Thứ tư, 24/04/2024 19:37 (GMT+7)
Thứ ba, 10/05/2022 19:00 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 10/5

Theo dõi KTMT trên

Mưa lũ gây thiệt hại lớn cho Bắc Bộ; Bộ Y tế yêu cầu tăng quản lý chất thải phòng, chống dịch Covid-19; lộ trình cấm sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần; cổ vũ thể thao đừng quên giữ môi trường sạch đẹp... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 10/5.

Mưa lũ gây thiệt hại lớn cho các tỉnh Bắc Bộ

Trong những ngày qua, tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Giang… mưa lớn kéo dài kết hợp với lũ ào ạt đổ về khiến nhiều xã bị nhấn chìm và ngập sâu trong "biển nước". Dự báo trong mấy ngày tới, khu vực này tiếp tục có mưa lớn, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các khu vực trũng, thấp.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 10/5 - Ảnh 1
Trong những ngày tới, các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục có mưa lớn, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các khu vực trũng, thấp. (Ảnh minh họa)

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, tại một số nơi ở miền núi phía Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Giang… đã có mưa lớn phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 250mm, gây sạt lở đất, ngập lụt tại các khu vực trũng thấp ven sông và làm 1 người chết, thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nhà ở, sản xuất của người dân.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 10/5 - Ảnh 2
Ngày 10/5, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có công văn gửi ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh miền núi phía Bắc chủ động ứng phó với mưa lũ và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Đến nay, có 10 ngôi nhà sập đổ, gần 300 ngôi nhà và 7 trường học bị ngập sâu. Nhiều khu vực trũng bị nước ngập sâu 4-5 m. Ngoài ra, có 1.775 ha lúa, hoa màu bị ngập, gãy đổ. Một số tuyến đường tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang bị sạt lở, gây ách tắc.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đêm mai (11/5) đến khoảng ngày 15/5, ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (thời gian mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm) với lượng mưa phổ biến 150-300mm/đợt, có nơi hơn 400mm/đợt; ở đồng bằng Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm).

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Do đó, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. 

Bộ Y tế yêu cầu tăng quản lý chất thải phòng, chống dịch Covid-19

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ về việc tăng cường công tác quản lý chất thải y tế, chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19.

Để đảm bảo công tác quản lý chất thải trong các cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai các nội dung theo yêu cầu.

Đối với Sở Y tế, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phổ biến, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức thực hiện công tác quản lý chất thải y tế theo đúng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Thông tư số 20/2021/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế và các văn bản khác có liên quan; tổ chức đào tạo, tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chất thải y tế.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 10/5 - Ảnh 3
Bộ Y tế yêu cầu tăng quản lý chất thải phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Sở Y tế các địa phương phối hợp với sở tài nguyên và môi trường, các sở, ngành liên quan xây dựng, trình ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế, nước thải y tế trên địa bàn; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế, việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Các đơn vị báo cáo về thực trạng công trình, hệ thống, thiết bị xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý và việc giám sát hiệu quả thiết bị xử lý chất thải rắn y tế (lò đốt chất thải rắn y tế, thiết bị hấp/vi sóng xử lý chất thải y tế lây nhiễm); kết quả quan trắc nước thải y tế theo quy định; tình hình quản lý chất thải y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.

Lộ trình cấm sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần

Quy định dừng sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần được quy định cụ thể tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Cụ thể, lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa được quy định như sau: Từ ngày 01/01/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 μm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 10/5 - Ảnh 4
Quy định dừng sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần được quy định cụ thể tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học phải thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý theo quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP.

Chính phủ cũng yêu cầu giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Hơn nữa, sau ngày 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

Thực hiện lộ trình này, UBND cấp tỉnh ban hành quy định và tổ chức triển khai hoạt động quản lý chất thải nhựa, bảo đảm sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học trên địa bàn.

Cổ vũ thể thao đừng quên giữ môi trường sạch đẹp

Tối 8/5, trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Philippines tại bảng A bóng đá nam SEA Games 31, nhiều CĐV đã ném giấy vệ sinh xuống sân tạo nên khung cảnh cổ vũ khá lạ mắt, ấn tượng. Thế nhưng, đằng sau nhưng hình ảnh lạ mắt đó thì lại khiến cho lực lượng công nhân vệ sinh môi trường rất vất vả để dọn sạch lại hiện trường, phục vụ cho trận đấu tiếp theo. Đặc biệt, trời Việt Trì ngay đêm 8/5 đã đổ mưa khiến cho công tác dọn dẹp này mất nhiều thời gian hơn rất nhiều.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 10/5 - Ảnh 5
Rất nhiều cuộn giấy vệ sinh đã được các CĐV mang đến sân vận động Việt Trì.(Ảnh: Báo TN&MT)

Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng không chỉ là nơi diễn ra các cuộc tranh tài của các vận động viên thể thao, chỉ tập trung vào kết quả thắng-thua, mà ở đây, thông qua đó sẽ truyền thông điệp cho tinh thần đoàn kết, tình yêu hòa bình và ứng xử có văn hoá. Sự góp mặt của các vận động viên thể thao khắp nơi sẽ giúp xóa nhòa mọi ranh giới địa lý, giúp con người gần gũi và yêu thương nhau nhiều hơn. Thông qua thể thao và đặc biệt là bóng đá, các nước chủ nhà cũng từ đó truyền đi thông điệp để “khoe”, để giới thiệu văn hoá và hình ảnh đất nước, con người của mình.

