lưu truyền đến ngày nay.

Trước đây, lì xì đơn giản chỉ là những tờ tiền màu đỏ hay những đồng xu được đưa trực tiếp cho người nhận. Còn ngày nay, không chỉ là được cho vào những phong bao lì xì, mà mệnh giá lì xì cũng phong phú hơn rất nhiều.

Lì xì ngày xưa chỉ đơn thuần là cầu chúc may mắn và lời chúc năm mới mà thôi. Còn ngày nay, lì xì đôi khi còn mang tính chất ngoại giao.

Ðó là những góc nhìn vui về những phong bao lì xì xưa và nay. Dù có khác nhau đôi chút nhưng lì xì vẫn luôn là thứ được mong chờ nhất với trẻ em và là một nét văn hoá không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về.

Cùng với cây quất, cành đào, hộp mứt Tết và cặp bánh trưng, nếu thiếu tục lì xì, hẳn là ngày Tết vẫn chưa thật trọn vẹn. Bởi Tết với người Việt không chỉ là dịp nghỉ ngơi đón năm mới mà còn là những ước vọng và sự san sẻ hạnh phúc, cùng chúc nhau hướng về tương lai tươi đẹp. Ðể chuyển tải những ước vọng trong khoảnh khắc xuân sang Tết đến, để chào đón luồng sinh khí mới mà đất trời ban tặng, ngoài những câu chúc ấm áp thân tình, người Việt còn trao nhau phong bao lì xì ngày Tết.

Quang Huy

Bạn đang đọc bài viết Nguồn gốc kỳ bí về tục lì xì ngày Tết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.