Thứ năm, 25/04/2024 13:48 (GMT+7)
Thứ năm, 12/05/2022 07:55 (GMT+7)

Nắng nóng đang đe dọa 91% rạn san hô Great Barrier tại Australia bị tẩy trắng

Theo dõi KTMT trên

Chính phủ Australia ghi nhận tình trạng rạn san hô lớn nhất thế giới GBR bị tẩy trắng trong chu kỳ thời tiết La Nina, hiện tượng nước biển lạnh hơn bình thường.

Theo báo cáo giám sát mới của Chính phủ Australia cho thấy, một đợt nắng nóng kéo dài vào mùa Hè ở Australia khiến 91% rạn san hô Great Barrier (GBR) tổn hại do bị tẩy trắng.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ Australia ghi nhận tình trạng rạn san hô lớn nhất thế giới GBR bị tẩy trắng trong chu kỳ thời tiết La Nina, hiện tượng nước biển lạnh hơn bình thường.

Báo cáo Reef Snapshot do Cơ quan quản lý công viên biển Rạn san hô Great Barrier công bố ngày 10/5 đã làm rõ chi tiết những thiệt hại do đợt tẩy trắng hàng loạt lần thứ 4 mà rạn san hô lớn nhất thế giới trải qua kể từ năm 2016.

Nắng nóng đang đe dọa 91% rạn san hô Great Barrier tại Australia bị tẩy trắng - Ảnh 1
91% rạn san hô Great Barrier (GBR) tổn hại do bị tẩy trắng. 

Báo cáo cảnh báo: “Biến đổi khí hậu đang leo thang và Rạn san hô Great Barrier đang phải gánh chịu hậu quả."

Cơ quan quản lý công viên biển Rạn san hô Great Barrier đã tiến hành các cuộc khảo sát sâu rộng về rạn san hô được xếp hạng Di sản Thế giới này trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022.

Các nhà khoa học phát hiện rằng sau khi nước bắt đầu ấm lên vào tháng 12/2021, cả 3 khu vực chính của rạn san hô bị tẩy trắng - hiện tượng xảy ra khi san hô bị tác động làm biến đổi các loại tảo có màu sắc rực rỡ sống trong đó.

Báo cáo cho biết mặc dù san hô bị tẩy trắng vẫn còn sống và các phần bị ảnh hưởng vừa phải có thể phục hồi, nhưng san hô bị tẩy trắng với mức độ nghiêm trọng có nguy cơ chết cao hơn. Trong số 719 rạn san hô được khảo sát, 654 rạn (chiếm 91%) bị tẩy trắng ở một mức độ nào đó.

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), rạn Great Barrier bao phủ diện tích khoảng 348.000km2, được công nhận là Di sản thế giới năm 1981 như hệ sinh thái rạn san hô rộng lớn và đặc biệt nhất trên hành tinh.

Chính phủ Australia khẳng định, hạn chế biến đổi khí hậu là rất quan trọng đối với rạn san hô Great Barrier nhưng đây là một vấn đề toàn cầu đòi hỏi một giải pháp toàn cầu và Australia đang đóng vai trò của mình.

Đối phó với mối đe dọa này, Cơ quan Công viên Hàng hải rạn san hô Great Barriercủa Australia đã tiến hành một nghiên cứu về những tác động của biến đổi khí hậu đối với rạn san hô này. Theo đó, việc giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống 1,5 độ C hoặc thấp hơn tính từ thời điểm bắt đầu thời kỳ công nghiệp là rất quan trọng để duy trì các chức năng sinh thái của rạn san hô Great Barrier.

Australia hiện cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 26% lượng khí thải so với mức phát thải của nước này vào năm 2005, đồng thời đưa ra các cam kết bảo vệ môi trường như: thực hiện Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu; chi 3,5 tỷ USD cho các giải pháp giảm phát thải khí CO2, tài trợ 443,3 triệu USD cho Quỹ Rạn san hô Great Barrier để cải thiện tình trạng của rạn san hô này.

Đầu năm 2022, Australia cũng đã công bố khoản tài trợ mới nhằm triển khai các biện pháp bảo vệ rạn san hô này.

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy kể từ năm 1998, hiện tượng tẩy trắng đã ảnh hưởng đến 98% rạn san hô, chỉ còn lại một phần rất nhỏ là không bị ảnh hưởng.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Nắng nóng đang đe dọa 91% rạn san hô Great Barrier tại Australia bị tẩy trắng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.