Việt Nam là chủ nhà của SEAGames 31 đã và đang làm rất tốt để không chỉ nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh Việt Nam, mà còn thể hiện một tâm thế chủ động hội nhập và sáng tạo, đóng góp và gánh vác cùng cộng đồng quốc tế và truyền đi thông điệp "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn - For a tronger South East Asia".

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 10/5 - Ảnh 6
Việc quá nhiều cuộn giấy vệ sinh được ném xuống sân cộng thêm với trời mưa khiến công tác dọn dẹp rất vất vả. (Ảnh: Báo TN&MT)

Trở lại câu chuyện cổ vũ bóng đá và ném giấy vệ sinh xuống sân tại sân vận động Việt trì tối 8/5 vừa qua, việc cổ vũ cho đội bóng nước nhà, thể hiện niềm tự hào là nhu cầu chính đáng và là việc đáng biểu dương. Do đó, nếu chúng ta tiến hành cổ vũ một cách có văn minh thì vừa tiếp thêm động lực cho các cầu thủ thi đấu dưới sân vừa lan toả được văn hoá đất nước thì những chiến thắng của đội tuyển càng thêm ý nghĩa đồng thời để lại nhiều hình ảnh đẹp trong mắt các bạn bè quốc tế, khách du lịch, khép lại một giải đấu, một kỳ SEAGames với nhiều dư âm đẹp và trọn vẹn.

Bình Dương: Tổ chức Cuộc thi “Sức sống mới từ vật liệu phế thải”

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Bình Dương phối hợp với Tỉnh đoàn Bình Dương và Trung tâm Thương mại Aeon Mall Bình Dương Canary tổ chức Cuộc thi Sáng tạo sản phẩm tái chế bảo vệ môi trường trong đoàn viên thanh thiếu niên tỉnh Bình Dương năm 2022 với chủ đề “Sức sống mới từ vật liệu phế thải”.

Theo đó, Cuộc thi “Sức sống mới từ vật liệu phế thải” nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động bảo vệ môi trường trong đoàn viên thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh Bình Dương, góp phần nâng cao nhận thức về việc sử dụng những vật liệu tái chế, cũng như lan tỏa thông điệp về việc suy nghĩ, hành động và việc làm để bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 10/5 - Ảnh 7
Sở TN&MT Bình Dương phối hợp tổ chức Cuộc thi “Sức sống mới từ vật liệu phế thải”. 

Cùng với đó, Cuộc thi cũng sẽ tạo sân chơi lành mạnh, thể hiện tài năng, thẩm mỹ của bản thân cho đoàn viên thanh niên tỉnh Bình Dương trong các hoạt động sáng tạo, ứng dụng; đồng thời, khơi dậy tiềm năng và phát triển tư duy, tính sáng tạo của đoàn viên thanh thiếu niên; rèn luyện kỹ năng đổi mới, sáng tạo, xây dựng nhận thức lớn về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của quê hương, đất nước.

Theo Sở TN&MT Bình Dương, Cuộc thi với chủ đề “Sức sống mới từ vật liệu phế thải” và các sản phẩm tham gia dự thi phải thể hiện sự sáng tạo và được tuyên truyền rộng rãi, mang tính giáo dục về nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sâu rộng trong đoàn viên thanh niên và người dân; thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của đoàn viên thanh niên; tạo sự trao đổi thông tin, giao lưu, học hỏi lẫn nhau trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giữ gìn môi trường sống.

Trung Quốc chứng kiến nước biển dâng cao kỷ lục năm 2021

Mực nước biển ở Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái, nguyên nhân là do nhiệt độ nước biển tăng và sự tan chảy của các sông băng và các chỏm băng ở vùng cực.

Cuối tuần qua, Trung tâm Giám sát Môi trường Biển Quốc gia, một đơn vị nghiên cứu trực thuộc Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, công bố báo cáo thường niên cho thấy, năm 2021 nước này ghi nhận mực nước biển ven bờ cao hơn 84 mm so với mức trung bình của giai đoạn 1993-2011.

Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 10/5 - Ảnh 8
Mực nước biển ở Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2021, do nhiệt độ nước biển tăng và sự tan chảy của các sông băng và các chỏm băng ở vùng cực. (Ảnh: Reuters)

Cơ quan này cảnh báo mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu đang gây ra “tác động liên tục” đến quá trình phát triển của các vùng duyên hải, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách cải thiện công tác giám sát và tăng cường cảnh báo sớm cũng như các nỗ lực phòng ngừa.

Cũng theo trung tâm, về lâu dài nước biển dâng cao sẽ gây xói mòn hệ sinh thái ven biển và mất bãi triều, trong khi các thành phố duyên hải sẽ đối mặt với nguy cơ lũ lụt và xâm nhập mặn lớn hơn.

Mực nước biển ven bờ ở Trung Quốc đã tăng trung bình 3,4 mm mỗi năm kể từ 1980, cao hơn mức trung bình toàn cầu trong cùng giai đoạn.

Mặc dù nhiệt độ các vùng biển ven bờ của nước này đã giảm nhẹ trong năm 2021 so với năm trước đó, tuy nhiên vẫn cao thứ 3 trong lịch sử và cao hơn 0,84 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1993-2011.

Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc năm ngoái dự báo mực nước biển ven bờ sẽ tăng thêm 55-170 mm trong 3 thập kỷ tới, đòi hỏi chính phủ nước này phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ các vùng duyên hải.

Các thành phố ven biển phía đông Trung Quốc đã bắt đầu lên kế hoạch dự phòng nhằm đối phó với tình trạng nước biển dâng, trong đó Thượng Hải đang xem xét xây dựng hệ thống cống thoát nước và cửa ngăn thủy triều mới.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h nổi bật ngày 10/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới