Thứ bảy, 23/11/2024 04:02 (GMT+7)
Thứ năm, 20/08/2020 06:00 (GMT+7)

Năng lượng tái tạo 'lên ngôi'

Theo dõi KTMT trên

Để giải quyết các vấn đề ô nhiễm do nhiệt điện than gây ra, một số quốc gia châu Á đều có những chính sách quyết liệt và hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo, giảm sự lệ thuộc vào than đá và các loại nhiên liệu hóa thạch khác.

Chính phủ buộc phải hành động dưới sức ép dư luận

Indonesia là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí liên quan đến than đá. Nghiên cứu của ĐH Harvard dự báo rằng, số người chết sớm do ô nhiễm không khí từ than tại Indonesia có thể lên tới 24.400 người vào năm 2030. Nhận thức của người dân về các tác động tiêu cực của ngành công nghiệp than đá ngày càng cải thiện và có hành động quyết liệt để bảo vệ môi trường.

Năng lượng tái tạo 'lên ngôi' - Ảnh 1
Một nhà máy nhiệt điện than của Trung Quốc đặt ở khu đông dân cư. (Nguồn: ABC)

Bắt đầu từ năm 2016, cư dân xung quanh các nhà máy nhiệt điện than ở Winong đã chỉ trích và tố cáo các nhà máy này làm ô nhiễm không khí và làm cạn kiệt nguồn nước. Cư dân Winong gửi nhiều đơn khiếu nại, tổ chức nhiều cuộc biểu tình yêu cầu nhà chức trách phải có giải pháp cụ thể để xử lý các vấn đề gây ra bởi nhà máy nhiệt điện than. Dưới sức ép của dư luận, tháng 8/2018, tòa án quận Cilacap buộc phải thành lập tổ công tác để điều tra tình hình ô nhiễm tại làng Winong. Tuy nhiên, kết quả của cuộc điều tra cho đến nay vẫn chưa được công bố.

Ngày 4/7/2019, một nhóm người dân tự xưng là Nhóm vận động Jakarta đã đệ đơn kiện 7 quan chức cấp cao của chính phủ, bao gồm cả Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thị trưởng Jakarta Anies Baswedan, buộc họ phải chịu trách nhiệm về tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề ở đất nước này do buông lỏng quản lý các nguồn gây ô nhiễm không khí, bao gồm cả nhà máy nhiệt điện than. Đơn kiện mong muốn chính phủ đưa ra một kế hoạch hành động hợp lý dựa trên nghiên cứu toàn diện để cải thiện tình trạng ô nhiễm, như cách chính phủ Trung Quốc đã làm vào năm 2014 - tuyên chiến với ô nhiễm không khí và ban hành chiến lược hành động trong vòng 5 năm để cải thiện chất lượng không khí trên toàn quốc.

4 ngày sau khi đơn kiện được gửi lên, Tổng thống Widodo ra thông báo bày tỏ ý định giảm việc sử dụng than đá, tập trung vào năng lượng tái tạo. Động thái này đi ngược với chính sách phát triển dựa vào nguồn nguyên liệu hóa thạch rẻ và sẵn có do chính phủ của ông công bố trước đó.

Nếu ý định giảm bớt sự lệ thuộc vào than đá của Tổng thống Widodo đi vào thực thi, Indonesia có thể đạt được mục tiêu giảm thải khí CO2 như cam kết trong Thỏa thuận Paris. Hiện, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này đang là một trong những nguồn xả thải CO2 lớn nhất thế giới. Nạn phá rừng và chuyển đổi việc sử dụng đất đang là nguồn xả CO2 chủ yếu, nhưng trong tương lai gần khí thải từ các nhà máy nhiệt điện sẽ là nguồn phát thải chủ yếu khi nhu cầu về điện của Indonesia không ngừng gia tăng.

Theo đánh giá của các chuyên gia quản lý môi trường, chiến lược chuyển đổi từ than đá sang các nguồn năng lượng tái tạo sẽ là nhân tố quyết định việc Indonesia có đạt được các mục tiêu về giảm thải hay không. Các chuyên gia cũng nhận định rằng, tuy chưa có chiến lược hành động cụ thể, nhưng tuyên bố giảm lệ thuộc vào than đá của Tổng thống Widodo sẽ kích thích các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Nghiên cứu công bố trên tạp chí Environmental Health (2019) cho thấy, mối liên hệ chẽ giữa các nhà máy nhiệt điện than và tỉ lệ mắc ung thư phổi. Nghiên cứu năm 2017 của trường Đại học Harvard đăng trên Tạp chí khoa học Environmental Science & Technology chỉ ra rằng, các nhà máy nhiệt điện than làm tăng tỉ lệ tử vong do bệnh tật của cư dân trong vùng.

Cụ thể, ô nhiễm không khí do nhiệt điện than khiến 20.000 người chết sớm mỗi năm. Dự báo tử vong liên quan đến khí thải từ các nhà máy nhiệt điện than sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Đến năm 2030, số người chết sớm do ô nhiễm liên quan đến than được dự báo lên tới 70.000 người. Trong đó, Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc và Myanmar là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bài học từ Trung Quốc và Ấn Độ

Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đứng đầu thế giới về sản lượng và tiêu thụ than. Khí thải từ các nhà máy nhiệt điện than cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng của hai quốc gia đông dân nhất và nhì thế giới này. Để giải quyết các vấn đề ô nhiễm do nhiệt điện than gây ra, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có những chính sách quyết liệt và hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo, giảm sự lệ thuộc vào than đá và các loại nhiên liệu hóa thạch khác.

Năng lượng tái tạo 'lên ngôi' - Ảnh 2
Với các chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư hiệu quả, ngành năng lượng tái tạo của Ấn Độ đang trên đà phát triển mạnh mẽ. (Nguồn: Castlereagh)

Kể từ năm 2016, Ấn Độ bắt đầu cắt giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tăng trợ cấp cho các doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Trong vòng 3 năm từ 2014 đến 2017, trợ cấp của chính phủ cho năng lượng tái tạo đã tăng gấp 6 lần, từ 431 triệu đô la Mỹ lên 2,2 tỉ đô la Mỹ.

Bên cạnh giảm trợ cấp, Ấn Độ còn đánh thuế sản xuất than đá (5,7 đô la Mỹ trên mỗi tấn than được sản xuất). Thuế than dùng để xử lý các vấn đề về môi trường và trích một phần cho các dự án nghiên cứu công nghệ năng lượng sạch. Ấn Độ còn đặt ra tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt của các nhà máy nhiệt điện than. Các tiêu chuẩn thay đổi theo độ tuổi của nhà máy nhằm kiểm soát các chất độc hại gây ô nhiễm không khí như nitơ oxit, lưu huỳnh đioxit, thủy ngân và các hạt vật chất nhỏ khác.

Tại Trung Quốc, theo chính sách phát triển năng lượng công bố đầu năm 2019, chính phủ sẽ trợ cấp để các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo đạt được mức giá bằng với giá điện truyền thống. Các công ty điện được khuyến khích mua điện từ các dự án năng lượng tái tạo thí điểm với mức giá tốt, chính phủ hỗ trợ để cung cấp điện liên vùng. Chính phủ hứa sẽ tiếp tục giúp các dự án năng lượng sạch tăng doanh thu bằng cách cắt giảm chi phí đất đai, thuế và các khoản chi phí khác.

Song song với các hỗ trợ cho năng lượng tái tạo, chính phủ Trung Quốc cũng siết chặt quản lý với các nhà máy nhiệt điện than. Trung Quốc đặt mục tiêu kiểm soát tiêu thụ than và tăng hiệu quả sử dụng than. Chính phủ đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn cho việc sử dụng than dân dụng và công nghiệp. Nhiều chính sách thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính phủ trong việc kiểm soát ô nhiễm từ than được ban hành như Chương trình hành động tăng cường chống ô nhiễm không khí trong ngành công nghiệp năng lượng, và Chiến lược hành động Tiết kiệm năng lượng điện từ than, giảm phát thải, nâng cấp và chuyển đổi (2014-2020).

Hoàn La

Bạn đang đọc bài viết Năng lượng tái tạo 'lên ngôi'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới