Thứ tư, 16/04/2025 05:51 (GMT+7)
Thứ ba, 15/04/2025 06:50 (GMT+7)

Thái Nguyên: Người dân chủ động phản ánh các vấn đề về môi trường

Theo dõi KTMT trên

Sự gia tăng các phản ánh về môi trường cho thấy người dân Thái Nguyên ngày càng quan tâm và chủ động trong việc bảo vệ môi trường sống.

Hệ thống phản ánh hiện trường tại Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên (sau đây viết tắt là IOC Thái Nguyên), được triển khai cho phép người dân gửi phản ánh trực tuyến về các vấn đề môi trường và các lĩnh vực khác. Quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh được quy định tại Quyết định số 2668/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh. Việc UBND tỉnh triển khai hệ thống tiếp nhận phản ánh hiện trường là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và nâng cao hiệu quả quản lý môi trường.

Chủ động phản ánh của người dân

Thời gian qua, người dân Thái Nguyên ngày càng tích cực phản ánh các vấn đề môi trường thông qua hệ thống tương tác của UBND tỉnh, cho thấy sự quan tâm và ý thức cộng đồng ngày càng cao đối với chất lượng môi trường sống. Các vấn đề ở lĩnh vực môi trường ở nhiều khía cạnh đã được phản ánh như: Xả thải công nghiệp; Ô nhiễm không khí; Rác thải sinh hoạt và xây dựng; Tắc nghẽn cống thoát nước…

Phải kể đến trong xả thải công nghiệp: Công ty TNHH Vật liệu mới Bảo vệ Môi trường Sentai Việt Nam tại Khu công nghiệp Yên Bình, phường Đồng Tiến, thành phố Phổ Yên bị người dân phản ánh một cách mạnh mẽ.

Cụ thể nội dung phản ánh ngày 20/09/2024: “Công ty SENTAI Việt Nam, cứ buổi tối là xả khí thải ra môi trường, khí thải có mùi nồng nặc khó chịu. Gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân, đặc biệt là những người sinh sống ở TDP Hắng phía đối diện công ty này. Đề nghị phòng kiểm soát ô nhiễm - sở Tài Nguyên và Môi trường, Phòng cảnh sát môi trường- Công an tỉnh Thái Nguyên và các ban ngành liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất, lấy mẫu khí thải tại thời điểm xả thải ban đêm để xác định mức độ ô nhiễm của khí thải. Việc làm này là để đảm bảo sức khỏe của người dân, xin các vị tuyệt đối chú ý!”.

Thái Nguyên: Người dân chủ động phản ánh các vấn đề về môi trường - Ảnh 1
Ảnh người dân phản ánh lên hệ thống của UBND tỉnh Thái Nguyên việc Công ty xả khí thải mùi nồng nặc ra môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh.

Đến ngày 16/10/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã có phản hồi đến người dân: Nhà máy vật liệu mới bảo vệ môi trường Sentai Việt Nam của Công ty TNHH vật liệu mới bảo vệ môi trường Sentai Việt Nam, địa chỉ tại Lô CN18, KCN Yên Bình, phường Đồng Tiến, thành phố Phổ Yên đã bị UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 932/QĐ-XPHC ngày 02/5/2024 về hành vi không có Giấy phép môi trường với số tiền 300.000.000 đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát, lấy mẫu đột xuất đối với Công ty TNHH Vật liệu mới bảo vệ môi trường Sentai Việt Nam để xử lý theo quy định.

Tiếp tục đến ngày 03/01/2025, người dân tiếp tục có phản ánh: “Nhà máy vật liệu mới bảo vệ môi trường Sentai Việt Nam của Công ty TNHH vật liệu mới bảo vệ môi trường Sentai Việt Nam, địa chỉ tại Lô CN18, KCN Yên Bình, phường Đồng Tiên, thành phố Phổ Yên sau khi bị xử phạt và bị người dân phản ánh vẫn tiếp tục xả khí thải ra môi trường (trong file đính kèm là video được quay vào lúc 22h ngày 3/1/2025). Theo thông tin mà chúng tôi được biết công ty này vẫn chưa có giấy phép môi trường và chưa hoàn thành vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải. Đề nghị các ban ngành liên quan xử lý nghiêm!”.

Thái Nguyên: Người dân chủ động phản ánh các vấn đề về môi trường - Ảnh 2
Phản ánh của công dân về việc tiếp tục xả khí thải ra môi trường của công ty TNHH vật liệu mới bảo vệ môi trường Sentai Việt Nam.

Đến ngày 25/2/2025, Sở Tài nguyên và Môi trường có thông báo kết quả như sau: Về việc Nhà máy vật liệu mới bảo vệ môi trường Sentai Việt Nam xả thải khí thải gây ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường tổ chức làm việc, xác minh vào tháng 4 và tháng 10/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 932/QĐ-XPHC ngày 02/5/2024 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Vật liệu mới bảo vệ môi trường Sentai Việt Nam về hành vi không có giấy phép môi trường, đồng thời đình chỉ hoạt động nguồn phát sinh chất thải của Công ty để khắc phục vi phạm, yêu cầu hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép môi trường theo quy định.

Đến nay, hồ sơ báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường của đơn vị đã được hội đồng thẩm định cấp phép thông qua, hiện đang trong quá trình chỉnh sửa, bổ sung. Ngày 12/11/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản số 5083/STNMT-BVMT gửi Công ty TNHH Vật liệu mới bảo vệ môi trường Sentai Việt Nam yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề xuất cấp giấy phép môi trường; đầu tư xây dựng đầy đủ các công trình thu gom, xử lý chất thải, sau khi hoàn thành phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật cho phép trước khi thải theo đúng quy định.

Sở Tài nguyên và môi trường sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện của đơn vị này để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp quy định pháp luật.

Đối với ô nhiễm do đốt rác người dân phản ánh: Tại cổng bến Samsung Đu, huyện Phú Lương, người dân phản ánh tình trạng đốt rác thải, bao gồm cả rác thải nhựa, gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

Thái Nguyên: Người dân chủ động phản ánh các vấn đề về môi trường - Ảnh 3
Các vấn đề về môi trường đã được người dân chủ động phản ánh

Sau đó, UBND huyện Phú Lương đã chỉ đạo, giao cho UBND thị trấn Đu chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát xác minh, lập biên bản hiện trạng, báo cáo UBND huyện. Kết quả kiểm tra như sau:

Ngày 15/11/2024 Ủy ban nhân dân thị trấn Đu phối hợp với tổ dân phố Lê Hồng Phong tiến hành kiểm tra tại thực địa theo phản ánh, qua kiểm tra, Ủy ban nhân dân thị trấn Đu thấy có hiện tượng đối tượng thực hiện việc đối rác thải tại khu vực cổng bãi xe SamSung thuộc TDP Lê Hồng Phong, thị trấn Đu. Tại thời điểm kiểm tra, việc đổ rác đã thực hiện xong từ trước đó, không xác định được đối tượng thực hiện. Đại diện TDP có ý kiến là chưa nhận được ý kiến phản ánh của tổ chức, cá nhân nào về việc đối rác như phản ánh.

Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục đề nghị UBND thị trấn, tổ dân phố tăng cường công tác tuyên truyền nhân dân chấp hành luật bảo vệ môi trường, không tự ý đối ráckhông đúng quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường giám sát tại khu vực phản ánh và trên địa bàn, nếu phát hiện đối tượng thực hiện hành vi như phản ánh thì báo cáo UBND thị trấn để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.

Hay một nội dung khác trong lĩnh vực chăn nuôi bị người dân phản ánh: “Tôi muốn phản ánh về trại lợn xây dựng trái phép trong khu dân cư là hộ anh Hà (Ốc) tại xóm Làng Đông, xã Cổ Lũng thường xuyên xả thải gây ô nhiễm môi trường tới nguồn nước ngầm và gây ô nhiễm không khí rất nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống bà con xung quanh, rất mong các cấp can thiệp và có biện pháp xử lý nghiêm”.

Thái Nguyên: Người dân chủ động phản ánh các vấn đề về môi trường - Ảnh 4
Phản ánh về trang trại lợn xả thải gây ô nhiễm môi trường tại xã Cổ Lũng, Phú Lương.

Đối với phản ánh này, UBND huyện Phú Lương chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã Cổ Lũng phối hợp với các đơn vị có liên quan thành lập tổ xuống thực địa kiểm tra, xác minh kết quả cụ thể như sau:

Tại thời điểm kiểm tra, đối với hộ gia đình ông Vũ Văn Hà không xả nước thải trong chăn nuôi trực tiếp ra suối, mà có hệ thống xử lý nước thải qua bể Biogas và hệ thống bể lắng. Màu nước suối tại khu vực giáp chuồng trại chăn nuôi nước có mầu đục vàng, không mùi, đảm bảo vệ sinh môi trường. Không có hiện tượng rò rỉ hay xả thải trực tiếp ra môi trường như phản ánh.

Trước đó, ngày 19/3/2024 UBND xã nhận được phản ánh của công dân về việc ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đối với hộ ông Hà xóm Làng Đông. UBND xã Cổ Lũng đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại khu vực suối giáp với khu vực chăn nuôi nhà ông Hà, đoạn suối giáp đất có công trình chăn nuôi lợn. Quá trình kiểm tra đã phát hiện có 1 đường ống dẫn nước thải từ bể phốt Biogas xả ra suối, nước thải có mầu đen, có mùi hôi. Nguyên nhân do đường ống dẫn thải vào Bigogas bị vỡ đã dẫn đến việc chảy thải ra suối. 

UBND xã lập biên bản yêu cầu ông Hà thực hiện khắc phục tình trạng xả nước thải trong chăn nuôi ra suối. Sau thời gian 02 ngày ông Hà đã khắc phục, gia cố công trình xử lý nước thải và báo cáo với UBND xã.

Thời gian tới, UBND huyện yêu cầu UBND xã Cổ Lũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp chăn nuôi không đúng theo quy định.

Chất lượng nước mặt không đảm bảo tại nhiều điểm quan trắc

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên, trong năm 2024, chất lượng nước mặt tại nhiều điểm quan trắc trên địa bàn thành phố không đạt tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe con người, với các thông số như nitrit, amoni và kim loại nặng vượt giới hạn cho phép. ​

Thực hiện Quyết định số 4230/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Dự án mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, từ tháng 1 đến tháng 11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thực hiện quan trắc 6 đợt đối với các thành phần môi trường trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.

Thái Nguyên: Người dân chủ động phản ánh các vấn đề về môi trường - Ảnh 5
Tình trạng tắc đường nước thải sinh hoạt ngầm, gây ngập úng nước trên mặt đường kéo dài, mùi hôi thối mất vệ sinh môi trường tại đầu ngõ 90, đường Bến Oánh, tổ 3, phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên.

Kết quả trung bình năm 2024 cụ thể Môi trường nước mặt: Thực hiện quan trắc 17 điểm (05 điểm trên sông Cầu, 09 điểm trên phụ lưu sông Cầu và 03 điểm trên sông Công). Theo QCVN 08:2023/BTNMT1).

Sông Cầu: Quan trắc tại 05 đđiểm, kết quả cho thấy 01/05 điểm có chất lượng nước đáp ứng mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người tại xã Sơn Cẩm (sau điểm hợp lưu với sông Đu khoảng về phía hạ lưu 1km); 04/05 điểm còn lại đều không đáp ứng mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người, thông số vượt chủ yếu là nitrit (trong đó hàm lượng nitrit tăng dần từ cầu Gia Bảy (vượt 1,8 lần) đến đập Thác Huống (vượt 3,6 lần)). So với Bảng 2, cả 05 điểm trên đều có giá trị các thông số đạt mức chất lượng B trở lên (trong đó tại Cầu Gia Bảy, suối Linh Nham có hàm lượng BOD5, COD giảm so với năm 2023).

Phụ lưu sông Cầu: Quan trắc tại 09 điểm2 trên 07 phụ lưu, kết quả cho thấy tất cả các điểm trên đều có hàm lượng các thông số vượt giới hạn Bảng 1 quy chuẩn. Các thông số vượt giới hạn chủ yếu là kim loại (Fe, Mn), nitrit, amoni, vượt từ 1,01 lần đến 11,3 lần, điển hình tại cầu Bóng Tối, suối Xương Rồng, Suối Loàng. So với Bảng 2, 01 điểm đạt mức chất lượng B trở lên đối với các thông số pH, DO, TSS, BOD5, COD, Coliform tại suối Loàng; 04 điểm đạt…

Cần giám sát và xử lý quyết liệt để nâng cao hiệu quả

Bảo vệ môi trường là nền tảng của sự phát triển bền vững, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư có vai trò quan trọng. UBND tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường sống và hướng tới phát triển bền vững.

Đề án tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2021–2025, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát và xử lý các vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng điểm như quản lý chất lượng không khí, xử lý nước thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên.

Đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, bao gồm hệ thống xử lý nước thải tập trung và quản lý chất thải rắn. ​

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao…

Thái Nguyên: Người dân chủ động phản ánh các vấn đề về môi trường - Ảnh 6
Nhà máy vật liệu mới bảo vệ môi trường Sentai Việt Nam của Công ty TNHH vật liệu mới bảo vệ môi trường Sentai Việt Nam sau khi bị xử phạt và bị người dân phản ánh vẫn tiếp tục xả khí thải ra môi trường.

Những phản ánh này cho thấy người dân Thái Nguyên ngày càng quan tâm và chủ động trong việc bảo vệ môi trường sống. Hệ thống phản ánh hiện trường của UBND tỉnh là một kênh hiệu quả để người dân đóng góp ý kiến và giám sát các vấn đề môi trường, góp phần nâng cao chất lượng sống và phát triển bền vững của địa phương.

Mặc dù người dân Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn đang diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng để triển khai các giải pháp hiệu quả nhằm cải thiện chất lượng môi trường sống.

Các chuyên gia môi trường đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm cải thiện môi trường sống, từ chính sách cấp cao đến hành động cụ thể trong cộng đồng.

Tăng cường chính sách và cơ chế pháp lý như: Áp dụng hình phạt theo ngày đối với các cơ sở gây ô nhiễm nhằm tăng tính răn đe và thúc đẩy tuân thủ quy định môi trường; Xây dựng cơ chế phối hợp liên vùng giữa các địa phương và bộ ngành để đồng bộ hóa các chương trình bảo vệ môi trường, đặc biệt là kiểm soát chất lượng không khí.​

Phát triển cây xanh và hạ tầng xanh: Trồng thêm cây xanh trong đô thị giúp hấp thụ CO₂, giảm nhiệt độ và cải thiện chất lượng không khí; Sử dụng thực vật thủy sinh như bèo tây, rau muống để làm sạch nước trong các hồ, ao bị ô nhiễm.​

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và năng lượng sạch: Khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch; Thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng và tái chế chất thải nhằm giảm lượng rác thải ra môi trường.​..

Những giải pháp trên không chỉ giúp cải thiện môi trường sống mà còn hướng tới phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.

Nguyên Mạnh

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Người dân chủ động phản ánh các vấn đề về môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa tích cực giảm thiểu, tái chế và xử lý chất thải nhựa
UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, trong đó có việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựạ.

Tin mới