Tro xỉ điện than có thực sự là nguyên liệu quý?
Vấn đề tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện đang là mối quan tâm của nhiều cộng đồng nơi có các nhà máy nhiệt điện than hoạt động. Thời gian qua, báo chí liên tục phản ánh tình trạng bãi tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện quá tải khiến người dân ngày đêm lo sợ. Trong khi đó, đến nay, giới chuyên môn vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc tro xỉ điện than là tài nguyên hay chất thải nguy hại.
Để làm rõ hơn vấn đề này, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lưu Đức Hải, nguyên Chủ nhiệm khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).
Tro xỉ điện than của Việt Nam có chứa chất phóng xạ, thủy ngân?
PV: Lâu nay, tro xỉ điện than được biết đến là chất thải độc hại, gây nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, gần đây lại có ý kiến cho rằng cần xem tro xỉ điện than là nguồn nguyên liệu đáng quý. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
- PGS.TS Lưu Đức Hải: Trước hết cần phải biết rõ khái niệm “Tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than” là gì, sau đấy mới bàn đến ảnh hưởng môi trường của nó. Trong các nhà máy nhiệt điện sử dụng than làm nhiên liệu mà ta thường gọi tắt là “Nhiệt điện than” có nhiều chất ô nhiễm sinh ra: khí thải (chứa SO2, CO2, bụi, VOCs - hợp chất hữu cơ bay hơi và cả hơi thủy ngân - Hg); nước thải (nhiệt độ, kim loại hòa tan); chất thải rắn (tro xỉ, tro bay, thạch cao, than chưa cháy hết).
Tro xỉ là phần không cháy của nhiên liệu than đưa vào lò đốt các nồi hơi để tạo ra hơi nước, nó được xả ra từ đáy các lò đốt, tỉ lệ tro xỉ so với lượng than sử dụng tùy thuộc vào thành phần chất lượng than nguyên liệu ban đầu và công nghệ đốt của nhà máy nhiệt điện; dao động trong phạm vi rộng từ 10-20%. Thành phần của tro xỉ là các loại oxit Si, Al, Ca, Mg và kim loại nặng khác, cũng như than chưa cháy hết, Thạch cao khan (CaSO4).
Về cơ bản, tro xỉ có thể tận thu các loại tài nguyên còn lại: tro bay (sử dụng làm phụ gia xi măng đông cứng nhanh), thạch cao (dùng trong nguyên liệu xi măng), than chưa cháy hết (tận thu làm chất đốt); người ta còn sử dụng tro xỉ để làm vật liệu san nền,... Nhưng nếu không quản lý tốt, tro xỉ và các kim loại nặng chứa trong tro xỉ có thể gây ô nhiễm môi trường đất (lấn đất), nước (hòa tan các kim loại nặng và hóa chất), không khí (tạo bụi).
Vậy vấn đề tro xỉ có lợi hay có hại xuất phát từ việc chúng ta biết rõ thành phần của các chất độc hại chứa trong tro xỉ, cũng như việc quản lý và sử dụng nó như thế nào.
Vấn đề tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện đang là mối quan tâm của nhiều cộng đồng nơi có các nhà máy nhiệt điện than hoạt động. (Ảnh: GreenID) |
PV: Gần đây, báo chí phản ánh người dân ở xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã “bao vây” công trình sân vận động của xã này, vì cho rằng việc sử dụng tro xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 để san lấp sẽ gây ô nhiễm môi trường, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Liệu những lo ngại của người dân có cơ sở không thưa ông?
- PGS.TS Lưu Đức Hải: Phải nói trực tiếp là tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện chứa lượng thủy ngân trong tro xỉ là rất nhỏ không đủ mức gây ra tác động, hơn nữa trong quá trình cháy của nhiên liệu than thì thủy ngân đã bay ra môi trường không khí vì nó là kim loại rất dễ bay hơi. Tuy nhiên, thủy ngân có nồng độ khá cao trong tro bay.
Ngược lại, chất phóng xạ (Nguyên tố Urani và các đồng vị của nó) thường là các kim loại rất nặng, khi cháy thường tích lũy lại trong tro xỉ; vì tro xỉ chiếm 10-20% trọng lượng than ban đầu, nên hàm lượng nguyên tố phóng xạ trong tro xỉ sẽ tăng lên 5-10 lần so với hàm lượng nguyên tố phóng xạ chứa trong than nhiên liệu.
Các loại than Việt Nam có chứa thủy ngân, nên khi đốt có thể gây ô nhiễm thủy ngân đối với môi trường không khí xung quanh các nhà máy nhiệt điện. Tôi không rõ sân vận động xã Kỳ Nam, thị xã Hà Tĩnh mà phóng viên nói có đúng là dùng tro xỉ của nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 để san lấp hay không? Và nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 dùng loại than nào, có chứa chất phóng xạ hay không? Nên nếu nghi ngờ khu vực sân vận động có thể bị nhiễm xạ thì có thể đo đạc để kiểm tra bằng các thiết bị sẵn có ở nhiều cơ quan khoa học và trường đại học ở Việt Nam.
PV: Có phải tất cả các loại tro xỉ đều chứa chất phóng xạ, thủy ngân không thưa ông?
- PGS.TS Lưu Đức Hải: Nhiều nghiên cứu cho thấy, than có chứa chất phóng xạ cao ở Việt Nam là than antraxit mỏ Nông Sơn (Quảng Nam) và than ở một số mỏ nhỏ vùng Thái Nguyên có chứa nồng độ phóng xạ thấp, như mỏ Núi Hồng.
Đối với các loại than hiện đang được nhập khẩu, hàm lượng nguyên tố phóng xạ trong than chưa được cơ quan nhập khẩu công bố nên không rõ. Theo quan điểm của tôi, nếu than chứa phóng xạ thì nguy cơ tro xỉ có nồng độ phóng xạ cao không thể tận dụng trong tất cả các ứng dụng.
Đối với Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, các thông tin về việc đánh giá, chứng minh chất lượng tro xỉ tại đây chưa được công bố rộng rãi nên tôi không thể trả lời là tro xỉ nhà máy này có bị ô nhiễm phóng xạ hay không.
Đến nay, giới chuyên môn vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc tro xỉ điện than là tài nguyên hay chất thải nguy hại. (Ảnh minh họa) |
Quản lý tro xỉ điện than tại Việt Nam còn yếu
PV: Ông đánh giá công tác quản lý tro xỉ điện than ở nước ta hiện nay ra sao? Có đảm bảo hạn chế được những nguy hiểm mà tro xỉ có thể gây ra?
- PGS.TS. Lưu Đức Hải: Tôi cho rằng, công tác quản lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện ở nước ta hiện nay rất yếu. Một trong những nguyên nhân chính là vì không có cơ quan nào đặc trách nhiệm vụ này, nên có thể dẫn đến sự bỏ sót các khâu kiểm soát quan trọng (kiểm soát phóng xạ) và không kích thích việc tận dụng nguồn “tài nguyên” này.
Ví dụ để triển khai ứng dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng cần phải qua các ban ngành của Bộ Xây dựng để đăng ký và đánh giá các chủng loại sản phẩm, qua Bộ Công thương để thành sản phẩm hàng hóa, qua Bộ Tài nguyên và Môi trường để đánh giá tác động môi trường. Tuy vậy, nhưng có khi độ phóng xạ của tro xỉ thì không Bộ nào quan tâm.
Tôi có thể lấy một dẫn chứng là dù biết Xí nghiệp mỏ than Nông Sơn có hàm lượng nguyên tố phóng xạ cao, Bộ Công thương và các Bộ liên quan vẫn duyệt cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng một nhà máy nhiệt điện than công suất 35 MW. Đến nay, nhà máy hoạt động như thế nào và tro xỉ nhà máy sử dụng ra sao chưa có cơ quan nào vào cuộc.
Loay hoay xử lý tro xỉ tại nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 |
PV: Xin ông cho biết có những phương án tái sử dụng tro xỉ điện than nào hiện nay? Có phương án nào có thể áp dụng phù hợp với các điều kiện của nước ta?
- PGS.TS. Lưu Đức Hải: Có rất nhiều phương án sử dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện, khi các loại tro xỉ đó không chứa chất phóng xạ như: Sử dụng làm vật liệu xây dựng (gạch không nung, chất độn, vật liệu lót đường hoặc san nền), phụ gia xi măng (thay thế một phần clinker - là sản phẩm nung đến kết khối của hỗn hợp đất sét và đá vôi theo hệ số các modun phù hợp, từ đó tạo ra các thành phần khoáng theo mong muốn cụ thể), tận thu tro bay để cải tạo đất,... Vấn đề này các nhà khoa học trong từng lĩnh vực chuyên sâu của mình sẽ biết cách tận dụng.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất ở đây là hiệu quả kinh tế của các ứng dụng đó, mà hiệu quả kinh tế phụ thuộc vào nhu cầu thị trường, công nghệ sản xuất và sự hỗ trợ của chính sách Nhà nước đối với công nghiệp tận thu và tái chế chất thải (hay còn gọi là kinh tế tuần hoàn).
Số liệu thống kê mới nhất, hiện nay, Việt Nam có 28 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, với tổng công suất khoảng 18.000 MW, có tỉ trọng khoảng 39% trong cơ cấu nguồn điện. Dù vậy, công tác xử lý, tiêu thụ tro xỉ vẫn là một câu chuyện không dễ. Trong năm 2018, lượng tro, xỉ, phát sinh từ các nhà máy điện than khoảng 13 triệu tấn. Tuy nhiên, lượng tro, xỉ tiêu thụ chỉ đạt khoảng 5,4 triệu tấn, chiếm khoảng 41% lượng phát thải. Theo Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nếu chúng ta không có biện pháp xử lý thì đến năm 2030 chúng ta sẽ tồn dư khoảng 422 triệu tấn và mỗi năm thêm khoảng 32 triệu tấn nữa. Và nếu cứ bình quân bãi tro xỉ đắp cao khoảng 5 m thì chúng ta sẽ mất khoảng 65 km2 để chứa tro xỉ và mỗi năm thêm 5km2 (bằng 1 xã đồng bằng Bắc Bộ, chúng ta cũng nhớ rằng thành phố Huế cũng chỉ khoảng 70 km2), như vậy có thể thấy lượng đất để chứa tro xỉ là rất lớn. |
Lê Ngọc - Tiến Đạt