Tin tức môi trường nổi bật ngày 11/5
Các tỉnh, thành phố ở Bắc Bộ chủ động ứng phó đợt lũ lớn từ 11-16/5; Xuất khẩu chất thải có thể tái chế của EU đạt kỷ lục mới; 91% rạn san hô Great Barrier tại Australia bị tẩy trắng do nắng nóng... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 11/5.
Các tỉnh, thành phố ở Bắc Bộ chủ động ứng phó đợt lũ lớn từ 11-16/5
Ngày 11/5, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 254/VPTT gửi các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ về việc chủ động ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 11-16/5, các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ, trong đó, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Chảy, sông Lô và sông Hoàng Long có khả năng lên mức báo động 1.
Thượng lưu hệ thống sông Thái Bình và các sông suối nhỏ khu vực Bắc Bộ có khả năng lên mức báo động 2-báo động 3. Đỉnh lũ trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương và trên sông Lục Nam tại Lục Nam có khả năng lên mức báo động 1-báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại khu vực trũng, thấp.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ và lũ quét, sạt lở đất, ngập úng có thể xảy ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục triển khai nghiêm Công điện số 02/VPTT ngày 10/5 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.
Các tỉnh, thành phố có đê khu vực Bắc Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, tổ chức lực lượng và thực hiện công tác tuần tra, canh gác, bảo vệ đê điều theo đúng quy định để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều; kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án hộ đê, bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu; rà soát các công trình thi công dở dang trong phạm vi bảo vệ đê điều, đặc biệt là các cống dưới đê đồng thời triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình, đê điều khi xảy ra mưa, lũ. Trường hợp xét thấy không đảm bảo an toàn phải tiến hành hoành triệt ngay để đảm bảo yêu cầu chống lũ.
Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Bình Định phát triển rừng gỗ lớn bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu
Xác định việc trồng rừng gỗ lớn không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu nên UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích rừng trồng gỗ lớn tập trung đạt 10.000 ha, đến năm 2035 đạt 30.000 ha.
Bình Định là vùng đất có nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất chế biến, kinh doanh, xuất khẩu các sản phẩm gỗ, tuy nhiên nguồn nguyên liệu từ các loại cây gỗ lớn chủ yếu nhập từ nước ngoài vì người dân địa phương chỉ trồng loại cây gỗ nhỏ, khi rừng được 4 - 5 năm tuổi đã tiến hành khai thác. Bởi vậy, trồng rừng gỗ lớn đang là mục tiêu mà tỉnh Bình Định hướng tới với những tiềm năng phát triển bền vững. Cùng đó, điều kiện tự nhiên, khí hậu ở đây có tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa rất thích hợp cho việc trồng các loại cây rừng gỗ lớn.
Hiện nay có ba Công ty lâm nghiệp đang triển khai trồng rừng gỗ lớn gồm: Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh và Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn. Tổng diện tích UBND tỉnh Bình Định phê duyệt cho các doanh nghiệp này theo Đề án phát triển cây gỗ lớn gần 4.200 ha, trong đó có rừng trồng mới, rừng trồng lại sau khai thác và rừng chuyển hóa.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó trưởng Phòng quản lý bảo vệ rừng Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn cho hay: Giai đoạn 2019 - 2030, UBND tỉnh phê duyệt cho Công ty gần 820 ha trồng rừng gỗ lớn. Đến nay, Công ty đã hoàn thành mục tiêu theo đề án. Trong đó, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn trên 200 ha, rừng gỗ lớn trồng mới 620 ha.
Ông Lê Đức Sáu, Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định thông tin thêm: Trồng rừng gỗ lớn có thời gian dài, như cây keo có chu kỳ trên 10 năm, hay các loại cây bản địa như cây cà te, hương trên 70 năm nên nguồn vốn đầu tư khá cao, công chăm sóc lâu dài. Nhưng nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn để phát triển rừng gỗ lớn hiện nay lại chưa thực hiện được.
Đề án phát triển cây gỗ lớn trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035, ngoài ba Công ty lâm nghiệp được phê duyệt diện tích trồng rừng gỗ lớn thì hộ gia đình sẽ được tham gia trồng gần 3.400 ha. Tuy nhiên hiện nay, người dân vẫn chưa tham gia thực hiện.
Xuất khẩu chất thải có thể tái chế của EU đạt kỷ lục mới
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) vừa cho biết, xuất khẩu nguyên liệu thô có thể tái chế của Liên minh châu Âu, bao gồm chất thải, phế liệu và các sản phẩm phụ khác, đạt mức cao kỷ lục 40,6 triệu tấn vào năm ngoái.
Dữ liệu của Eurostat cho thấy, xuất khẩu sang các nước ngoài EU, gần 50% trong số đó là kim loại đen như sắt và thép, đã tăng 2 triệu tấn vào năm 2020 và tăng 80% so với mức năm 2004.
Nhập khẩu các nguyên liệu thô có thể tái chế của EU, chủ yếu là các sản phẩm hữu cơ như gỗ, giấy và hàng dệt từ sợi tự nhiên, đạt 46,8 triệu tấn vào năm 2021, tăng 7% so với mức năm 2004.
Khối 27 quốc gia đang xem xét cách thức độc lập hơn trong một số lĩnh vực chiến lược, chẳng hạn như nguyên liệu để khối này tự chủ hơn.
Vào tháng 3/2022, EU cho biết, họ sẽ giảm sự phụ thuộc vào các nguyên liệu thô quan trọng nhập khẩu thông qua quan hệ đối tác chiến lược, dự trữ, tái chế và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến hàng đầu của EU về nguyên liệu thô có thể tái chế vào năm ngoái, tiếp theo là Anh, Ấn Độ và Ai Cập. Theo Eurostat, năm 2021, Argentina và Brazil cũng là những nguồn nhập khẩu hàng đầu về nguyên liệu thô của EU.
Rừng khô nhiệt đới đang biến mất nhanh chóng
Những khu rừng khô nhiệt đới trên toàn cầu đang đối mặt với nạn phá rừng hoành hành, đòi hỏi phải có các biện pháp can thiệp chính sách hợp lý để cải thiện tình trạng này.
Nghiên cứu cho thấy, rừng khô nhiệt đới - một trong những hệ sinh thái quan trọng đang ngày càng bị đe dọa. Nạn phá rừng từ năm 2000 đã làm biến mất hơn 71 triệu ha rừng khô nhiệt đới, đặc biệt là ở Nam Mỹ và Châu Á. Đáng lo ngại hơn, một phần ba số rừng còn lại cũng đang gặp nguy hiểm vì nằm ở những khu vực biên giới, nơi nạn phá rừng đang ở mức báo động.
Ở châu Phi, những khu rừng khô nhiệt đới tuy chưa bị ảnh hưởng quá nhiều nhưng đã có một vài vụ phá rừng xuất hiện trong thời gian gần đây. Do đó, để bảo vệ các khu rừng khô nhiệt đới trên thế giới, cần giám sát chặt chẽ và có kế hoạch sử dụng đất rõ ràng tại các khu vực này.
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tờ Nature Sustainability, các nhà nghiên cứu từ Khoa Địa lý của Đại học Humboldt Berlin (Đức) và từ Viện Trái đất và Sự sống của Đại học Catholique de Louvain (Bỉ) đã đưa ra đánh giá về nạn phá rừng ở các khu rừng khô nói riêng và rừng cây nói chung trên thế giới. Sử dụng chuỗi hình ảnh vệ tinh độ phân giải cao trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2020, nhóm nghiên cứu phân tích các mô hình phá rừng theo thời gian và không gian trên hơn 18 triệu km2 rừng.
Tobias Kuemmerle, giáo sư tại Khoa Địa lý của Đại học Humboldt Berlin giải thích: “Chúng tôi đã phát triển một phương pháp vượt ra ngoài việc đánh dấu nạn phá rừng. Nói cách khác, giờ đây chúng ta có thể phát hiện và lập bản đồ chi tiết nơi nạn phá rừng đang tăng nhanh và nơi tình trạng phá rừng giảm".
91% rạn san hô Great Barrier tại Australia bị tẩy trắng do nắng nóng
Theo một báo cáo giám sát mới của Chính phủ Australia, một đợt nắng nóng kéo dài vào mùa Hè ở Australia khiến 91% rạn san hô Great Barrier (GBR) tổn hại do bị tẩy trắng.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ Australia ghi nhận tình trạng rạn san hô lớn nhất thế giới GBR bị tẩy trắng trong chu kỳ thời tiết La Nina, hiện tượng nước biển lạnh hơn bình thường.
Báo cáo Reef Snapshot do Cơ quan quản lý công viên biển Rạn san hô Great Barrier công bố ngày 10/5 đã làm rõ chi tiết những thiệt hại do đợt tẩy trắng hàng loạt lần thứ 4 mà rạn san hô lớn nhất thế giới trải qua kể từ năm 2016.
Báo cáo cảnh báo: “Biến đổi khí hậu đang leo thang và Rạn san hô Great Barrier đang phải gánh chịu hậu quả."
Cơ quan quản lý công viên biển Rạn san hô Great Barrier đã tiến hành các cuộc khảo sát sâu rộng về rạn san hô được xếp hạng Di sản Thế giới này trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022.
Các nhà khoa học phát hiện rằng sau khi nước bắt đầu ấm lên vào tháng 12/2021, cả 3 khu vực chính của rạn san hô bị tẩy trắng - hiện tượng xảy ra khi san hô bị tác động làm biến đổi các loại tảo có màu sắc rực rỡ sống trong đó.
Báo cáo cho biết mặc dù san hô bị tẩy trắng vẫn còn sống và các phần bị ảnh hưởng vừa phải có thể phục hồi, nhưng san hô bị tẩy trắng với mức độ nghiêm trọng có nguy cơ chết cao hơn. Trong số 719 rạn san hô được khảo sát, 654 rạn (chiếm 91%) bị tẩy trắng ở một mức độ nào đó.
Báo cáo trên được công bố 10 ngày trước cuộc bầu cử liên bang Australia, dự kiến diễn ra vào ngày 21/5, trong đó cư tri nước này đặc biệt quan tâm đến chính sách về biến đổi khí hậu.
Vào tháng 6 tới, Ủy ban Di sản Thế giới của Liên hợp quốc sẽ quyết định có đưa GBR vào danh sách các di sản "đang gặp nguy hiểm" hay không.
Lan Anh