Thứ tư, 04/12/2024 03:02 (GMT+7)
Thứ tư, 06/11/2024 15:14 (GMT+7)

Hành trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phát triển KCN sinh thái ở Thái Nguyên

Theo dõi KTMT trên

Để thu hút được sự đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với các khu công nghiệp thì sự chuyển đổi “xanh hoá, thông minh” đang là xu hướng. Điều này đã được UBND tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm, phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Lời toà soạn: Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biển đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra mục tiêu Việt Nam đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để thực hiện được thì việc xây dựng các khu công nghiệp (KCN) sinh thái chính là giải pháp mang lại hiệu quả trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững, khắc phục những bất cập về lãng phí tài nguyên thiên nhiên.

Trong xu thế công nghiệp hóa hiện nay, nhiều địa phương đã lựa chọn xây dựng các KCN xanh, giúp cải thiện môi trường và phát triển cộng đồng bền vững hơn, đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp. Những yêu cầu về tăng trưởng xanh và bền vững đòi hỏi các KCN sớm có những giải pháp, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sạch, thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên; kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế.

Tuy nhiên, thực tế các KCN trên cả nước vẫn loay hoay chưa tìm ra lời giải nhằm cân bằng giữa kinh tế, môi trường và xã hội do còn nhiều vướng mắc. Trong bối cảnh đó, với những lợi thế và tiềm năng hiện có, tỉnh Thái Nguyên đã và đang ưu tiên triển khai các giải pháp đồng bộ nào để thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội? Câu hỏi đầy trăn trở này sẽ được đưa ra để chúng ta cùng trao đổi, nghiên cứu tại loạt bài "Hành trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phát triển khu công nghiệp sinh thái ở Thái Nguyên". Qua đó, từ Thái Nguyên, mỗi tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ có góc nhìn đánh giá riêng cho tiềm năng, lợi thế của địa phương mình.

Bài 1: Xu hướng “chuyển đổi xanh, chuyển đổi số”

Việc chuyển đổi công nghiệp xanh có thể giúp các ngành, lĩnh vực thiết kế quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, thu hút FDI; tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, giải quyết việc làm, phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; mở rộng quan hệ ngoại giao...

Chuyển đổi công nghiệp xanh

Các KCN đang đóng vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, sản xuất, kinh doanh và là địa chỉ hấp dẫn nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài để từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước.

KCN xanh, sạch, sinh thái là xu thế tất yếu đang diễn ra trên toàn cầu. Việc phát triển các KCN bền vững bắt đầu từ sinh thái công nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó, hệ sinh thái công nghiệp được phát triển như một hệ sinh thái tự nhiên, tuần hoàn khi chất thải, phụ phẩm của một doanh nghiệp này sẽ phải là đầu vào cho một quá trình sản xuất của đơn vị khác.

Hành trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phát triển KCN sinh thái ở Thái Nguyên - Ảnh 1
Khu công nghiệp Sông Công II, tỉnh Thái Nguyên đang là điểm thu hút đối với nhiều nhà đầu tư.

Ðây là những yêu cầu bức thiết, cũng là yêu cầu bắt buộc đối với khu vực sản xuất công nghiệp để phát triển theo hướng xanh, bền vững, góp phần hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" (NetZero) vào năm 2050, cũng như phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy từng phát biểu, cần chuyển đổi số dưới góc độ đổi mới sáng tạo. Theo đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, không chỉ thuần túy là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.

Tương tự, chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất-kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Về chuyển đổi công nghiệp xanh, theo quy hoạch, Việt Nam có khoảng 563 khu công nghiệp tại 61 tỉnh thành. Đến nay, 397 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó mới chỉ có khoảng 7 khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, 7 khu này hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng chậm...

Trong khi đó, việc chuyển đổi công nghiệp xanh có thể giúp ngành quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, thu hút FDI; tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, giải quyết việc làm, phát triển đô thị; thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng; mở rộng quan hệ ngoại giao...

Theo các nhà khoa học, tiến trình phát triển chuyển đổi công nghiệp xanh gồm: Kiểm soát ô nhiễm, sản xuất sạch hơn, hiệu quả sinh thái, tư duy vòng đời, sản xuất khép kín và công nghiệp sinh thái.

Trong xu thế công nghiệp hóa hiện nay, nhiều địa phương đã lựa chọn xây dựng các khu công nghiệp xanh, giúp cải thiện môi trường và phát triển cộng đồng bền vững hơn, đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích cho chính doanh nghiệp. Tỉnh Thái Nguyên cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng

Trong phát triển kinh tế giai đoạn 2020 - 2025 tỉnh Thái Nguyên từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, cạnh tranh của tỉnh, phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội.

Hơn thế là phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh như: Vị trí địa lý; hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại; cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn; chính quyền năng động, thân thiện và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp…

Được coi là điểm sáng thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, Thái Nguyên hiện có 211 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký đạt 10,72 tỷ USD, trở thành một trong những địa phương thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất các tỉnh phía Bắc. Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đến từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đã có mặt và đang đẩy mạnh đầu tư vào Thái Nguyên.

Thái Nguyên đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245 ha và 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067 ha.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hút đầu tư, tỉnh đang cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua các giải pháp như đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường liên kết, kết nối vùng, tỉnh, thành phố; tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Đặc biệt mới đây, nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, xúc tiến đầu tư và thương mại thu hút nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thái Nguyên đã lập Đoàn công tác xúc tiến đầu tư và thương mại tại 2 nước Cuba và Hoa Kỳ. Đây cũng sẽ là yếu tố quan trọng để tiếp tục thu hút làn sóng đầu tư FDI đến với Thái Nguyên trong thời gian tới.

Phát huy tối đa lợi thế, cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế, tỉnh Thái Nguyên đã và đang ưu tiên triển khai các giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với sự chủ động đổi mới, sáng tạo. Cùng với định hướng đúng, đồng hành với doanh nghiệp, tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng, dịch vụ, ưu tiên lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu...

Sự đột phá về thu hút FDI của Thái Nguyên gắn liền định hướng, khơi thông nguồn lực, tận dụng cơ hội trong chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu với các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo...

Có thể thấy, sự tăng trưởng dòng vốn FDI của Thái Nguyên đã thể hiện kết quả đột phá trong những năm gần đây. Đơn cử, năm 2013, Tập đoàn Samsung đầu tư vào Khu công nghiệp Yên Bình I với số vốn ban đầu là 2 tỷ USD, sau một năm tăng vốn thêm 3 tỷ USD.

Tháng 2/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam với số vốn tăng thêm 920 triệu USD đầu tư vào KCN Yên Bình để mở rộng dự án, tăng năng lực sản xuất. Sự đầu tư của Samsung tại KCN Yên Bình kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ, cung ứng, các nhà cung ứng cấp 1 không chỉ lấp đầy KCN này mà còn đầu tư tại các KCN khác trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Hành trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phát triển KCN sinh thái ở Thái Nguyên - Ảnh 2
Dự án cho thuê nhà xưởng tại KCN Yên Bình của Gaw NP Industrial

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thái Nguyên đứng thứ 3 cả nước sau TP Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Bên cạnh sức hút đầu tư, với những tiêu chí mà tỉnh Thái Nguyên đặt ra, nhiều đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã dành sự quan tâm tương xứng đến việc thiết kế khuôn viên xanh, tích cực đổi mới trang thiết bị và công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường…

Về phía Ban quản lý KCN Thái Nguyên cho biết: Hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang triển khai đồng bộ các nội dung, các vấn đề có liên quan, đồng thời triển khai công tác chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên cũng đã chỉ đạo định hướng xây dựng các KCN thông minh, trong đó tập trung thu hút các nhà đầu tư, các dự án thân thiện với môi trường.

Trong đó định hướng Thái Nguyên cũng xây dựng một KCN sinh thái, ngoài định nghĩa KCN sinh thái theo quy định của KCN ra thì sẽ xây dựng một KCN đúng nghĩa với mục tiêu bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh.

Tháng 4/2023, lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh, như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư cho môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Trong lần đầu đánh giá chỉ số PGI, Thái Nguyên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố.

Bài 2: Những thách thức được đặt ra trong hành trình “xanh hoá” KCN tại Thái Nguyên

Văn Mạnh

Bạn đang đọc bài viết Hành trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phát triển KCN sinh thái ở Thái Nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới