Mở lối chi trả giảm phát thải từ rừng
Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ, qua đó huy động thêm 51,5 triệu USD cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho khu vực này.
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) Hà Công Tuấn tại Hội nghị tổng kết dự án "Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam – giai đoạn 2" (gọi tắt là dự án FCPF-2), diễn ra chiều ngày 26/6, tại Hà Nội.
Dự án FCPF-2 được triển khai từ tháng 11/2016 đến ngày 30/6/2020 tại Hà Nội và sáu tỉnh Bắc Trung bộ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tổng kinh phí là 5,696 triệu USD, trong đó, quỹ Đối tác Carbon trong Lâm nghiệp (FCPF) ủy thác qua Ngân hàng Thế giới (WB) số vốn ODA viện trợ không hoàn lại 5 triệu USD.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc dự án phát biểu tại Hội nghị. |
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc dự án, trong giai đoạn 2017 – 2020, dự án đã hỗ trợ Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng 6 nghị định và thông tư, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về Lâm nghiệp; hỗ trợ xây dựng Quyết định 419/QĐ-TTg ngày 5/4/2017 về Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các – bon rừng và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030 và các Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh (PRAP) cho sáu tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.
Về mặt kỹ thuật, dự án đã hỗ trợ Bộ NN&PTNT xây dựng Chương trình giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2025 (ER-P), đồng thời tích cực hỗ trợ tiến trình đàm phán và ký kết Thoả thuận chi trả giảm phát thải (ERPA) giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới để thực hiện ER-P. Trong thời gian tới, khi hai bên thông qua Thỏa thuận này, Quỹ đối tác các-bon trong Lâm nghiệp sẽ chi trả 51,5 triệu USD cho 10,3 triệu tấn CO2e. Phần còn lại, Việt Nam có quyền bán cho các đối tác khác.
Cán bộ lâm nghiệp sử dụng máy tính bảng theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. |
Tại sáu tỉnh Bắc Trung Bộ, dự án đã hỗ trợ hàng trăm máy tính bảng và tập huấn cho các cán bộ lâm nghiệp sử dụng theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Các Ban quản lý rừng và công ty lâm nghiệp được tập huấn về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lâm nghiệp Hương Sơn - Hà Tĩnh hiện duy trì giá trị chứng chỉ với tổng diện tích là 19.708 ha, Nhóm chứng chỉ rừng Liên hiệp HTX Tây Kim – Hương Sơn – Hà Tĩnh duy trì giá trị chứng chỉ với tổng diện tích là 358 ha/199 hộ thành viên; Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh – Thanh Hóa được cấp chứng chỉ rừng với tổng diện tích là 10.292 ha.
Quang cảnh hội nghị. |
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, Việt Nam chủ trương bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, tập trung vào phát triển rừng trồng và sử dụng các giá trị nhiều mặt về môi trường của rừng trong đó có dịch vụ giảm phát thải, hấp thụ carbon rừng. Chính vì vậy, việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện sáng kiến REDD+, đặc biệt là các kết quả của dự án đã mở ra các cơ hội để Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính bổ sung cho ngành lâm nghiệp.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương vùng dự án đã chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dự án, khó khăn và đề xuất các giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. Dự kiến, những bài học kinh nghiệm sẽ được trao đổi, chia sẻ rộng rãi trong nước và quốc tế.
Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị và 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ tiếp tục hoàn thiện các điều kiện, thủ tục cần thiết để ký kết Thỏa thuận chi trả giảm phát thải với Ngân hàng thế giới, tổ chức thực hiện thành công Thỏa thuận này. Đây sẽ là tiền đề mở rộng thực hiện REDD+ ra nhiều tỉnh thành có rừng trên cả nước và thu hút các đối tác tài chính mới.
REDD+ là một sáng kiến quốc tế nhằm hỗ trợ cho các nước đang phát triển với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua các nỗ lực chống mất rừng, chống suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng, quản lý rừng bền vững, tăng cường trữ lượng carbon rừng. Việt Nam đã triển khai 45 dự án lớn nhỏ nhằm chuẩn bị các mặt thể chế, chính sách và kỹ thuật cho REDD+. Từ đó, tiến tới thực hiện các hoạt động REDD+ và chi trả dựa trên kết quả giảm phát thải và/hoặc hấp thụ carbon. Chương trình ER-P là chương trình REDD+ đầu tiên của Việt Nam thực hiện theo cách tiếp cận chi trả dựa vào kết quả giảm phát thải ở quy mô cấp vùng, được Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua tại cuộc họp các nước thành viên lần thứ 17 tại Paris vào tháng 2/2018. |
Thảo Mai