Thứ năm, 25/04/2024 08:00 (GMT+7)
Chủ nhật, 26/01/2020 07:00 (GMT+7)

Xin chữ đầu năm

Theo dõi KTMT trên

Mỗi dịp Tết đến xuân về, hình ảnh ông Đồ với mực tàu, giấy đỏ, người người nô nức cùng nhau đi xin chữ, như điểm tô cho những ngày Tết của người Việt thêm phần rực rỡ và ấm áp.

Từ xa xưa, mỗi khi Tết đến xuân về, người Việt Nam có tục đến nhà thầy Đồ hoặc nhà Nho trong làng vốn được cho là người hay chữ, học rộng tài cao để xin lấy câu đối treo trang trọng trong nhà. Câu đối xin ở nhà thầy Đồ là mong cho con cháu được thông minh sáng dạ và đem sự thông tuệ của các bậc hiền nhân đến với tất cả các thành viên trong gia đình. Đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa truyền thống, thể hiện “Tôn sư trọng đạo”, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người xưa.

Xin chữ đầu năm - Ảnh 1
Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển chứa đựng trong đó những ước vọng về một năm mới thuận lợi, may mắn và bình an. (Ảnh minh họa)

Cùng với tục khai bút đầu năm, thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc vẫn được người dân khắp mọi miền gìn giữ. Theo các nhà nghiên cứu, xin chữ đầu năm mang ý nghĩa tốt đẹp là người dùng chữ biết trân quý giá trị của chữ, cũng là ước vọng xin cái may mắn, cái phúc đức mang về nhà mong cả năm đó may mắn, tốt lành.

Xin chữ đầu năm - Ảnh 2
Xin chữ đầu năm cũng là một cách để người ta thể hiện sự coi trọng đạo học. (Ảnh minh họa)

Theo phong tục truyền thống, người dân thường đến xin chữ về treo với hy vọng về một năm mới sức khỏe, bình an, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn. Tùy vào mục đích và lứa tuổi, người xin chữ sẽ được tư vấn chọn chữ phù hợp.

Hình ảnh của những ông Đồ ngày xưa với “mực tàu giấy đỏ” đã được ghi lại thật đẹp trong thơ văn qua bài thơ của Vũ Đình Liên:

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông Đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua…”

Nếu xưa kia chỉ có ông Đồ mới cho chữ, thì ngày nay, người xin chữ cũng như người cho chữ thuộc đủ mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Các em nhỏ xin chữ “Minh”, “chữ Trí”. Nam thanh nữ tú xin chữ “Duyên”, chữ “Danh”. Người trung niên xin chữ “Tâm”, chữ “Lộc”, chữ “Phúc”. Tặng bố mẹ chọn chữ “Thọ”, chữ “An khang”… Không những thế, mừng tuổi bằng chữ sẽ thay cho lời chúc tốt đẹp nhất cho người già, trẻ nhỏ.

Xin chữ đầu năm - Ảnh 3
Thông thường, các bạn trẻ thường xin chữ Minh, Trí, Tuệ, Đạt… để tự nhắc nhở bản thân thu nạp kiến thức, cầu thi cử đỗ đạt. (Ảnh minh họa)

Dù là chữ nào thì đều có nội dung hướng đến bình an, mạnh khỏe, hướng đến tâm linh, hướng đến cái thiện của mỗi người trong một năm mới. Với nét đẹp truyền thống ấy, dưới bàn tay mỗi ông đồ, mỗi bức thư pháp là những bức hoạ khác nhau, mỗi nét chữ thể hiện cốt cách của người cầm bút. Chữ được cho thường được viết trên nền giấy đỏ bởi màu đỏ vốn là màu rực rỡ nhất và theo quan niệm dân gian là biểu tượng của sự may mắn.

Xin chữ đầu năm - Ảnh 4
Hình ảnh ông Đồ với mực tàu, giấy đỏ... điểm tô cho những ngày Tết của người Việt thêm phần rực rỡ và ấm áp. (Ảnh minh họa)

Trước kia, người ta thường xin chữ Nho, nhưng đến nay, người ta còn xin cả chữ Nôm và chữ Việt vì loại chữ này dễ đọc, dễ hiểu. Người hiểu chữ thì tâm đắc với câu chữ; trẻ nhỏ chưa biết chữ cũng thích thú những nét chữ bay bổng đầy nghệ thuật. Những con chữ như rồng bay phượng múa hiện lên qua các nét bút điêu luyện cầu chúc cho một năm mới Phúc Lộc Thọ Khang Ninh.

Trải qua bao biến cố lịch sử, tục xin chữ đầu năm vẫn còn được gìn giữ đến ngày nay và trở thành nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta mỗi độ xuân về. Tết đã đến, sắc xuân tràn ngập khắp phố phường, người người lại náo nức rủ nhau đi xin chữ đầu năm để cầu tài lộc, may mắn cho một năm mới an khang thịnh vượng. Và ông Đồ nói riêng, tục xin chữ nói chung như một biểu tượng bất diệt cho sức sống văn hóa ngàn đời của dân tộc.

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Xin chữ đầu năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.