Thứ tư, 04/12/2024 04:16 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/11/2024 06:57 (GMT+7)

Những thách thức được đặt ra trong hành trình “xanh hoá” KCN tại Thái Nguyên (Bài 2)

Theo dõi KTMT trên

Mô hình khu công nghiệp bền vững được thiết kế và quản lý theo định hướng tích hợp mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, nhằm đạt được sự phát triển bền vững nên yếu tố bảo vệ môi trường là rất quan trọng.

Vấn đề môi trường

Trước đây các khu công nghiệp truyền thống thường tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế mà không đặt nặng vấn đề bảo vệ môi trường hoặc phúc lợi xã hội.

Hiện tại, mô hình khu công nghiệp bền vững được thiết kế và quản lý theo định hướng tích hợp mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội, nhằm đạt được sự phát triển bền vững. Quá trình "xanh hoá" các khu công nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn, từ tài chính cho đến năng lực chủ đầu tư, quy định pháp lý thiếu rõ ràng cụ thể...

Những thách thức được đặt ra trong hành trình “xanh hoá” KCN tại Thái Nguyên (Bài 2) - Ảnh 1
Nhà máy Samsung tại KCN Yên Bình (TP. Phổ Yên).

Báo cáo kết quả giám sát nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên của Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã nêu những tồn tại về bảo vệ môi trường khu, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Công tác phối hợp kiểm tra, hướng dẫn chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chặt chẽ, nhiều nội dung chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ theo quy định. Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của một số khu, cụm công nghiệp chưa được hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; một số đơn vị thứ cấp trong khu, cụm công nghiệp chưa hoàn thiện hồ sơ bảo vệ môi trường hoặc công trình bảo vệ môi trường theo quy định.

Cụ thể còn 172/295 (58,31%) cơ sở đã đi vào hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực phải tiếp tục hoàn thiện việc cấp phép môi trường trong thời hạn 36 tháng theo quy định khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Còn 01 KCN và 05 CCN chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, 01 KCN và 11 CCN cần tiếp tục lắp đặt hệ thống quan trắc tự động theo thời hạn quy định 31/12/2024; còn có CCN chưa có kế hoạch, công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Những thách thức được đặt ra trong hành trình “xanh hoá” KCN tại Thái Nguyên (Bài 2) - Ảnh 2
Công ty Cổ phần cột thép mạ kẽm Thái Nguyên tại khu B Khu công nghiệp (KCN) Điềm Thụy bị phản ánh tiếng ồn lớn và khói có mùi rất khó chịu gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh.

Theo số liệu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cung cấp, năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường tham gia đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với hơn 20 đơn vị trong các KCN, trong đó có gần 15 đơn vị đã bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 3.300 triệu đồng.

Cũng trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ban Quản lý các KCN đôn đốc, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ môi trường đối với 37 dự án ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đồng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát chất lượng sau hệ thống xử lý nước thải của từng doanh nghiệp. Lũy kế đến nay có 191 dự án thứ cấp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt ĐTM, Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, cam kết bảo vệ môi trường/kế hoạch bảo vệ môi trường/đề án bảo vệ môi trường.

Những khó khăn được chỉ ra

Chia sẻ về những khó khăn trong phát triển khu công nghiệp sinh thái, đại diện Ban quản lý Khu công công nghiệp Thái Nguyên cho biết: Thách thức đặt ra ở đây trong việc phát triển hạ tầng, đầu tư chuyển đổi số, hiện nay tỉnh Thái Nguyên cũng đang trong bước đầu triển khai thực hiện nên còn nhiều khó khăn, vướng mắc về các nội dung về quy định, chính sách, các nội dung hướng dẫn còn chưa có hoặc chưa rõ ràng cụ thể. Chủ yếu nằm ở vấn đề nhận thức triển khai từ các doanh nghiệp, các cán bộ trong công tác quản lý.

Trong xu thế công nghiệp hóa 4.0 hiện nay, nhiều địa phương đã chọn xu hướng xây dựng các khu công nghiệp xanh. Việc này giúp cho cải thiện về mặt môi trường và phát triển cộng đồng hơn về tính bền vững. Đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích của chính doanh nghiệp. Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu, thực hiện ở Thái Nguyên nói riêng cũng như cả nước nói chung vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể:

Tiềm lực tài chính của các chủ đầu tư chưa đủ mạnh: Đầu tư vào KCN xanh “không có con đường nào khác là phải có tiềm lực tài chính” để xây dựng hạ tầng, bảo đảm gắn kết cuộc sống của người lao động, tạo công ăn việc làm trên cơ sở giải pháp gắn kết ly nông với công nghiệp.

Những thách thức được đặt ra trong hành trình “xanh hoá” KCN tại Thái Nguyên (Bài 2) - Ảnh 3
Trạm xử lý nước thải tập trung sử dụng cộng nghệ hoá lý tại Cụm công nghiệp số 3 cảng Đa Phúc mới được chủ đầu tư xây dựng.

Thiếu chính sách ưu đãi về tài chính cho các KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái như miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng… để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái, công nghiệp xanh.

Nhận thức về kinh tế xanh vẫn còn mới mẻ: Tại Việt Nam hiện nay, về nhận thức, hiểu thế nào là một nền kinh tế xanh hay nền công nghiệp xanh vẫn còn là vấn đề mới mẻ. Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao nhưng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) vẫn ở mức thấp, phản ánh năng suất lao động thấp và việc sử dụng công nghệ, vốn, nguyên liệu và năng lượng còn kém hiệu quả.

Những thách thức được đặt ra trong hành trình “xanh hoá” KCN tại Thái Nguyên (Bài 2) - Ảnh 4
Trạm xử lý nước thải được triển khai xây dựng từ tháng 11/2022 với công suất 200 m3/ngày đêm. 

Chưa đồng bộ: Việc phát triển công nghiệp xanh sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm đầu vào năng lượng, nguyên liệu, tăng hiệu suất sử dụng, giảm nhập khẩu nhiên liệu, đồng thời giảm gánh nặng nhập siêu cho nền kinh tế, tạo nhiều việc làm mới góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm môi trường bền vững cho con cháu mai sau. Tuy nhiên, dù Việt Nam có chủ trương hướng tới một nền công nghiệp xanh, ít tiêu hao năng lượng, hạn chế thấp nhất sản xuất gây ô nhiễm môi trường nhưng việc thực hiện còn mang tính nhỏ lẻ, chưa đồng bộ.

Theo số liệu tổng hợp trong năm 2023, Ban Quản lý KCN Thái Nguyên đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đề xuất xử lý vi phạm hành chính đối với 11 doanh nghiệp (với số tiền là 955 triệu đồng), ngoài ra Ban Quản lý phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan xử lý vi phạm hành chính đối với 10 doanh nghiệp (với số tiền là 4.914.087.601 đồng) vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. 

Bài cuối: Định hướng cụ thể cho lộ trình phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Thái Nguyên

Nguyên Mạnh

Bạn đang đọc bài viết Những thách thức được đặt ra trong hành trình “xanh hoá” KCN tại Thái Nguyên (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới