Thứ sáu, 22/11/2024 23:44 (GMT+7)
Thứ ba, 13/10/2020 11:02 (GMT+7)

Miền Bắc và miền Trung đang trong tình thế thiên tai cực kỳ nguy hiểm

Theo dõi KTMT trên

Sáng nay (13/10), Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã tổ chức cuộc họp bàn phương án ứng phó khẩn cấp với mưa lũ ở miền Trung và bão số 7 trên Biển Đông.

Theo VTCNews, tại cuộc họp, ông Vũ Xuân Thành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT nhấn mạnh, hiện nay toàn bộ khu vực miền Bắc, miền Trung đang trong tình thế thiên tai cực kỳ nguy hiểm.

"Trong đó, bão số 7 trên Biển Đông hình thành và tiếp tục mạnh lên, di chuyển nhanh và dự báo ngày mai sẽ ảnh hưởng đến đất liền nước ta.

Mưa lớn vẫn đang diễn ra ở Bắc và Trung Trung Bộ, mực nước các sông ở mức rất cao, trên mức báo động 3 nhiều, ngập lụt diện rộng vẫn đang diễn ra. Sạt lở đất bắt đầu xuất hiện ở khu vực miền núi.

Miền Bắc và miền Trung đang trong tình thế thiên tai cực kỳ nguy hiểm - Ảnh 1
Ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Cần lưu ý nhất là bão đã xuất hiện, dự kiến sẽ đổ bộ trong ngày mai, cùng với đó miền Trung đang mưa rất lớn và ngay sau đó dự báo có thể xuất hiện cơn bão số 8 ảnh hưởng đến nước ta cuối tuần này”, ông Thành nhấn mạnh.

Để ứng phó với tình thế thiên tai đang diễn ra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT đề nghị các Bộ, ngành, địa phương triển khai đầy đủ, nghiêm túc các nội dung trong công điện ngày 12/10 của Thủ tướng.

Các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cần tập trung đảm bảo an toàn cho tàu thuyển trên biển, đảm bảo đưa các tàu về nơi neo đậu, tránh trú, theo dõi sát sao để đảm bảo an toàn.

Các địa phương tiếp tục đảm bảo an toàn cho người trên lồng bè, chòi canh. Tiếp tục chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cối, đảm bảo àn toàn. Đồng thời, các địa phương cần di dời dân ở khu vực nhà yếu, thấp trũng, công trình đang thi công dở dang.

Với Trung Bộ, ông Thành đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng, sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, hỗ trợ thiệt hại, cung cấp nhu yêu phẩm cho bà con

“Đề nghị các Bộ quan tâm, chủ động trong thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng xử lý theo quy định để hỗ trợ các địa phương, hướng dẫn các địa phương thực hiện”, ông Thành nói.

28 chết người do mưa lũ ở miền Trung

Miền Bắc và miền Trung đang trong tình thế thiên tai cực kỳ nguy hiểm - Ảnh 2
Thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) bị ngập trong nước lũ. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về PCTT, tính đến 22h ngày 12/10 thiệt hại do mưa bão, ngập lụt như sau: Đã khiến 28 người (22 người do bị lũ cuốn; 3 thuyền viên trên biển, 3 người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ), tăng 10 người: Quảng Bình 2 (tăng 1), Quảng Trị 8 (tăng 02), Thừa Thiên Huế 5 (tăng 2), Quảng Nam 06 (tăng 03), Đà Nẵng 1, Quảng Ngãi 1, Gia Lai 1, ĐăkLăk 1, Lâm Đồng 1, Kon Tum 2 (tăng 2). 12 người mất tích (08 người do lũ cuốn; 04 thuyền viên trên biển), gồm: Quảng Trị 05 , Thừa Thiên Huế 01, Đà Nẵng 03, Quảng Nam 02, Gia Lai 01), giảm 02 người (Quảng Bình: 01, Quảng Trị 01 đã tìm thấy thi thể).

415 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 131.077 nhà bị ngập. 137 điểm Quốc lộ, 11.576m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi); 19 điểm ngập (Quảng Bình 03; Thừa Thiên Huế 16).

Ngành giao thông đã lập rào chắn, trực điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục các sự cố. Hiện tình trạng ngập lụt, sạt lở còn gây ách tắc ở một số vị trí trên các tuyến giao thông chính như: Quốc lộ 1A, 49, 49B (Thừa Thiên Huế); đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 9 (Quảng Trị); Quốc lộ 9B, Quốc lộ 15 (Quảng Bình).

592ha lúa, 4.179ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.588ha thủy sản bị thiệt hại; 293 con gia súc, 155.997 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. 244 điểm trường bị ngập (Quảng Bình 28, Quảng Trị 110; Đà Nẵng 12, Quảng Nam 30, Quảng Ngãi 64). 21,1 km (Hà Tĩnh 7km, Thừa Thiên Huế 10,6km, Quảng Nam 3,5km).

Sáng mai (14/10), bão sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ

Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia nhận định: “Sáng sớm ngày 14/10 bão số 7 sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ và trưa chiều cùng ngày sẽ ảnh hưởng tới đất liền các tỉnh phía Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đêm 13/10, Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 - 7 sau tăng lên cấp 8, vùng tâm bão sẽ mạnh cấp 9 - 10, giật cấp 12. Bão số 7 và hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn từ ngày 14-16/10, mưa to đến rất to có nơi trên 400mm, trọng tâm là khu vực Nam Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Đồng bằng Bắc bộ hết ngày 16/10”.

Theo ông Khiêm, mưa lớn khiến các sông ở khu vực bắc bộ lũ lên mức báo động 2 báo động 3 ở 1 vài nơi. Ngoài khơi Vịnh Bắc bộ gần khu vực báo có thể lên tới 6m, bão vào rất dễ kết hợp với triều cường gây ra những nguy cơ ngập lụt rất lớn ở khu vực phía Bắc.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, vào hồi 4h ngày 13/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 170 km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 170 km tính từ tâm bão.

Miền Bắc và miền Trung đang trong tình thế thiên tai cực kỳ nguy hiểm - Ảnh 3
Dự báo hướng đi của bão số 7. (Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai)

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4h ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 16,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; từ 107,0 đến 116,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, khoảng gần sáng ngày 14/10 bão sẽ đi vào khu vực vịnh Bắc Bộ. Đến 16h ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi vào đất liền các tỉnh phía Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với cường độ mạnh cấp 8 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 15/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

Hiện nay, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng đã có mưa to đến rất to, lượng mưa 18 giờ vừa qua tính từ 7h ngày 12/10 đến 1h ngày 13/10 phổ biến khoảng 50-150 mm, có nơi trên 250 mm như A Vao (Quảng Trị) 288,2 mm, Hướng Linh (Quảng Trị) 278 mm, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) 302 mm, Phú Ốc (Thừa Thiên Huế) 273,6 mm.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên sáng ngày 13/10, ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 20-50 mm, có nơi trên 70 mm; riêng ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế khoảng từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm. Từ chiều nay mưa giảm dần.

Từ ngày 14 đến ngày 16/10, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to và rải rác có dông với tổng lượng mưa phổ biến 150-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Miền Bắc và miền Trung đang trong tình thế thiên tai cực kỳ nguy hiểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới