Quản trị môi trường là chỉ số PAPI “bết bát” nhất năm 2021
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2021 vừa được công bố. Cũng như năm trước, Quản trị môi trường vẫn là chỉ số "bết bát" nhất trong PAPI 2021.
Ngày 10/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp tổ chức công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2021.
Chỉ số PAPI 2021 xếp hạng hiệu quả quản trị và hành chính công của 63 tỉnh thành trên cả nước. Để xếp hạng, PAPI 2021 đo lường 8 chỉ số nội dung, bao gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
Thừa Thiên - Huế vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng PAPI 2021
Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2021 gồm 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
Được biết, PAPI năm 2021 được khảo sát từ 15.833 người trả lời (đông nhất từ trước tới nay) ở 63 tỉnh, thành phố. So với kết quả của năm 2020, 30 tỉnh, thành phố đã cải thiện hiệu quả hoạt động trong cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường và quản trị điện tử.
Tuy nhiên, 30 tỉnh, thành phố có sự sụt giảm về điểm ở các chỉ số nội dung “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương”, “trách nhiệm giải trình với người dân” và “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”.
Căn cứ kết quả PAPI, UNDP cho biết, trong số các địa phương, Thừa Thiên - Huế là tỉnh vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng PAPI 2021 trên cả nước, với 48,059 điểm. Tiếp sau đó, tỉnh Bình Dương đứng thứ hai với 47,178 điểm và Thanh Hóa đứng thứ ba, đạt 47,102 điểm.
Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội đạt 44,447 điểm; Hải Phòng đạt 44,005 đểm; Đà Nẵng đạt 42,557; Cần Thơ đạt 41,230; TP.HCM đạt 40,677 điểm.
Như vậy, trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, TP.HCM thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất. Kết quả này phản ánh phần nào thực tế tác động nặng nề của giãn cách xã hội toàn phần kéo dài do làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư ở TP.HCM.
Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021, người dân cho biết, cơ sở hạ tầng cơ bản được cải thiện với chất lượng đường sá, nước sạch và vệ sinh môi trường tốt hơn. Người dân tham gia khảo sát cũng cho biết tình hình tội phạm an ninh, trật tự địa bàn khu dân cư cũng giảm.
Kết quả khảo sát PAPI năm 2021, cũng là năm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, cho thấy mối quan tâm về sức khỏe của người dân nổi lên, với tỷ lệ quan ngại về y tế và bảo hiểm y tế tăng mạnh từ 2% lên 23% chỉ trong hai năm.
Y tế và bảo hiểm y tế trở thành mối quan ngại lớn nhất của người dân, bên cạnh quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước và việc làm. Cùng với đó, tỷ lệ người dân hài lòng với cách ứng phó với đại dịch Covid-19 của các cấp chính quyền đã giảm từ 89% năm 2020 xuống còn 84% năm 2021.
Với lĩnh vực y tế, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh giảm sút. Về những mặt được cải thiện, người dân cho biết, cơ sở hạ tầng căn bản như nước sạch và vệ sinh môi trường tốt hơn, tỷ lệ người dân và hộ dân bị trộm cướp ở địa bàn dân cư thấp hơn…
Chỉ số PAPI năm 2021 của Hà Nội tăng vượt bậc
Tổng số điểm chỉ số PAPI năm 2021 của Hà Nội đạt 44,45 điểm. Đặc biệt, 3 chỉ số nội dung nằm trong nhóm cao nhất là “công khai, minh bạch”, “thủ tục hành chính công”, “quản trị điện tử” (năm 2020 không có chỉ số nội dung nào thuộc nhóm cao nhất).
Cụ thể các chỉ số nội dung của Hà Nội gồm: Chỉ số “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt 5,01/10 điểm; “công khai, minh bạch” đạt 5,93/10 điểm; “trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,33/10 điểm; “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt 7,08/10 điểm; “thủ tục hành chính công” đạt 7,54/10 điểm; “cung ứng dịch vụ công” đạt 7,79/10 điểm; “quản trị môi trường” đạt 3,16/10 điểm; “quản trị điện tử" đạt 3,61/10 điểm…
Có thể thấy, Hà Nội đã có sự chuyển biến tích cực khi chỉ còn 1 chỉ số nội dung “quản trị môi trường” vẫn nằm trong nhóm điểm thấp nhất (năm 2020 có “quản trị môi trường” và “thủ tục hành chính công” nằm trong nhóm này).
Năm 2021, Hà Nội cũng không còn nhóm chỉ số nội dung nào nằm trong nhóm điểm trung bình thấp (năm 2020 có 4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm này); có 4 chỉ số nội dung nằm trong nhóm trung bình cao là “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “trách nhiệm giải trình với người dân”, “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, “cung ứng dịch vụ công” (năm 2020 có 2 chỉ số).
Với kết quả này, chỉ số PAPI năm 2021 của Hà Nội tăng so với năm 2020 (năm 2020 đạt 41,629/80 điểm), nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp chỉ số PAPI cao nhất.
Chỉ số Quản trị môi trường đạt rất thấp
Theo Bảng tổng hợp Chỉ số PAPI 2021, kết quả điểm 8 chỉ số nội dung của Đồng Tháp: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở 4,57 điểm; Công khai minh bạch trong việc ra các quyết định 4,85 điểm; Trách nhiệm giải trình với người dân 4,32 điểm; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công 6,77 điểm; Thủ tục hành chính công 7,11 điểm; Cung ứng dịch vụ công là 7,55 điểm; Quản trị môi trường 4,73 điểm; Quản trị điện tử 2,53 điểm.
Trong đó, chỉ số Quản trị môi trường của Đồng Tháp dẫn đầu cả nước. Chỉ số này phản ánh ý kiến đánh giá của người dân về chất lượng không khí và chất lượng nguồn nước sinh hoạt nơi cư trú, cũng như sự nghiêm túc của chính quyền và doanh nghiệp đầu tư ở địa phương trong bảo vệ môi trường. Những chỉ tiêu đánh giá này giúp các cấp chính quyền hiểu rõ hơn mối quan ngại về vấn đề môi trường của người dân qua thời gian
Tuy nhiên, theo Bảng tổng hợp Chỉ số PAPI 2021, hầu hết các địa phương đều có chỉ số Quản trị môi trường đạt thấp. Cụ thể, với thang điểm 10 thì TP.HCM chỉ đạt 2.9; Đồng Nai chỉ 2.85; Vũng Tàu chỉ 3.08; Hà Nội chỉ 3,16; Vĩnh Phúc chỉ 3.02; Bình Dương chỉ 3.67…
Trước đó, trong báo cáo PAPI năm 2020, Quản trị môi trường cũng là chỉ số "bết bát" nhất. Theo báo cáo này, trong thang điểm 10, chỉ số Quản trị môi trường của Hà Nội chỉ đạt 2,96, TP HCM là 2,82, trong khi đó Đồng Tháp cao nhất 5,2.
Đặc biệt, trong ba chỉ số thành phần là nghiêm túc trong bảo vệ môi trường, chất lượng không khí, chất lượng nước thì điểm của Hà Nội lần lượt là 0,92; 1,61 và 0,42; TP. HCM là 0,88; 1,59 và 0,34.
Báo cáo Chỉ số PAPI năm 2021 cho thấy, người dân quan tâm nhất đến sức khỏe và kinh tế, trong khi thách thức về quản trị công gia tăng trong năm thứ hai của đại dịch Covid-19.
Năm 2021 cũng là năm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, cho thấy mối quan tâm về sức khỏe của người dân nổi lên, với tỷ lệ quan ngại về y tế và bảo hiểm y tế tăng mạnh từ 2% lên 23% chỉ trong 2 năm. Y tế và bảo hiểm y tế trở thành mối quan ngại lớn nhất của người dân, bên cạnh quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước và việc làm.
Trong khi đó, mối quan ngại về ô nhiễm môi trường giảm nhẹ. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình tiếp tục giảm 11% so với năm 2020 khi sự lạc quan của người dân với tình hình kinh tế hộ gia đình giảm xuống lần đầu tiên sau gần một thập niên tăng lên từng năm. Cùng với đó, tỷ lệ người trả lời cho biết, họ bị mất việc làm và thu nhập tăng 10% vào năm 2021 so với năm 2020.
Bùi Hằng