Thứ năm, 28/03/2024 21:06 (GMT+7)
Thứ bảy, 31/10/2020 06:15 (GMT+7)

Liên ngành 'mổ xẻ' nguyên nhân mưa lũ dị thường tại miền Trung

Theo dõi KTMT trên

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10/2020, Thứ trưởng Bộ TN&MT, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã nói về tác động của việc xây dựng thuỷ điện, phá rừng... đến đợt mưa lũ và sạt lở kinh hoàng tại miền Trung.

Liên ngành 'mổ xẻ' nguyên nhân mưa lũ dị thường tại miền Trung - Ảnh 1
Hình ảnh ngập lụt tại Thanh Chương, Nghệ An. (Ảnh: Zing)

Chỉ trong vòng chưa đầy 20 ngày, miền Trung liên tiếp chịu 4 cơn bão đổ bộ và đã tàn phá gây thiệt hại nặng nề đến người và kinh tế khu vực. Dù đã có các cảnh báo sớm, tuy nhiên, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng đây là đợt thiên tai dị thường và cần phải có giải pháp tổng thể nhằm ứng phó với bão lũ.

Mất rừng có phải nguyên nhân?

Chiều 30/10, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, nhiều vấn đề liên quan đến thuỷ điện đã được báo chí đưa ra.

Theo VTCNews, trả lời câu hỏi của báo chí về việc xây dựng thuỷ điện, phá rừng... tác động thế nào đến đợt mưa lũ, sạt lở kinh hoàng vừa qua ở miền Trung, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng đợt thiên tai vừa rồi có lẽ khốc liệt hơn đợt thiên tai năm 1999, xảy ra tại khu vực miền Trung với 4 trận bão liên tiếp, số 6, 7, 8, 9 trong đó cơn bão số 9 mạnh nhất 20 năm vừa qua, mưa lớn kéo dài đã gây ra lượng mưa lớn hơn cả lịch sử năm 1999.

Tuy nhiên, theo ông Thành, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, các địa phương, đưa tin kịp thời của thông tin báo chí, đến giờ này, thiệt hại chỉ bằng một phần nhỏ so với năm 1999.

"Về vấn đề con người có làm tăng thêm thiên tai hay không, cụ thể những thiên tai gây ra thiệt hại lớn về tính mạng của người dân thời gian vừa qua như sạt lở đất, lũ ống và lũ quét: Chúng ta đã được các chuyên gia về địa chất đánh giá nguyên nhân chính khu vực miền Trung là một khu vực đồi núi cao, phân cách. Về địa chất có nhiều loại đất đá cổ, bị đập vỡ nứt nẻ tạo ra các lớp vỏ phong hóa rất dày, nhiều đất sét. Đây là điều kiện hết sức bất lợi, khi mưa lớn, đặc biệt lâu ngày, nước chứa trong các lớp phong hóa này sẽ bị nhão và có lực trượt kéo xuống phía dưới", ông Thành nói.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT, còn có hoạt động dân sinh, khi chúng ta phát triển, cần phải mở đường, san ủi để có mặt bằng xây dựng nhà ở, trường học, xây dựng các cơ sở hạ tầng, trong đó có cả các nhà máy thủy điện để bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Đây là những hoạt động tạo ra việc cắt taluy, mất chân sườn dốc, làm mất ổn định… Các hoạt động này là nguyên nhân kích hoạt thiên tai có thể xảy ra.

Liên ngành 'mổ xẻ' nguyên nhân mưa lũ dị thường tại miền Trung - Ảnh 2
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành. 

"Mất rừng có phải là nguyên nhân không? Cần đánh giá cụ thể rõ trong từng trường hợp cụ thể. Bởi vì như đã biết năm 2016 ở Yên Bái, chúng ta chứng kiến những trận sạt lở đất kinh hoàng ở khu vực rừng nguyên sinh. Khi đó, chúng ta đã chụp được những bức ảnh từ flycam rừng nguyên sinh sạt lở như vết hổ cào trên sườn núi. Do đó, có thể vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau", ông Thành nói thêm.

Thứ trưởng Bộ TN&MT bày tỏ vụ sạt lở đất vừa rồi, công trình thủy điện Rào Trăng 3 đang trong quá trình xây dựng, xảy ra sự cố rất đáng tiếc. Thực tế, thời gian vừa qua mưa lũ đều lớn hơn năm 1999 nhưng chính quyền địa phương các tỉnh miền Trung đã thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, điều hành, cắt được rất nhiều lượng nước. Nếu lượng nước này mà về hạ du thì diện ngập, mức độ ngập hơn mức năm 1999.

"Thời gian vừa rồi, chúng ta thấy chỉ có một số điểm ở mức lũ lịch sử thôi, còn ở hạ du đã được cắt lũ, diện ngập, độ sâu ngập thấp hơn đáng kể so với năm 1999", ông Thành nói.

Về đánh giá tác động môi trường cho các công trình thủy điện nhỏ, theo ông Thành, Bộ TN&MT, các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia luôn luôn đánh giá thẩm định về các yếu tố tác động đến đặc thù, bao gồm các tác động đến rừng, thảm thực vật và đa dạng sinh học, đánh giá dòng chảy tối thiểu mà thủy điện trả lại cho hạ du và các yếu tố liên quan khác.

Đã cảnh báo rất sớm

Trả lời thêm về công tác phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng đợt thiên tai vừa qua tại miền Trung rất bất thường và dị thường.

“Chưa bao giờ trong 20 ngày, miền Trung chịu tới 4 cơn bão, lũ chồng lũ, bão chồng bão. Chúng ta có biết và cảnh báo rất sớm.

Tại hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai, bộ NN&PTNT và bộ TN&MT đã cảnh báo năm nay sẽ có khoảng 5,6 cơn bão vào miền Trung, trong đó có những cơn bão rất lớn. "Chúng tôi đã cảnh báo trước 15 ngày về trận lụt lịch sử tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế”, ông Hiệp cho hay.

Liên ngành 'mổ xẻ' nguyên nhân mưa lũ dị thường tại miền Trung - Ảnh 3
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. (Ảnh: Zing)

Thứ trưởng cho biết đã gửi nhiều lượt tin nhắn đến bà con miền Trung, hệ thống chính trị đã vào cuộc rất sớm. 

Trong ứng phó, theo Thứ trưởng cần lực lượng mang tính chuyên nghiệp hơn, trang thiết bị đồng bộ hơn.

Ông Hiệp bày tỏ để bảo đảm cứu hộ nhanh, an toàn "rất mong muốn lực lượng này phải có trang thiết bị phù hợp" với mọi lực lượng địa hình và thời tiết.

Nói thêm về các sự cố vừa qua, Thứ trưởng cho hay hiện có 2 tàu vẫn không liên lạc được từ ngày 26/10. Hiện nay, thiệt hại về người chủ yếu do sạt lở đất.

“Việc sạt lở đất diễn ra rất phức tạp và không theo quy luật. Ở trạm kiểm lâm 67, đoàn kinh tế 337 hay mới nhất ở huyện Nam Trà My, đây là những chỗ ổn định lâu dài, không có trong bản đồ cảnh báo”, ông Hiệp thông tin.

Theo Thứ trưởng Hiệp, cần phải có ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn trong cảnh báo, hơn 10 tỉnh nguy cơ thiên tai cao đã có bản đồ về sạt lở. Nhưng bản đồ sạt lở tỉ lệ đang là 1/50.000, trên thực tế thì cần tối thiểu tỉ lệ 1/10.000, ít nhất thì phải 1/5.000, và để xây dựng các điểm cụ thể thì cần bản đồ tỉ lệ 1/500.

Liên ngành 'mổ xẻ' nguyên nhân mưa lũ dị thường tại miền Trung - Ảnh 4
Mọi hoạt động của con người đều có tác động hoặc xấu, hoặc tốt đến mọi vấn đề, trong đó có thiên tai. Ảnh một vụ sạt lở đất ở Quảng Nam. (Nguồn: Zing)

Trả lời câu hỏi, con người có tác động vào thiên tai hay không, Thứ trưởng NN&PTNT khẳng định là có.

“Mọi hoạt động của con người đều có tác động hoặc xấu, hoặc tốt đến mọi vấn đề, trong đó có thiên tai. Quan điểm của chúng tôi là phải thuận thiên, nhưng thuận thiên đối với Việt Nam là thích nghi có kiểm soát chứ không phải cứ để thế. Phải có giải pháp để thuận thiên”, ông Hiệp nói.

Minh Tuệ

Bạn đang đọc bài viết Liên ngành 'mổ xẻ' nguyên nhân mưa lũ dị thường tại miền Trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.