Giữ rừng trên đỉnh Sam Síp
Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La (KBTTN) nằm trên đỉnh Sam Síp, thuộc bản Chom Khâu, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Địa hình nơi đây cao dốc, mức độ chia cắt mạnh với nhiều đỉnh cao trên 1.000m dọc theo dãy núi Sam Síp, trong đó, cao nhất là đỉnh Sam Síp với độ cao 1.924m. Bởi thế, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng; bảo tồn nguồn gen động, thực vật quý hiếm, đa dạng sinh học nơi đây còn lắm gian nan.
Cán bộ KBTTN Mường La tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng, PCCCR. |
Vượt khó để giữ rừng
Hơn 3 năm đã trôi qua kể từ trận lũ lịch sử xảy ra rạng sáng ngày 3/8/2017 tại huyện Mường La, thế nhưng tuyến đường tỉnh lộ 109 đi qua địa phận xã Nặm Păm để đến với Ngọc Chiến vẫn còn lởm chởm đá. Mất hơn 1 tiếng đồng hồ vượt con dốc ngược quanh co, chúng tôi mới có mặt tại Ban quản lý KBTTN Mường La.
KBTTN Mường La được thành lập theo Quyết định 511/QĐ-UBND, ngày 7/3/2016 của UBND tỉnh Sơn La. Tổng diện tích quy hoạch KBT hơn 15.800ha, nằm trên địa phận 3 xã: Hua Trai, Ngọc Chiến, Nặm Păm. Phân theo khu chức năng, gồm 3 phân khu: Khu bảo vệ nghiêm ngặt hơn 8.000ha, khu phục hồi sinh thái 3.339ha, khu dịch vụ hành chính hơn 31ha.
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Ban quản lý KBTTN Mường La cho biết: Ban quản lý KBT hiện có 20 cán bộ, viên chức, chia thành 3 tổ bảo vệ rừng đóng trên địa bàn 3 xã. Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR, bảo tồn đa dạng sinh học, thời gian qua, Ban quản lý KBT đã tăng cường tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân sống xung quanh rừng đặc dụng về giá trị của động, thực vật quý hiếm đang sinh sống tại khu bảo tồn. Đồng thời, phối hợp với chính quyền cơ sở đẩy mạnh tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát rừng.
“Địa bàn quản lý rộng nên trong quá trình tuần tra, kiểm soát, anh em gặp rất nhiều gian nan. Mỗi khi đi tuần, thứ duy nhất cầm theo là chiếc ba lô đựng gạo, nước. Đến khu vực nào tối ngủ thì hái rau rừng ở nơi đó ăn cùng cơm. Ở khu vực giáp tỉnh Yên Bái, mỗi lần đi tuần phải mất 2 – 3 ngày ăn rừng, ngủ rừng. Có những người lần đầu tiên đi rừng bị kiệt sức, lật cổ chân, phải nhờ anh em cõng mới về được” – ông Lê Tuấn Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, Ban quản lý KBT đã triển khai các chương trình dự án hỗ trợ sản xuất vùng đệm bằng việc cấp phát giống cây ăn quả, cây công nghiệp cho các hộ dân sống xung quanh vùng đệm. Nhờ đó, đã góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với đó, phối hợp với Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã Quốc tế ký hợp đồng với 10 người thuộc 3 xã Ngọc Chiến, Nậm Păm và Hua Trai để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, theo dõi và cập nhật các đặc tính, tình hình sinh trưởng, phát triển của loài Vượn đen tuyền... Phối hợp với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu thực hiện các cuộc điều tra chuyên đề, xác định được các loài động, thực vật quý hiếm và đưa ra các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian tiếp theo.
KBTTN Mường La tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân quanh khu bảo tồn. |
Giữ rừng để hưởng lợi từ rừng
Theo lời giới thiệu của Phó Giám đốc Ban quản lý KBT Hoàng Trọng Thắng, bản Ít là một trong những bản làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Từ khi thành lập khu bảo tồn Mường La đến nay, bản Ít chưa có vụ cháy rừng nào xảy ra.
Ông Lường Văn Hặc, Trưởng bản Ít cho biết: Bản có 15 thành viên nằm trong đội quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR, quản lý 834,232ha rừng. Tháng cao điểm, các thành viên thường xuyên cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn tham gia tuần tra rừng. Ngoài ra, nhờ công tác tuyên truyền, ý thức bảo vệ rừng của người dân đã nâng lên rất nhiều.
Đặc biệt, diện tích rừng trên vừa được chi trả hơn 400 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Bởi vậy, tất cả các hộ dân trong bản đều có ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng. Qua đó, gần chục năm trở lại đây, bản Ít không xảy ra tình trạng cháy rừng, xâm hại rừng. Đa dạng sinh học được duy trì, bảo vệ nên vẫn còn nhiều loại động, thực vật quý hiếm.
Anh Cà Văn Văn, người dân bản Ít, tâm sự: Số tiền DVMTR chúng tôi nhận được không lớn, nhưng đó là động lực để bà con giữ rừng tốt hơn. Không chỉ được nhận tiền DVMTR, chúng tôi còn được Nhà nước cấp cho cây xoài, cây mận về trồng. Nhờ vậy, người dân không xâm hại đến rừng và động vật hoang dã. Diện tích rừng được giao cho bản Ít bảo vệ ngày càng phát triển tốt hơn. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày một được cải thiện và nâng cao.
KBTTN Mường La có tổng diện tích quy hoạch hơn 15.800ha, nằm trên địa bàn 3 xã của huyện Mường La. |
Qua thống kê sơ bộ, về dạng thực vật rừng, tại KBTTN Mường La đã thống kê được 622 loài thuộc 130 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó, có 27 loài thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới IUCN 2010 và Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Về đa dạng động vật, KBTTN Mường La đã thống kê được 323 loài thuộc 97 họ, 28 bộ của 4 lớp: Thú, chim, bò sát, lưỡng cư. Trong đó, có 51 loài quý hiếm. Đặc biệt, một số loài có giá trị bảo tồn cao như: Vượn đen tuyền, niệc cổ hung, niệc nâu, sóc bay, khỉ, cầy vằn bắc, sơn dương, báo đốm, gấu, gà lội tía, bói cá lớn, hổ mang chúa, rắn ráo thường, rắn hổ mang, kỳ đà hoa, ba ba gai…. Ngoài ra, còn một số loài lưỡng cư quý hiếm khác. |
Nguyễn Nga